Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch KT-XH năm 2012 (*)
(Báo cáo của đồng chí NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ thêm một số nội dung đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại kỳ họp thứ 3-HĐND tỉnh khoá VI ) Kính thưa chủ tọa kỳ họp! Thưa các vị đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh! Thưa các vị đại biểu! Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Báo cáo và Đề án mà UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin chân thành cảm ...

Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch KT-XH năm 2012 (*)

(Báo cáo của đồng chí NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ thêm một số nội dung đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại kỳ họp thứ 3-HĐND tỉnh khoá VI ) Kính thưa chủ tọa kỳ họp! Thưa các vị đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh! Thưa các vị đại biểu! Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Báo cáo và Đề án mà UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến tham gia đóng góp thiết thực, thẳng thắn đầy trách nhiệm của quý vị đại biểu và xin nghiêm túc tiếp thu để hoàn chỉnh. Ngoài các vấn đề mà Giám đốc các Sở, Ban, ngành báo cáo giải trình trước kỳ họp, tôi xin báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, như sau: 1. Về một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra trong năm 2011: Như báo cáo của UBND tỉnh đã trình bày tại kỳ họp, năm 2011 là năm tỉnh Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự giám sát của các vị đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; sự nỗ lực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên nền kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện. Có 16/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao như: Thu ngân sách; Tổng vốn đầu tư phát triển; Sản lượng lương thực có hạt; Trồng mới cây công nghiệp dài ngày) và 4 chỉ tiêu chưa đạt. UBND tỉnh xin làm rõ thêm các chỉ tiêu chưa đạt như sau: - Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% tuy có thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kế hoạch đề ra, song trong tình hình chung của cả nước và các địa phương thì kết quả đó cũng là một sự nỗ lực lớn đầy trân trọng. Năm qua, chỉ tiêu này của cả nước đạt 6%, thấp hơn dự kiến ban đầu. Năm 2010, Chính phủ áp dụng các biện pháp và gói kích cầu chống giảm phát để phục hồi đà tăng trưởng; năm 2011, Chính phủ áp dụng giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong kế hoạch năm 2012, UBND tỉnh vẫn trình HĐND tỉnh kế hoạch tăng trưởng trên 10%, đồng thời quyết liệt thực hiện một số giải pháp cơ bản để biến chỉ tiêu trên thành hiện thực, như: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - thương mại dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường kêu gọi đầu tư; Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải quyết nợ đọng và tập trung chỉ đạo tốt công tác giải ngân vốn XDCB... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế để tạo tăng trưởng bền vững trong các năm về sau.
Tin, bài liên quan:

>>> Khai mạc kỳ họp thứ 3-HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI

>>> Khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2012(*)

>>> Báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH, QP -AN năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN năm 2012

>>> Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri >>> Kết thúc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá VI: Thông qua nhiều nội dung, đề án quan trọng >>> Tích cực triển khai các Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012(*) >>> Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI

