Lao Bảo giữa hai chiều thời gian
(QT) - Đối với tôi, địa danh Lao Bảo dẫu không còn xa lạ nhưng cứ mỗi lần đặt chân lên “đô thị vàng” là thêm một lần phát hiện ra tầm vóc và chiều sâu của vùng đất nằm ở miền Tây Quảng Trị này. Thực ra địa danh Lao Bảo chính là Dinh Ai Lao được nhà Trần lập ra để quản lý biên giới từ thế kỷ XIV. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây là một đồn trấn giữ bờ cõi phía Tây, là vùng rừng núi hiểm trở. Năm 1908 thực dân Pháp xây nhà tù Lao Bảo để giam cầm những chiến sĩ cách mạng kiên trung như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng, Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực... Nơi đây còn là địa bàn trọng yếu của cuộc chiến đấu khốc liệt của quân dân ta ở Đường 9-Nam Lào. Đầu năm 1970, Bộ quốc phòng Mỹ vạch kế hoạch mang tên Dewey Canyon II, nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh từ Lao Bảo đến Sê Pôn (Lào), chặn sự tiếp viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chiến dịch được mang tên Lam Sơn 719 mở màn vào đầu năm 1971. Đây là chiến dịch tiến công quân sự lớn nhất, quan trọng nhất của quân đội ngụy quyền Sài Gòn nhưng đã bị quân và dân ta đập tan. Năm 1991, Nhà tù Lao Bảo được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Nhà tù Lao Bảo cùng với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, căn cứ Làng Vây, sân bay Tà Cơn là những di tích lịch sử chiến tranh cách mạng đang hấp dẫn du khách bốn phương. Sau năm 1975, Lao Bảo còn là vùng rừng núi hoang vu với các bản làng người Vân Kiều, Pa Cô. Đến năm 1998, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo được thành lập. Sau hơn 15 năm đi vào hoạt động cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và tổ chức sản xuất, kinh doanh, đến nay Khu KTTMĐB Lao Bảo có diện tích rộng trên 15.000 ha, dân số 45.000 người và được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh nên “đô thị vàng Lao Bảo” sẽ còn bề thế hơn trong tương lai.
 |
Một góc thị trấn Lao Bảo |
Từ lâu, thị trấn Lao Bảo là điểm giao thương quan trọng của Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khu vực trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, mà điểm thông ra biển là cảng Đà Nẵng. Và thực tế đường 9 qua Lao Bảo đã thành tuyến vận tải quốc tế trong kế hoạch xây dựng xa lộ xuyên Á của tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Với những chính sách đặc biệt ưu đãi và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày một hoàn thiện, Khu KTTMĐB Lao Bảo đang là một điểm đến đầy triển vọng cho các doanh nhân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Gần 45 năm trước, nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha đã dự cảm về một " đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây ...”. Dự cảm đó bây giờ đã thành sự thật. Lao Bảo đã mang vóc dáng của một thị trấn sầm uất với nhiều khách sạn sang trọng. Giao thông được mở mang thuận lợi, phố xá đông đúc xe cộ. Hệ thống ngân hàng, bưu điện, dịch vụ đã mọc lên. Khu Trung tâm thương mại Lao Bảo rộng hàng ngàn mét vuông, có khu chợ ngày đêm buôn bán tấp nập. Điều này cho thấy chủ trương xây dựng Khu KTTMĐB Lao Bảo là một lựa chọn có tầm chiến lược về kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Mấy tháng trước lên Lao Bảo, tôi có dịp ngồi trong căn nhà khang trang của vợ chồng anh Nguyễn Đức Dũng. Để có được một cơ ngơi hoành tráng như hôm nay, anh Dũng bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày sau năm 1975 cùng gia đình lên đây lập nghiệp. Quê hương thuở còn chồng chất bao khó khăn nên đã có hàng ngàn hộ gia đình tự nguyện lên miền núi lập nên làng, xã mới. Với họ, đất đai miền Tây không còn là nơi “rừng thiêng nước độc” mà chính là