Trường CĐSP Quảng Trị: Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên
(QT) - Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên là yêu cầu có tính thường xuyên, quan trọng nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng NCKH độc lập để hỗ trợ hoạt động học tập và chuẩn bị cho các dự án, đề tài NCKH thật sự sau khi tốt nghiệp ra trường. Đối với sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị, hoạt động NCKH được đặt ra từ năm 2008 trước thực tiễn yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, chuyển từ đào tạo theo học chế niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tự học và nghiên cứu của sinh viên. Xác định NCKH trong sinh viên là hoạt động có tính chuyên môn cao nên mục tiêu nhà trường đặt nhiều vào hoạt động nghiên cứu khoa học (phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, tìm kiếm tài liệu, thu thập và xử lý thông tin, viết báo cáo và trình bày báo cáo…) chứ không đặt nặng vào kết quả nghiên cứu có tính khả thi có thể áp dụng trong thực tiễn.
 |
Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2009- 2010. |
Trên tinh thần đó, sinh viên đã hăng hái tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng đông và thực hiện đạt kết quả khá cao. Năm học 2008 - 2009 toàn trường có 17 sinh viên đăng ký đề tài NCKH, đến năm học 2009 - 2010 có 22 sinh viên và năm học 2010 -2011 hiện có 27 sinh viên đã đăng ký đề tài tham gia thực hiện. Cùng với việc tập huấn công tác NCKH cho sinh viên, Trường CĐSP Quảng Trị đã chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên định hướng đề tài cải tiến phương pháp dạy học, cử giáo viên có khả năng và kinh nghiệm, đặc biệt là giáo viên trẻ, để giúp đỡ các em thực hiện đề tài. Hàng năm, nhà trường tổ chức hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên. Những đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao được đưa vào kỷ yếu và cho sinh viên báo cáo trước hội nghị để phản biện xem đề tài đó có thể áp dụng trong thực tiễn dạy - học hay không. Tổng kết hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học trong sinh viên từ 2008 - 2010 có 19 đề tài nghiên cứu khoa học được chọn đưa vào kỷ yếu hoạt động NCKH, thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, Quản trị văn phòng, Tâm lý giáo dục, dạy - học Sinh học, Ngữ văn… Trong đó, một số đề tài được đánh giá cao, có thể áp dụng trong thực tiễn công tác dạy học và công tác ở các trường phổ thông như: “Hệ thống quản lý hồ sơ học tập của học sinh khối 10 trường THPT Hướng Hóa” (Lê Thế Nhân); “Sử dụng mã nguồn mở Openoffice.org để dạy học môn tin học ở trường THCS” (Lưu Thị Mỹ Nhung), “Sử dụng phần mềm Violet, Lecturemaker, Hot potato để biên soạn bài giảng điện tử và phần mềm Mcmic ra đề thi trắc nghiệm phần mềm mô phỏng Crocodile physics phục vụ dạy học ở trường THCS” (Mai Thị Nhật Thành, Trần Thị Trang, Trần Thị Ngọc Bích). Theo đánh giá của thạc sĩ Trương Hữu Đẳng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Trị, phong trào NCKH trong sinh viên thời gian qua chưa đáp ứng được mong muốn của nhà trường đề ra. Tuy nhiên, nhận thấy vấn đề tự học, tự nghiên cứu của sinh viên đã có những chuyển biến rất tốt. Qua nghiên cứu khoa học, các em đã đáp ứng được phần nào các hoạt động như: Công tác chủ nhiệm lớp, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin cho dạy học và công tác, giáo dục học sinh cá biệt… Đây là những bước khởi động có ý nghĩa tích cực, đặt gạch nối cho quá trình tự học, nghiên cứu của sinh viên, đặc biệt là kể từ năm học 2011 trở đi, tất cả sinh viên học lực loại khá trở lên của Trường CĐSP Quảng Trị đều phải làm khóa luận tốt nghiệp chứ không tổ chức thi như trước nữa. Thực tiễn của việc NCKH trong sinh viên cho thấy sinh viên học được rất nhiều từ việc thực hiện các đề án môn học như việc sử dụng thư viện, internet, thu thập tài liệu đọc và xử lý tài liệu, xác định vấn đề, phương pháp thực hiện, kỹ năng làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ đề tài nghiên cứu. Các đề tài NCKH của sinh viên thể hiện sự đầu tư lớn của tác giả trong việc tìm tòi, vận dụng phương pháp NCKH, thực hiện hoàn chỉnh quy trình NCKH. Sinh viên đã phát huy được tính chủ động, năng động, sáng tạo trong việc tự học, tự nghiên cứu, dần dần làm quen với phương pháp tư duy nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Điều đáng ghi nhận là nhiều sinh viên đã có định hướng phát triển các đề tài hướng dẫn thành các đề tài nghiên cứu, ứng dụng trong quá trình dạy - học và công tác ở các trường phổ thông sau khi ra trường, gắn sự liên thông giữa trường cao đẳng với trường phổ thông, mầm non; mở rộng nghiên cứu, hợp tác trong nghiên cứu để nâng cao chất lượng dạy - học có hiệu quả. Thực tế qua 3 năm triển khai công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, chất lượng hoạt động dạy và học của Trường CĐSP Quảng Trị đã được nâng lên rõ rệt; việc đổi mới nội dung và phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Bài, ảnh: THANH HẢI