- Sản lượng khai thác thủy hải sản chưa đạt so với kế hoạch đề ra do mấy nguyên nhân: Do tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài, chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4, 5, 6 và đợt lũ lớn kéo dài trong tháng 9 nên việc ra khơi đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn; do giá cả xăng dầu tăng cao, chi phí đánh bắt thủy sản lớn nên ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt. Để khắc phục tình trạng này, năm tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác khuyến ngư, phát triển nuôi trồng, có chính sách tăng cường năng lực đánh bắt cho ngư dân để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. - Kết quả thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nghề chưa đạt kế hoạch đề ra do một số nguyên nhân sau: + Về giải quyết việc làm: Thứ nhất , khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao, thắt chặt chi tiêu công kết hợp với thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tăng tỉ lệ thất nghiệp và khó khăn trong tìm việc làm của người lao động. Thứ hai , một bộ phận người lao động chưa thực sự cố gắng trong lao động, chưa chủ động tìm việc, tay nghề lao động còn thấp, nhận thức về việc làm chưa đổi mới. Ví dụ Tổng công ty Lilama năm 2008-2009 tuyển 100-150 thanh niên đào tạo trung cấp liên thông Cao đẳng và tuyển dụng làm việc nhưng tỉnh chỉ đăng ký hơn 10 người. Thứ ba, các cấp, các ngành chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, điều hành chưa chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. - Về đào tạo nghề: Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề của tỉnh và các địa phương nhìn chung còn thiếu và yếu; công tác tư vấn, tuyên truyền ở cơ sở chưa được quan tâm thường xuyên, hiệu quả chưa cao; nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác dạy nghề, chưa bố trí đủ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề theo yêu cầu; ý thức học nghề của người lao động chưa cao, chưa xác định được nghề cần phải học. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến tận người lao động; rà soát, đánh giá chính xác nhu cầu lao động để từ đó có giải pháp đào tạo và sử dụng phù hợp, hiệu quả nguồn nhân lực. 2. Về ý kiến chuyển nhiệm vụ chi và kết dư ngân sách hàng năm còn quá lớn: Công tác điều hành ngân sách hàng năm của UBND tỉnh thực hiện theo Luật ngân sách, các văn bản chỉ đạo của TTCP và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết thúc năm ngân sách, theo quy định, một số khoản chi TW có địa chỉ chi , số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu quốc gia… cho phép chuyển nhiệm vụ sang năm sau. Về việc chuyển nhiệm vụ chi năm 2010 sang năm 2011, cũng như các năm trước theo ý kiến phản ánh của các đại biểu, chủ yếu là do một số công trình xây dựng cơ bản được TW hỗ trợ bố trí vốn vào những tháng cuối năm có địa chỉ, đây là một sự cố gắng của UBND tỉnh trong việc tìm kiếm từ các nguồn vốn bổ sung của TW cho địa phương có địa chỉ, không phải nguồn vốn được bố trí từ dự toán theo NQ HĐND tỉnh đầu năm. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia được phép triển khai và thanh toán đến 30/3 năm sau và chuyển số tạm ứng theo quy định, một số khoản chi quan trọng của địa phương như dịch bệnh, phòng chống, khắc phục thiên tai (thường xảy ra vào cuối năm) được bố trí vào thời điểm cuối năm từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

Lát mái công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, kịp thời phục vụ sản xuất. - Ảnh: HỒ CẦU

