Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh hại sắn ở Hướng Hóa đạt hiệu quả cao
Đồng chí Trần Văn Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật  tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (PV):Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có gần 1000 ha sắn bị nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 300 ha bị nhiễm bệnh rất nặng có khả năng mất trắng. Đề nghị đồng chí cho biết đây là loại bệnh gì và nguyên nhân do đâu? Đồng chí Trần Văn Tân (Đ/c TVT): Sau khi phát hiện bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu gửi đi giám định 3 nơi đó là Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Viện Bảo ...

Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh hại sắn ở Hướng Hóa đạt hiệu quả cao

Đồng chí Trần Văn Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (PV): Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có gần 1000 ha sắn bị nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 300 ha bị nhiễm bệnh rất nặng có khả năng mất trắng. Đề nghị đồng chí cho biết đây là loại bệnh gì và nguyên nhân do đâu? Đồng chí Trần Văn Tân (Đ/c TVT): Sau khi phát hiện bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu gửi đi giám định 3 nơi đó là Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Viện Bảo vệ thực vật và Trung tâm giám định nông sản sau thu hoạch. Kết quả ban đầu cho biết, đây là loại bệnh do nấm Rhizoctonia.sp, Fusarium và Cylindrocarpon sp, trong đó nấm Rhizoctonia.sp là tác nhân chủ yếu. Đây là loại bệnh mới lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta nên rất khó khăn cho việc chẩn đoán và phòng trừ. Triệu chứng của loại bệnh này là nấm tấn công vào phần mặt cắt của hom giống và phát triển dần trong cây gây nên các hiện tượng đốm lá, vàng lá, lá nhỏ và xoắn, cây thấp lùn mọc thêm nhiều chồi ra nhiều lá hơn bình thường. Các bó mạch bị thâm đen, ruột thân có màu vàng hoặc chuyển thành đen. Nếu cây đang nhiễm bệnh nhẹ sẽ phát triển kém, củ ít, nhỏ, ít bột, bột bị thâm, trường hợp bị nặng gây chết cây. Nguyên nhân là do giống sắn (KM 94) bị thoái hóa sau nhiều năm trồng không được phục tráng, chọn lọc, chăm sóc đầy đủ. Bên cạnh đó, người dân đã sử dụng hom giống đã bị nhiễm bệnh để trồng nên dẫn đến lây lan ra diện rộng. Loại nấm Rhizoctonia.sp ngoài lây từ hom giống còn lây qua đất đã bị nhiễm bệnh trước đó. Ngoài ra, do thời tiết nóng ẩm của tiểu vùng Hướng Hóa nên rất thuận lợi cho việc phát triển và gây hại của nấm bệnh. Bệnh xuất hiện ở các trà sắn trồng vào tháng 3-4 vừa qua và phát triển mạnh vào các tháng 5- 10 (vào mùa mưa). Cây sắn đã trồng đi trồng lại trên một chân đất sau nhiều năm với chế độ đầu tư thấp hoặc không được bón phân đầy đủ, cân đối nên sinh trưởng phát triển kém dẫn đến khó chống chịu được với sâu bệnh. PV: Trước thực trạng này, đề nghị đồng chí cho biết Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã và đang có những biện pháp gì để phòng, chống bệnh hại sắn giúp bà con nông dân sớm ổn định sản xuất cũng như đảm bảo vùng nguyên liêu cho các Nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh?

Khảo sát diện tích sắn bị bệnh ở Hướng Hóa. Ảnh: NV
Đ/c TVT : Ngay sau khi phát hiện bệnh, Chi cục đã làm việc với UBND huyện Hướng Hóa, Phòng Nông nghiệp huyện, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa tiến hành tập huấn cho người trồng sắn theo dõi diễn biến của bệnh. Sau khi xác định được bệnh, Chi cục cùng các ngành và địa phương liên quan tiến hành khảo nghiệm nhanh các loại thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho việc phòng trừ. Tuy nhiên, do các trà sắn trồng từ tháng 3 đến nay đã được 8 tháng nên việc sử dụng hóa chất xử lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh bột. Do đó, bà con nông dân cần thu hoạch sớm và tiêu hủy (đốt) các tàn dư phế phẩm để chống lây lan dịch bệnh. Dùng các loại thuốc Validamycine, Carbendazim, Anvil, Tilt supe để phun trừ bệnh khi thấy hiện tượng bệnh mới chớm xuất hiện đối với sắn mới trồng trước 2 tháng tuổi. Cần có kế hoạch thay thế giống sắn KM 94 bằng giống sắn mới có nhiều ưu điểm và ít nhiễm bệnh hơn. Đối với các vùng vẫn sử dụng giống cũ thì phải lấy giống từ vùng chưa bị bệnh, hom giống phải chọn theo tiêu chuẩn kỹ thuật và xử lý ngâm hom trong dung dịch thuốc Validamycine, Carbendazim, Anvil, Tilt su pe từ 5-10 phút trước khi trồng theo khuyến cáo trên toa nhãn. Vệ sinh sạch sẽ tàn dư cây trồng vụ trước, thu gom thành đống vào các vị trí thấp để đốt tiêu diệt mầm bệnh. Sử dụng 25-30 kg vôi bột khô bón cho 1 sào, sau bón cần phơi đất 10-15 ngày trước khi làm đất trồng mới. Trên từng thủa đất cần có rãnh tiêu úng, tránh đọng nước khi mưa. Bón phân đầy đủ và cân đối theo qui trình kỹ thuật khuyến cáo và nên trồng lạc để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi đất, chống xói mòn đất cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Cần nghiên cứu tìm cây trồng thích hợp để luân canh với cây sắn. Không nên trồng cây sắn trên một chân ruộng quá 3 năm (không luân canh với cây ngô do cùng nhóm dễ gây bệnh). Trước diễn biến của bệnh hại sắn, người trồng sắn không nên hoang mang mà cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật để tiếp tục phòng, chống hiệu quả, nâng cao sản lượng và chất lượng sắn trên từng đơn vị diện tích. PV : Xin cảm ơn đồng chí! NGUYỄN VINH (thực hiện)