(QT) - Cứ mỗi mùa mưa bão đến, cũng như các địa phương ở tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh là huyện thường xuyên bị thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng. Đã hơn 30 năm, nhắc lại siêu bão số 8 ngày 15/10/1985, người Vĩnh Linh vẫn còn bàng hoàng về sự tàn phá của thiên tai, phải hơn 10 năm sau mới khắc phục được. Đó là giai đoạn công nghệ thông tin chưa phát triển, người dân bị động trong quá trình phòng chống, tổn thất bất ngờ quá lớn. Đó là chưa kể có rất nhiều cơn bão khác hàng năm tuy không phải “siêu bão” nhưng người dân vẫn không tránh khỏi thiệt hại tài sản.
![]() |
Người trồng cao su ở Vĩnh Linh khắc phục hậu quả cơn bão số 10 (tháng 9/ 2017) |
Như đã thành quy luật, hàng năm cứ bước vào vụ lúa hè thu, người dân trong huyện đều hiểu rằng, phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để thu hoạch khi lúa chín vì lụt bão đang cận kề đe dọa. Trên thực tế đã có rất nhiều hộ gia đình đang làm ăn thuận lợi nhờ có nguồn thu nhập cao từ cây cao su, hồ tiêu, cây lâm nghiệp, dịch vụ bỗng trắng tay chỉ sau một trận bão kinh hoàng. Càng về sau, khi công nghệ truyền thông phát triển, công tác dự báo, cảnh báo bão lũ được cập nhật, người dân đã có thời gian chuẩn bị phòng chống kịp thời nên đã hạn chế rất nhiều thiệt hại.
Cơn bão số 10 ngày 30/9/2013 ập vào miền Trung, huyện Vĩnh Linh gánh chịu hậu quả khá lớn và mới cơ bản khắc phục xong thì ngày 15/ 9/2017, cơn bão số 10 lại đổ bộ vào càn quét suốt từ sáng đến chiều từ Nghệ An đến Quảng Trị. Lại một lần nữa, huyện Vĩnh Linh tuy không nằm trong tâm bão nhưng phải chịu sức gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12. Cơn bão số 10 đi qua, Vĩnh Linh chịu tổn thất nặng nề về cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, tài sản ngoài trời, các công trình xây dựng…
Những địa phương bị thiệt hại lớn về cây công nghiệp, cây lâm nghiệp sau bão số 10 là Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch, Vĩnh Trung, Vĩnh Kim, thị trấn Bến Quan. Nhiều gia đình chỉ sau một ngày, bão cướp đi trên một nửa hoặc gần hai phần ba diện tích cây cao su đang kỳ thu hoạch. Qua thực tế, những bài học rút ra về phòng chống bão là vô cùng quan trọng, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Nếu công tác phòng chống không tốt, chắc chắn thiệt hại sau cơn bão số 10 trên địa bàn Vĩnh Linh sẽ còn lớn hơn nhiều.
Ba ngày trước khi bão đến, huyện Vĩnh Linh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân trên địa bàn thông qua hệ thống thông tin lưu động, Đài Truyền thanh huyện, cập nhật tin bão qua trang thông tin điện tử của huyện. Một lực lượng tuyên truyền sâu sát là đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn đã tích cực đốc thúc nhân dân triển khai chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão những nơi an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công các thành viên về từng địa bàn để chỉ đạo địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời kiểm tra, đôn đốc nhân dân tích cực phòng chống bão lụt, nhất là những vùng xung yếu như các xã ven biển Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng, vùng núi hay có lũ quét như Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, vùng gần hồ chứa La Ngà, Sa Lung như Vĩnh Thủy, Vĩnh Long…
Huyện cũng có phương án di dời dân vùng thấp trũng, vùng gần biển khi bão lớn xảy ra. Lãnh đạo huyện đã túc trực chỉ đạo, ứng phó linh hoạt với tình hình ở những địa bàn trọng yếu trong suốt thời gian bão diễn ra. Từ cơn bão số 10 năm 2013, huyện Vĩnh Linh đã có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu ứng phó với cơn bão số 10 năm 2017. Nhờ kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nên đã hạn chế rất lớn những thiệt hại xảy ra. Cơn bão số 10 vừa qua kéo dài gần 10 giờ đồng hồ nhưng ở Vĩnh Linh không có thiệt hại về người.
Về tài sản, bão số 10 đã gây tổn thất cho huyện Vĩnh Linh theo ước tính trên 451 tỷ đồng, chưa kể các thiệt hại khác trong dân cư. Tài sản thiệt hại lớn nhất là cây công nghiệp (cao su, tiêu), cây lâm nghiệp, các công trình xây dựng khác. Thiệt hại từ dưới 30% đến trên 70% đối với cao su trên 2.224 ha, đối với hồ tiêu trên 356 ha. Diện tích rừng thiệt hại từ dưới 30% đến 70% trên 2.469 ha. Đó là chưa kể những thiệt hại đối với rừng phân tán, cây xanh bóng mát bị gãy đổ nhiều. Thiệt hại về nhà cửa, chủ yếu là nhà bán kiên cố từ 30% đến 70% là 83 nhà, thiệt hại dưới 30% đối với nhà bán kiên cố và thiếu kiên cố trên 1.300 nhà.
Bão cũng gây một số thiệt hại đối với kênh mương thủy lợi, đường giao thông nội huyện, dây điện hạ thế, chợ, trung tâm thương mại, hồ nuôi tôm, 13 điểm trường học, một số cơ sở y tế, 60 công trình văn hóa, 415 ha rau màu... Nhờ chỉ đạo tích cực, quyết liệt của lãnh đạo huyện nên nông dân đã tập trung thu hoạch xong lúa hè thu trước bão, chỉ còn chưa đầy 30 ha ruộng choi khe ở xã Vĩnh Trung và ruộng rẫy ở Vĩnh Ô bị thiệt hại từ 30% đến 70% vì chưa đến kỳ thu hoạch.
Hiện nay, huyện Vĩnh Linh đang tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy nội lực, khắc phục hậu quả cơn bão số 10, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, nhất là các xã ven biển vừa đang khắc phục sự cố môi trường biển xảy ra năm 2016, lại phải gánh chịu hậu quả cơn bão số 10. Các địa phương vừa động viên nhân dân giúp nhau tu sửa nhà cửa, khôi phục cây công nghiệp bị ngã đổ, thu hoạch hoa màu còn sót lại, vừa huy động nhân lực tu sửa lại đường giao thông bị lũ cuốn trôi, gia cố kênh mương nội đồng, sửa chữa trường học bị hư hại để không gián đoạn việc dạy và học…
Trong lúc này, người dân trong huyện càng đoàn kết, gắn bó, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn trước mắt. Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tùy theo chức năng của mình, trực tiếp về các địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống.
Lê Nguyên Hồng