Ngoài ra, do điều kiện khách quan và chủ quan, một số chủ đầu tư không cố gắng trong việc triển khai công trình và giải ngân vốn XDCB tồn đọng đến cuối năm (nguồn kinh phí này không đáng kể). UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo bằng nhiều giải pháp như cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn và giao cho các ngành chức năng theo dõi, đôn đốc kiểm tra và đề xuất xử lý tránh nhiệm cá nhân đối với các chủ đầu tư chậm giải ngân hoặc làm mất vốn đầu tư của tỉnh. (có phụ lục kèm theo tại các báo cáo quyết toán năm 2009- 2010). Đối với tồn quỹ ngân sách: Đây là khoản kết dư ngân sách, được chuyển sang nguồn thu ngân sách năm sau, nhìn chung các khoản tồn quỹ chưa thực hiện trong năm, như tăng thu ngân sách, nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng hết, các khoản trung ương hỗ trợ cuối năm chưa chi, các khoản bố trí trong năm nhưng chi không hết và không được chuyển nhiệm vụ chi, các khoản thu ủng hộ, đóng góp thuộc nguồn thu ngân sách đã bố trí cho những nhiệm vụ được chỉ định. UBND tỉnh xin tiếp thu ý kiến phản ánh của các đại biểu và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành ngân sách để đảm bảo hiệu quả, kịp thời. 3. Về việc sử dụng đất sản xuất của các tổ chức và vấn đề thiếu đất sản xuất của nhân dân ở một số địa phương: - Về việc sử dụng đất sản xuất của các tổ chức: UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại việc sử dụng đất của các tổ chức, các BQL rừng, các dự án không triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích trên địa bàn để tiến hành điều chỉnh, thu hồi, điều chuyển cho địa phương quản lý để bố trí đất cho nhân dân sản xuất. Trường hợp thuộc chức năng quản lý của Bộ, ngành Trung ương thì kiến nghị với các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển đất sản xuất cho địa phương quản lý, theo đó: + Đã rà soát, có kết luận chuyển 5.400 ha đất của các Ban quản lý rừng và các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng trong khu vực các Ban quản lý rừng để giao cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng theo quy định; + Thông qua Phương án điều chỉnh giảm 307 ha đất trên tổng số 872,38 ha đất đã giao cho Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ để chuyển giao lại cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng; + Thu hồi 104,3 ha đất rừng sản xuất của Công ty Cổ phần nông lâm sản Quảng Trị tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh để giao cho UBND xã Vĩnh Thủy quản lý, đưa vào sử dụng đúng quy định của pháp luật. + Thu hồi 51,19ha đất sản xuất lâm nghiệp của Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Đường 9 để giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. + Đối với việc sử dụng đất vào mục đích trồng rừng của Cơ sở Giáo dục Hoàn Cát và Trại giam Nghĩa An, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát đề xuất UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề nghị chuyển giao lại một phần đất sử dụng vào mục đích trồng rừng cho địa phương quản lý, bố trí cho nhân dân sản xuất và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất theo Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ để thu hồi đất các tổ chức vi phạm giao địa phương quản lý. - Về việc thiếu đất sản xuất của nhân dân: Về quan điểm sử dụng đất tại các địa phương cần phải hài hòa, đảm bảo yêu cầu sản xuất của nhân dân cũng như đất sản xuất tập trung của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, đề nghị các địa phương rà soát lại nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, lập phương án cụ thể để đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí. Tránh tình trạng nhân dân chưa thực sự có nhu cầu sử dụng đất nhưng khi được giao đất thì thực hiện chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng hoặc nhân dân có nhu cầu sử dụng đất nhưng chính quyền địa phương không xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét. 4. Về hỗ trợ đầu tư trụ sở xã, trạm xá và các thiết chế văn hóa: - Về hỗ trợ đầu tư trụ sở xã: Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách giai đoạn 2011-2015 và Công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì ngân sách TW hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở xã theo nguyên tắc: Các dự án có trong quy hoạch, đủ thủ tục đầu tư; ưu tiên các xã, phường, thị trấn mới chia tách, các xã chưa có trụ sở phải đi thuê; trụ sở UBND xã, phường bị xuống cấp nghiêm trọng không an toàn cho người sử dụng. Mức vốn hỗ trợ từ TW: Đối với UBND xã vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển hỗ trợ 100%; đối với các xã còn lại hỗ trợ 70%. Tuy nhiên, trong 2 năm qua (năm 2010 và 2011) TW chỉ hỗ trợ cho địa phương mỗi năm là 5 tỷ đồng nên phải phân bổ cho các công trình trụ sở xã chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong tỉnh. Năm 2012, căn cứ các tiêu chí do Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn và nhu cầu của các địa phương trong tỉnh; ngày 29/11/2011 UBND tỉnh đã có công văn số 3249/UBND-TM báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị TW hỗ trợ vốn đầu tư cho 9 công trình trụ sở UBND các xã với tổng số vốn là 25,8 tỷ đồng, trong