chốn “đất lành” để họ xây dựng cuộc sống. Gia đình anh Dũng là một trong số hàng chục hộ dân ở xã Triệu Phước (Triệu Phong) tự nguyện lên miền núi sau những ngày quê hương mới giải phóng. Anh Dũng nhớ lại: “Hồi đó đất đai ở đây còn hoang vu, cây cối rậm rạp. Mỗi hộ dân được phân một lô đất để khai hoang phục hóa, dựng nhà và tổ chức sản xuất. Đêm đêm chúng tôi thường đốt lửa để xua đi cái giá lạnh của núi rừng, nhiều đêm trằn trọc nghĩ suy làm thế nào để cải thiện được cuộc sống. Bây giờ so với hồi đó là khoảng cách một trời một vực mà bản thân tôi chưa bao giờ mơ tưởng đến”. Sau bao nhiêu năm tạo dựng cuộc sống, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ dân khác ở thị trấn Lao Bảo đã trở nên giàu có. Ngoài cơ ngơi nhà cửa, phương tiện đi lại, vật dụng sinh hoạt đắt tiền trị giá hàng trăm triệu đồng, có không ít hộ nay đã có trong tay hàng chục héc ta cà phê, hàng trăm mét đất mặt tiền để kinh doanh. Bỏ lại phía sau những gian lao vất vả của buổi đầu lập nghiệp, hàng trăm hộ dân từ miền xuôi lên miền núi đang sát cánh cùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới. Không còn là đồi núi hoang vu, là lau lách, cỏ dại ngút ngàn, thị trấn Lao Bảo đã mang trên mình một diện mạo mới, một tư thế mới để sẵn sàng hội nhập trên hành trình xuyên Á với tràn trề hy vọng. Tiếp chúng tôi trong gian phòng làm việc còn đơn sơ so với phố xá sầm uất bên ngoài, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Nam tràn đầy tự tin cho biết: “Ở đô thị này, ngoài những con đường nhựa bóng loáng hay bê tông êm thuận có đầy đủ điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước, những dãy nhà cao tầng với nhiều kiểu thiết kế mang dáng dấp hiện đại còn có Khu thương mại- dịch vụ với diện tích 100 ha được quy hoạch dành cho phát triển thương mại- dịch vụ; cụm công nghiệp phía Tây Bắc thị trấn diện tích 47 ha dành cho phát triển công nghiệp chế biến với hàng chục nhà máy công nghiệp đang tạo ra những sản phẩm công nghiệp, thực phẩm. Đến nay, Lao Bảo có 288 cơ sở CN- TTCN giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động trong và ngoài địa phương; gần 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn hiệu quả. Kinh tế nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững theo hướng đa cây đa con, qua đó xuất hiện nhiều mô hình như nuôi lợn rừng lai, lợn bản, dê núi…đem lại giá trị kinh tế cao. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, thị trấn Lao Bảo đã phối hợp với các đoàn thể chính trị hỗ trợ vốn vay sản xuất, kinh doanh cho 657 hộ gia đình, với tổng số tiền 19,7 tỷ đồng, trong đó có 52 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội như xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó đã xây dựng 32 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và nhà ở hộ nghèo trị giá gần 1 tỷ đồng, 12 nhà tình nghĩa trị giá hơn 600 triệu đồng, đồng thời vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng 400 suất quà, trị giá 250 triệu đồng. Từ những nỗ lực trên đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện vững chắc để tranh thủ các nguồn lực xây dựng thị trấn Lao Bảo trở thành một đô thị năng động ở khu vực miền Tây Quảng Trị”. Khi chia tay anh, tôi hiểu đây không chỉ là quyết tâm của người đứng đầu thị trấn Lao Bảo mà chính là sự kết tinh về tâm sức, trí tuệ của hàng chục ngàn người dân đang ngày đêm miệt mài lao động, sáng tạo không chỉ làm giàu cho bản thân mà vì sự hối thúc của một “đô thị vàng” đang hiện hữu. Đây chính là niềm vinh hạnh, là thiên chức cao cả của những người đang “kết nối” quá khứ hào hùng của vùng đất Lao Bảo xưa và hiện tại năng động tràn đầy tự tin bước tới tương lai. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA