Đời thợ cốp pha
(QT) - Anh Dũng điện thoại báo tin: “Tụi anh đang thi công cốp pha mái tầng hai một căn nhà trên đường Hùng Vương, chú muốn tìm hiểu thì đến đây”. Dẫu đang trên đường đi công tác ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) nhưng cuộc điện thoại của người thợ cốp pha mới quen này đã kéo ngược tôi trở lại thành phố Đông Hà. “Trong mỗi công trình xây dựng, nghề đóng cốp pha của tụi anh tuy có thời gian thi công ngắn nhất nhưng nói về tầm quan trọng, độ nguy hiểm và nặng nhọc thì khó có nghề nào bằng”, anh Hồ Tất ...

Đời thợ cốp pha

(QT) - Anh Dũng điện thoại báo tin: “Tụi anh đang thi công cốp pha mái tầng hai một căn nhà trên đường Hùng Vương, chú muốn tìm hiểu thì đến đây”. Dẫu đang trên đường đi công tác ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) nhưng cuộc điện thoại của người thợ cốp pha mới quen này đã kéo ngược tôi trở lại thành phố Đông Hà. “Trong mỗi công trình xây dựng, nghề đóng cốp pha của tụi anh tuy có thời gian thi công ngắn nhất nhưng nói về tầm quan trọng, độ nguy hiểm và nặng nhọc thì khó có nghề nào bằng”, anh Hồ Tất Dũng vừa lau mồ hôi trên gương mặt bám đầy bụi, vừa mở đầu câu chuyện với tôi như thế. Sinh năm 1973, việc học hành dang dở đã níu chân anh ở lại quê nhà ở phường Đông Thanh, lấy nghề trồng lúa, trồng màu làm kế sinh nhai. Quanh năm mướt mồ hôi đeo bám ruộng đồng nhưng đời sống gia đình chẳng mấy khi dư dả, tranh thủ những lúc nông nhàn, anh theo mấy tốp thợ cốp pha trong làng làm thợ phụ để kiếm thêm miếng cơm manh áo. Với anh Dũng, nghề đóng cốp pha như là cơ duyên nên chỉ sau vài đợt lăn lộn với búa với đinh ở các công trình, anh đã nắm bắt hầu hết những kỹ thuật, kinh nghiệm để chuyển sang “ngạch” thợ chính. Các công trình xây dựng nối tiếp nhau đã kéo anh ngày càng xa với cái cuốc, cái cày và cũng không nhớ vào thời điểm nào, anh trở thành một thợ đóng cốp pha chuyên nghiệp, có tay nghề, uy tín cao, được nhiều chủ thầu cốp pha ở thành phố Đông Hà “trải thảm đỏ” mỗi khi cần việc.

Công việc hàng ngày của anh Dũng nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Chỉ tay vào đống ván, cọc chống, tấm thép mỏng lót sàn đồ sộ, đủ các kích cỡ, anh Dũng nói: “Nhìn thì ngổn ngang, luộm thuộm vậy thôi nhưng có việc cả đó. Như công trình này, mặt sàn mái rộng 100 m 2 , ba thợ chính, một thợ phụ sẽ hoàn thành trong khoảng ba ngày không tính thời gian tập kết vật liệu. Muốn làm nhanh, làm đúng với thiết kế thì thợ cốp pha cần phải biết đọc bản vẽ, biết tính toán ai làm gì, việc nào trước, việc nào sau. Nhà này thuộc dạng khó thi công vì chỉ mới có trụ trong khi các nhà khác thường đã xây xong phần tường. Được cái bây giờ công cán rất rạch ròi, việc gì làm khó thì thu nhập cũng cao hơn”. Thấy tôi băn khoăn về độ nguy hiểm khi nhìn một người thợ đang treo mình lơ lửng trên đầu trụ bê tông để lắp đặt mấy tấm ván, anh giải thích: “Đây là công đoạn tạo đáy dầm, xong phần việc này mới tiếp tục các công đoạn khác như thành dầm, đáy sàn, gia cố cọc chống…Khi tụi anh làm xong phần cốp pha thì thợ sắt sẽ bắt tay vào việc, sau đó là thợ bê tông. Những thợ cốp pha mới vào nghề, ai cũng thấy sợ, rất khó làm việc khi chênh vênh ở độ cao như thế nhưng làm mãi rồi cũng thành quen. Nói là vậy nhưng nguy cơ tai nạn ở nghề này khá cao, những người làm ở đây hầu như ai cũng đã từng gặp tai nạn. Nhẹ thì ván cốp pha va trúng đầu, giẫm phải đinh, nặng thì gãy tay, gãy chân. Cũng gần đây thôi, tụi anh vào Huế thăm một người bạn cùng nghề bị chấn thương sọ não đang điều trị nhưng tiên lượng không qua khỏi do ngã từ trên cao xuống”. Hỏi chuyện thu nhập, anh Dũng cho biết, anh nhận khoán từ chủ thầu cốp pha mức giá 20.000đ/m 2 , thợ có nhiều loại, người trực tiếp nhận việc, tổ chức thi công như anh thì mức thu nhập khoảng 350 - 400 ngàn đồng/ngày, thợ bình thường 250 - 300 ngàn đồng, thợ phụ 150 - 180 ngàn đồng. Gặp lúc cao điểm xây dựng, chủ thầu “cháy” cốp pha, tức là không còn ván, cọc chống, tấm thép lót sàn thì họ khoán cho mình trọn gói theo kiểu tính mét vuông mặt sàn. Nếu thấy thuận lợi thì mình nhận rồi đứng ra lo liệu, thuê mướn mọi thứ từ vật liệu cho đến nhân công, mệt hơn, tính toán nhiều hơn một chút nhưng bù lại thu nhập khá cao. Thợ cốp pha công việc không phải đều đặn quanh năm, lúc vãn mùa xây dựng từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, họ phải vất vả ngược xuôi tìm nhận các công việc khác để đảm bảo đời sống gia đình.

Thi công cốp pha phần mái

“Người ta nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng xem ra số anh khó giàu nhờ nghề…”, giọng anh Dũng chợt chùng xuống. Hóa ra, cũng đã có thời gian nhận thấy nhu cầu xây dựng tăng cao, cốp pha khan hiếm, giá thi công tăng chóng mặt, anh mạnh dạn vay mượn bà con, bạn bè số tiền gần 150 triệu đầu tư hơn 200 m 2 cốp pha với hy vọng hiện thực hóa giấc mơ trở thành chủ thầu cốp pha. Không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã của thị trường, cung cách quản lý chưa hiệu quả, vốn không nhiều, quan hệ hạn chế đã khiến anh thất bại. “Nhắc lại chuyện cũ làm chi, cứ làm thợ như vậy cũng đủ nuôi một vợ hai con thoải mái mà”, anh Nguyễn Văn Tuần, một thợ cốp pha luống tuổi tranh thủ góp thêm chuyện lúc nghỉ tay. Quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, trước đây anh Tuần vốn là sĩ quan của Sư đoàn 968, có nhiều năm đóng quân ở nước bạn Lào. Năm 1994, vì lý do cá nhân, anh xuất ngũ rồi lập gia đình sinh sống ở phường Đông Thanh. Nghề đóng cốp pha đến với anh cũng tình cờ như anh Dũng nhưng theo anh thì do mình già hơn, không nhanh hơn người trẻ nên chỉ làm “lính”, sai đâu “đánh” đó. Nói thêm về chuyện đời, chuyện nghề của mình, anh Tuần tiếp lời: Với những người tinh ý, việc nhận ra thợ cốp pha ở đâu đó trên đường, trong quán cà phê, quán nhậu bình dân không phải là khó bởi vật dụng họ luôn mang theo bên người là búa và cưa. Cưa thì bình thường nhưng chiếc búa đóng đinh thì lại rất đặc biệt, thợ cốp pha không thể thay thế bằng loại búa khác. Được sản xuất tại Mỹ từ trước năm 1975, thân búa thon, đầu búa nhỏ, tròn, phẳng lỳ từ trong ra ngoài và đuôi búa dài, cong vuốt. Cán búa làm bằng gỗ lim được thợ mộc bào vát bốn góc và chia làm thước đo theo các mức từ 10 - 40 cm. Với chiếc búa này, thợ cốp pha thao tác rất thuận tiện nhờ lực đóng mạnh, êm, đóng đinh không bị trượt, nhổ đinh dễ dàng và lúc cần đo độ dày của cốp pha dầm, sàn thì cán búa trở thành một cây thước hữu dụng. Theo anh Dũng, anh Tuần, loại búa này bền đến mức nếu không làm mất thì chỉ với một cái, một người thợ cốp pha chỉ cần thay cán là có thể sử dụng liên tục cho đến lúc không còn sức khỏe để đeo đuổi với nghề. Loại búa này trước đây có thể tìm mua một cách dễ dàng nhưng hiện nay rất hiếm, thợ cốp pha nào muốn có phải tìm vào chợ Tây Lộc ở Huế để mua với mức giá từ 500 - 600 ngàn đồng một cái nhưng không phải lúc nào cũng có. Nguồn cung cấp búa cho thợ cốp pha hiện nay chủ yếu trông chờ vào những người dò tìm phế liệu chiến tranh ở phường 4, (thành phố Đông Hà), xã Cam Tuyền, (huyện Cam Lộ). Những lúc “tăm” trúng loại búa này họ xem như trúng đậm vì chỉ cần “ới” một tiếng là thợ cốp pha sẵn sàng chi 600 ngàn đồng để được sở hữu một cái…Cái gì hiếm thì quý nên thợ cốp pha luôn xem búa là vật bất ly thân và thực hư câu chuyện về một vài người thợ sau một ngày làm việc nặng nhọc, vui với bạn quá chén nằm dài ở quán nhưng tay vẫn cầm khư khư cái búa có thể cần phải kiểm chứng nhưng tôi tin anh Tuần không nói quá về tầm quan trọng của dụng cụ lao động này. Tôi hỏi anh Dũng: “Với sức khỏe của anh thì có thể theo nghề thêm mấy năm nữa?”. Anh cười: “Cũng không biết đến khi nào nhưng còn sức thì còn theo. Chú em cứ nhìn anh Tuần thì biết, nghề nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm nhưng đã trên năm mươi tuổi mà vẫn chưa dám nghỉ ngơi. Thời buổi này, ít học hành, chữ nghĩa như tụi anh mà thu nhập như vậy là cũng được, chỉ mong sao trời cho sức khỏe để lao động, không trở thành gánh nặng cho gia đình, cộng đồng”. Chia tay những người thợ cốp pha, hình ảnh cứ đọng mãi trong tôi là tấm lưng áo đẫm mồ hôi và đôi tay gân guốc theo từng nhịp búa. Công việc có thể vất vả, nguy hiểm nhưng họ luôn có niềm tin để vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn. Bài, ảnh: HUY NAM