Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV
(QT) - Năm 2010 đánh dấu sự kiện 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS. Dù thế giới ngày nay có nhiều tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu, nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu người tiếp tục bị nhiễm HIV. HIV/AIDS đã và đang trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mỗi chúng ta.  Tính đến ngày 5/11/2010, Quảng Trị có 216 người nhiễm HIV, trong đó 116 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 52 ...

Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV

(QT) - Năm 2010 đánh dấu sự kiện 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS. Dù thế giới ngày nay có nhiều tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu, nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu người tiếp tục bị nhiễm HIV. HIV/AIDS đã và đang trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mỗi chúng ta. Tính đến ngày 5/11/2010, Quảng Trị có 216 người nhiễm HIV, trong đó 116 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 52 người đã tử vong do AIDS. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 34 người nhiễm HIV, tốc độ lây lan HIV đang cầm chừng, nhưng là địa bàn luôn đặt trong tình trạng nguy cơ tiềm ẩn cao. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV tại Quảng Trị cho thấy con đường chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và nghiện chích ma túy dùng chung kim tiêm, đối tượng gặp nhiều nhất vẫn là người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, nội dung truyền thông thời gian qua chủ yếu tập trung vào các vấn đề cơ bản mà chưa chú ý nhiều đến các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, giúp cộng đồng thay đổi quan điểm về việc cung cấp kim tiêm cho người sử dụng ma túy hoặc thay đổi quan điểm cho các bậc phụ huynh, các đối tượng thanh niên, vị thành niên về bao cao su. Theo báo cáo của các ngành chức năng, năm 2008 toàn tỉnh có 322 người nghiện ma túy, năm 2009 có 502 người có hồ sơ quản lý; số người nghiện chủ yếu là nam giới, tuổi từ 18-35, chiếm 63%. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh có 717 cơ sở, trong đó có 44 khách sạn, 26 nhà nghỉ, 210 nhà trọ, 72 nhà hàng, 161 quán karaoke, 197 quán cà phê, 6 cơ sở mát-xa. Nhân viên nữ phục vụ trong các cơ sở kinh doanh nhạy cảm có 520 người. Toàn tỉnh có khoảng 200 gái mại dâm và nghi hoạt động có liên quan đến tệ nạn mại dâm trên 350 người. Trước thực tế này, các hoạt động chương trình giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cần đánh giá một cách thực tế, khách quan và có giải pháp phối hợp rõ ràng, cụ thể hơn cho giai đoạn tiếp theo để ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2008-2010, được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 26/3/2008, gồm chương trình bao cao su, cung cấp kim tiêm sạch, thu gom kim tiêm bẩn (và cai nghiện ma túy bằng Methadol chưa triển khai) bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hẳn nhiều người coi hoạt động này là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng đây là giải pháp “vẽ đường cho hươu chạy đúng và an toàn” để ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Nội dung cụ thể của hoạt động can thiệp giảm tác hại là thảo luận về các hành vi nguy cơ cao có thể làm lây nhiễm HIV, các đường lây truyền, cách phòng tránh lây nhiễm HIV với người bán dâm chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, hướng dẫn về cách sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục; cách sử dụng kim tiêm sạch cho người tiêm chích ma túy; tư vấn, giới thiệu người có hành vi nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, giới thiệu đến các cơ sở y tế khám và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục. Các mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ ngành, đoàn thể ủng hộ việc triển khai hoạt động can thiệp; xây dựng mạng lưới thực hiện chương trình giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; 80% người dân địa bàn triển khai chương trình được tuyên truyền về hoạt động giảm tác hại, hiểu đúng về HIV và cách dự phòng ủng hộ chương trình; 90% người nghiện ma túy trên địa bàn được tiếp cận dịch vụ kim tiêm, bao cao su và 70% người nghiện ma túy được sử dụng kim tiêm sạch; các đối tượng có hành vi nguy cơ cao và người dân di biến động được tiếp cận dịch vụ kim tiêm, bao cao su và dịch vụ khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đến nay, đã có 63/142 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Sở Y tế, Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH là những cơ quan được UBND tỉnh giao trách nhiệm trực tiếp thực hiện các hoạt động; các sở, ban ngành, đoàn thể (là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống AIDS- phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống tội phạm buôn bán người tỉnh) phối hợp lồng ghép để phổ biến theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở kế hoạch, hoạt động can thiệp giảm tác hại. Mạng lưới hoạt động ở các xã, phương cũng được kiện toàn, gồm: 63 người là cán bộ y tế làm chuyên trách, 63 cộng tác viên và 22 nhóm đồng đẳng viên (3 nhóm đồng đẳng viên ma túy, 19 nhóm người bán dâm và các dịch vụ vui chơi giải trí). Sau gần 3 năm triển khai hoạt động, toàn tỉnh đã cung cấp 329.928 bao cao su và 5.000 lượt kim tiêm, 45.300 tờ rơi để phân phối cho các xã, phường trọng điểm. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tổ chức các đợt giám sát định kỳ và đột xuất; hỗ trợ công tác tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, lấy mẫu giám sát trọng điểm tại các huyện, thị xã, thành phố. So sánh tỉ lệ lây nhiễm qua các năm trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm bán dâm đang được khống chế so với toàn quốc. Tỉ lệ lây nhiễm HIV nhóm nghiện chích ma túy năm 2010 là 1,32%; tỉ lệ lây nhiễm HIV ở người bán dâm là 0,13% (so với toàn quốc tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm ma túy 30- 35%, người bán dâm 2,5-3%). Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2010 được Liên hiệp quốc tiếp tục chọn là “Tiếp tục phổ cập và quyền con người”. Chủ đề này tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người. Việc tiếp cận phổ cập với các dịch vụ là quyền cơ bản của con người. Đây cũng là lời kêu gọi tất cả các quốc gia xóa bỏ những rào cản về phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, phụ nữ và những nhóm người dễ bị tổn thương. Tăng cường hiệu quả các hoạt động giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV sẽ góp phần tránh được các ca mới nhiễm HIV và những người đã nhiễm HIV có thể được sống trong sự sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng không có kỳ thị và phân biệt đối xử. THANH HẢI