Cảnh giác với hàng Trung Quốc kém chất lượng gắn mác hàng Việt Nam, Thái Lan
(QT) - Trước hàng loạt thông tin cảnh báo về mức độ ảnh hưởng, gây hại của áo quần, giày dép kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với các loại hàng hóa này. Từ thực tế đó, vì lợi nhuận kinh tế, một số chủ cửa hàng đã “phù phép” biến hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam và Thái Lan.
.jpg) |
Khách hàng cần được tư vấn, thông tin trung thực về hàng hóa khi mua sắm |
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị kiểm tra hai cơ sở kinh doanh áo quần may sẵn tại chợ Đông Hà. Tại lô 112, tầng 2, nhà 2 do bà Đỗ Thị Thương làm chủ, tổ công tác đã phát hiện quầy hàng có kinh doanh 230 áo phông hiệu Lacoste giả nhãn hiệu hàng Lacoste đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra sạp hàng của bà Đoàn Yến Nhi (lô 115, tầng 2, nhà 2, chợ Đông Hà) và phát hiện hành vi kinh doanh 3.650 quần lót phụ nữ các loại do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn nhãn giả mạo hàng Thái Lan cùng 1.500 chiếc nhãn giả. Cán bộ quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt hành chính các hành vi trên. Thực tế hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam, Thái Lan đã xuất hiện từ nhiều năm nay ở các chợ đầu mối, cửa hàng trên địa bàn. Đặc biệt, trước thông tin cảnh báo về mức độ ảnh hưởng của áo quần, giày dép Trung Quốc kém chất lượng thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với các loại hàng hóa này. Để giữ khách hàng, một số chủ cửa hàng đã tráo nhãn mác áo quần, giày dép Trung Quốc thành hàng Việt Nam hoặc Thái Lan. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng không thể phân biệt chính xác hàng giả gắn mác thương hiệu với hàng thật . Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, hiện nay, việc mua các loại nhãn mác giả để đính vào áo quần khá dễ dàng. Hầu hết nhãn mác đều được in sẵn và bán trong các cửa hàng ở chợ đầu mối tại Hà Nội, Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường, mỗi khi nhập áo quần về bán, người kinh doanh có thể mua luôn nhãn mác giả với giá rất rẻ, dao động từ 100 - 400 đồng/chiếc. Thậm chí, muốn đặt in nhãn mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu. Sau đó, chủ cửa hàng sẽ báo giá, hẹn ngày nhận với mức độ “giống thật” cam kết hơn 90% . Việc thay đổi nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khá đơn giản. Người kinh doanh chỉ cần tháo bỏ tem nhãn Trung Quốc để gắn nhãn mác mới lên. Kỳ công hơn, một số cửa hàng còn đính kèm cả mác vải vào phía sau cổ, gáy áo. Với sự “ngụy trang” kỹ lưỡng như thế, các chủ cửa hàng áo quần thường rất tự tin khi giới thiệu với khách là hàng trong nước hoặc được mua về từ Thái Lan, theo đó giá của sản phẩm cũng đội lên cao hơn. Buôn bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Thái Lan mang lại lợi nhuận trước mắt cho một số cửa hàng. Tuy nhiên, chính hình thức “ngụy trang” để buôn bán kiếm lời này là hành vi vi phạm pháp luật và đánh mất lòng tin của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Dũng, một du khách người Nghệ An cho biết: “Trong chuyến công tác vừa qua, tôi mua một số áo quần có nhãn mác Thái Lan về làm quà cho vợ con, không ngờ sau đó phát hiện là hàng Trung Quốc. Từ nay, chắc không dám tin lời quảng cáo của những người bán hàng nữa”. Thực trạng gắn nhãn mác giả còn khiến các cửa hàng kinh doanh hàng Việt Nam xuất khẩu, hàng Thái Lan… bị ảnh hưởng đáng kể. Một chủ cửa hàng bán áo quần Việt Nam xuất khẩu cho biết: “Áo quần Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam thường có giá rẻ hơn hàng thật, còn chất lượng thì hết sức kém. Do không biết nên khách hàng thường cho rằng cửa hàng tôi bán đắt hơn so với thị trường. Trong khi đó, một số người lại nghi ngờ về chất lượng, đặt dấu hỏi không biết sản phẩm thật hay giả”. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, thực trạng một số hộ kinh doanh gắn nhãn mác Việt Nam hoặc Thái Lan cho hàng Trung Quốc nảy sinh do tâm lý muốn thu hút khách hàng, nâng cao lợi nhuận. Để giải quyết tình trạng này, Chi cục Quản lý thị trường đã và sẽ tiếp tục cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các hộ kinh doanh không gắn nhãn mác giả cũng như buôn bán hàng giả, hàng nhái. Chi cục Quản lý thị trường rất mong muốn phía người tiêu dùng góp tiếng nói, thông báo, tố giác những cơ sở có hành vi vi phạm để cùng ngăn chặn thực trạng gắn nhãn mác giả trên hàng hóa. Bài, ảnh: QUANG HIỆP