đó đề nghị TW hỗ trợ 13,1 tỷ ; NSĐP 9,9 tỷ, huy động khác 2,8 tỷ. Đây là số liệu mới dự kiến sau khi có thông báo chính thức của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, UBND tỉnh sẽ cân đối cụ thể (dự kiến số NSTW chỉ hỗ trợ tương đương năm 2011), do vậy đề nghị các huyện phải cân đối và huy động thêm nguồn để đầu tư các trụ sở xã. - Về việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở: Có ý kiến đại biểu cho rằng, đề nghị tăng tỷ lệ đầu tư của ngân sách nhà nước, giảm tỷ lệ đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, cụ thể là nhà văn hóa thôn bản, khu phố, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Theo Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND, ngày 24/4/2009 của HĐND tỉnh, về Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục-thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục- thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh căn cứ khả năng của ngân sách để bố trí, hỗ trợ hàng năm đối với việc xây dựng nhà văn hóa cho thôn, bản, khu phố mức hỗ trợ như sau: + Đối với nhà văn hóa khu vực miền núi: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 80%; nhân dân đóng góp: 20% (công lao động) + Đối với nhà văn hóa khu vực đồng bằng nông thôn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 40%; nhân dân đóng góp: 60%. + Đối với nhà văn hóa khu vực đô thị: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%; nhân dân đóng góp: 70%. Nhà nước sẽ hỗ trợ sau khi huy động đủ tỷ lệ đóng góp của nhân dân (trừ địa bàn miền núi). Sau khi Nghị quyết ra đời, toàn tỉnh đã xây dựng được 110/1079 nhà văn hóa, chủ yếu ở các huyện. Riêng ở thành phố Đông Hà là gần như không thực hiện được do trước khi Nghị quyết ra đời, Đông Hà có Nghị quyết riêng theo tỷ lệ 50: 50. Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh ra đời, nghị quyết của HĐND thành phố Đông Hà bị bãi bỏ. Các đơn vị chưa được đầu tư có sự so sánh và không đồng tình với tỷ lệ 30 : 70. Do đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh cho phép UBND tỉnh trình lại đề án vào kỳ họp đến để xây dựng chung cả tỉnh. - Đầu tư xây dựng các trạm y tế xã: Giai đoạn 2006-2010: Thực hiện Nghị quyết số: 2d/2006/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh thì hàng năm tỉnh đã dành kinh phí đầu tư cho các trạm y tế xã. Kể từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên việc bố trí kinh phí để xây dựng trạm xá là rất hạn chế. Tuy nhiên, để thực hiện đề án của Bộ Y tế về phấn đấu chuẩn hoá 100% hạ tầng y tế cơ sở 2011-2020, trong thời gian tới tỉnh chủ trương sử dụng nguồn vốn CTMT của Trung ương và tranh thủ nguồn vốn từ các dự án viện trợ để sắp xếp, bố trí xây dựng dần các trạm y tế xã, trong đó có dự án ODA cho các tỉnh Bắc miền Trung. 5. Về tăng cường công tác giữ gìn ANCT, TTATXH, thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm: Năm qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND các địa phương phối hợp với UBMTTQVN, các tổ chức đoàn thể các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, sát sao. Đối với các lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, ngoài công tác chỉ đạo, UBND tỉnh còn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, khen thưởng, tặng quà... động viên kịp thời khi các lực lượng lập chiến công, hoàn thành thắng lợi các chuyên án lớn.Trong quá trình thực hiện UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các vụ án trọng điểm, vụ án có tính chất nghiêm trọng, vụ án được dư luận quan tâm. Ngày 02/12/2011 vừa qua, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 22 mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn (2012), từ ngày 01/12/2011 đến ngày 01/02/2012 và đến hôm nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương đồng loạt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn gia tăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an, y tế cùng các địa phương lập danh sách quản lý các đối tượng này để có biện pháp phối hợp tổ chức cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế xây dựng đề án sử dụng Metadol (đã thử nghiệm có hiệu quả) để cai nghiện cho các đối tượng nghiện ma túy. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ- TB&XH đang tiến hành xây dựng Trung tâm giáo dục lao động xã hội theo tiến độ cuối năm 2012 hoàn thành, đưa vào sử dụng để chủ động trong việc tập trung các đối tượng nghiện ma túy để cai nghiện, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. 6. Về tai nạn giao thông: UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị địa phương thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông nên tai nạn giao thông đã giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Do đó, tại hội nghị sơ kết toàn quốc công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là 1/10 tỉnh thành kiềm chế được tai nạn giao thông. Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2011 tại HN trong tháng 11/2011 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì thì tỉnh ta là 1/29 tỉnh thành được TTCP biểu dương đã kiềm chế được TNGT. Cụ thể năm 2011, TNGT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (tính đến 30/11/2011) đã xảy ra 157 vụ, giảm 3 vụ, chiếm 1,9%; chết 143 người giảm 4 người chiếm 2,7%, bị thương 118 người giảm 5 người chiếm 4,1%. Tuyến đường xảy ra TNGT nhiều nhất là QL 1A: 58 vụ, giảm 11 vụ so với năm 2010; QL9: 36 vụ, giảm 4 vụ so với năm 2010. Tuy tình hình TNGT có giảm nhưng số vụ xảy ra còn nhiều, tổng số người chết và bị thương còn cao. Nguy cơ TNGT tăng còn nhiều tiềm ẩn, nhất là CSHT còn kém, còn nhiều điểm đen; ý thức chấp hành của một bộ phận lực lượng tham gia giao thông còn kém; các cấp các ngành chưa tích cực vào cuộc. Vì vậy, năm 2012 UBND tỉnh sẽ tiếp tục điều hành quyết liệt và bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn. 7. Về xây dựng nhiệm vụ thu NSNN năm 2012: - Năm 2011, tổng thu NS trên địa bàn là: 1.336,24 /dự toán 1.000 tỷ đồng tăng 33,6% so với dự toán địa phương, trong đó, thu nội địa : 829,24 tỷ đồng/650 đạt 127,6% nếu loại trừ tiền sử dụng đất và có địa chỉ thì số thu NSĐP được hưởng tăng 9,4% so với dự toán địa phương với số tiền là : 54,293 tỷ đồng - Năm 2012, dự toán TW giao cho địa phương , cụ thể: + Thu nội địa: 820 tỷ đồng + Thu XNK: 550 tỷ đồng Như vậy, số thu nội địa (không kể tiền thu sử dụng đất và thu khác có địa chỉ) năm 2012 tăng 17% so với số thực hiện của năm 2011(Theo quy định tăng thu từ 16-18%). Số thu XNK năm 2012 tăng so với thực hiện năm 2011 là 8,4% (theo quy định tăng thu từ 7-9%). Dự toán của địa phương dự kiến trình HĐND tỉnh giao: + Thu nội địa: 885 tỷ đồng + Thu XNK: 580 tỷ đồng Như vậy, số thu nội địa (không kể tiền sử dụng đất và thu khác có địa chỉ) năm 2012 tăng 24,1% so với thực hiện năm 2011(cụ thể số tăng thu là 785 tỷ -632,6 tỷ =142,4 tỷ đồng). Với số dự kiến tăng thu của năm 2012 trên đây là sự nỗ lực phấn đấu cao của các cấp, các ngành, địa phương trong tình hình hiện nay. (Nếu chỉ tăng 13% như ý kiến đại biểu thì không đáp ứng được nhiệm vụ chi năm 2012 cho các chính sách của địa phương). Số thu XNK: Địa phương giao 580 tỷ đồng tăng 14,4% so với thực hiện năm 2011. 8. Về đầu tư cho phát triển và các lĩnh vực: Tỉnh Quảng Trị được trợ cấp trên 70% từ NSTW, vì vậy, ngoài nguồn NS tập trung và thu từ nguồn sử dụng đất thì các nguồn khác thường là: Chương trình MTQG, hỗ trợ có mục tiêu, hỗ trợ khác… đều do Chính phủ giao có địa chỉ, nguồn huy động thêm của tỉnh xấp xỉ bằng kế hoạch HĐND tỉnh đề ra cũng tập trung cho các dự án xây dựng CSHT, dự án trọng điểm. Cụ thể cơ cấu nguồn vốn năm 2010 và 2011. Do đó, việc phân bổ vốn đầu tư của tỉnh hàng năm được HĐND tỉnh quyết nghị với điều kiện khó khăn của tỉnh ta thì luôn luôn chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương, nhưng vẫn đảm bảo tính tập trung, hạn chế dàn trải, ưu tiên vốn chủ yếu cho các dự án, chương trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng. Thưa quý vị đại biểu Năm 2012 là năm thứ 2 chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và chiến lược 10 năm 2011- 2020 trong không khí phấn khởi với những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực của năm 2011, hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị và các ngày lễ lớn của tỉnh trong năm 2012. Chúng ta cũng đứng trước thực trạng khó khăn và thách thức rất lớn đối với việc thực hiện kế hoạch KT-XH, QP-AN năm 2012. Thách thức đó là: 1. Tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng ảnh hưởng phức tạp đến nước ta và tỉnh Quảng Trị như: Thời tiết biến đổi, bão lụt thất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, CSHT, nhà cửa của nhân dân và gây nhiều khó khăn cho công tác đánh bắt thủy hải sản. 2. Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11, theo đó cắt giảm đầu tư công, hạn chế khởi công mới, thắt chặt tài chính - tiền tệ. Chính phủ triển khai Chỉ thị số 1792 mà nội dung chủ yếu là tăng cường quản lý đầu tư công từ các nguồn ngân sách nhà nước và TPCP; hạn chế các dự án mới khởi công, chỉ bố trí các dự án theo nguyên tắc có vốn bố trí đối với các nhóm A, B, C. Tỉnh Quảng Trị lại chưa cân đối được nên khó đáp ứng yêu cầu này. Đồng thời Chính phủ cũng triển khai Nghị quyết TW 3 về tái cơ cấu nền kinh tế trên 3 lĩnh vực: Đầu tư công, Ngân hàng và doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tình hình đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh; tình hình sản xuất kinh doanh đối với các DN (nhất là các DN nhỏ và vừa); ảnh hưởng đến việc triển khai các chương trình, dự án chung và trọng điểm của tỉnh; ảnh hưởng đến nhu cầu hoạt động của các ban, ngành, đơn vị, địa phương... 3. Tỉnh Quảng Trị là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, tuy các năm qua có phát triển đi lên nhưng về cơ bản vẫn là tỉnh chậm phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đồng bộ; điều kiện về môi trường, tiềm năng và lợi thế so sánh so với các tỉnh trong vùng không cao. Đây là vấn đề rất khó khăn cho kế hoạch phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh luôn mong muốn các vị đại biểu HĐND, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch KT-XH năm 2012 và những năm tiếp theo. Kính chúc các vị đại biểu HĐND tỉnh và toàn thể quí vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi. Xin trân trọng cảm ơn! ........................... * Đầu đề do TS đặt