Hiệu quả từ cây lúa nước ở Mò Ó
(QT) - Xã Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị) hiện có 84 ha lúa nước, trong đó có 56 ha trồng lúa 2 vụ. Với một xã vùng núi như Mò Ó thì diện tích lúa nước này có ý nghĩa rất đặc biệt. Cây lúa nước đã làm thay da đổi thịt vùng đất xưa kia vốn nghèo nàn, lạc hậu. Anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó dẫn chúng tôi ra cánh đồng Khe Chàn ở thôn Ba Rầu. Giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn những người phụ nữ đang nhổ cỏ, chăm chút cho ruộng lúa gia đình mình. Mới nhìn, ít ai tin rằng cây lúa nước ...

Hiệu quả từ cây lúa nước ở Mò Ó

(QT) - Xã Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị) hiện có 84 ha lúa nước, trong đó có 56 ha trồng lúa 2 vụ. Với một xã vùng núi như Mò Ó thì diện tích lúa nước này có ý nghĩa rất đặc biệt. Cây lúa nước đã làm thay da đổi thịt vùng đất xưa kia vốn nghèo nàn, lạc hậu. Anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó dẫn chúng tôi ra cánh đồng Khe Chàn ở thôn Ba Rầu. Giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn những người phụ nữ đang nhổ cỏ, chăm chút cho ruộng lúa gia đình mình. Mới nhìn, ít ai tin rằng cây lúa nước chỉ có ở đồng bằng nay lại phát triển tươi tốt ở vùng cao như thế này. Đồng bào dân tộc nơi đây đã dần quen với việc trồng và chăm sóc lúa nước thay cho tập tục phá rừng, trồng lúa rẫy tồn tại bao đời ở vùng cao.

Phụ nữ xã Mò Ó ra đồng chăm sóc lúa

Cách đây 5 năm, người dân ở đây vẫn làm lúa theo cách làm lúa rẫy là gieo hạt giống xuống đồng và phó mặc cho trời nên năm nào được mùa, năng suất khá lắm cũng chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào thì nay bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa như chọn giống, làm cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng... Dù chưa đảm bảo đúng quy trình thâm canh lúa nước như người miền xuôi nhưng thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền vận động của cán bộ địa phương, đồng bào nơi đây đã nắm được những kỹ năng cơ bản về sản xuất lúa nước. Nhờ đó, năng suất lúa toàn xã hiện nay đạt 2 tạ/sào, tổng sản lượng lúa bình quân ước đạt 560 tấn/năm (2 vụ). Nếu ngày trước người dân ở đây phải vào rừng chặt củi, đốt than đổi gạo thì nay hầu hết các gia đình đều có thể tự túc được một phần lương thực. Nhà Pỉ Phiên, thôn Khe Lặn, xã Mò Ó có 4 mẹ con, mấy năm nay khai hoang được 2 sào ruộng nước, nhờ ruộng lúa ở gần trạm bơm Đồng Đờn, thường xuyên có nước nên làm được 2 vụ lúa/năm, trung bình mỗi vụ Pỉ Thiên thu hoạch được từ 7- 8 bao lúa (mỗi bao khoảng 50 kg) như vậy mỗi năm gia đình Pỉ Thiên có khoảng 7- 8 tạ lúa. Nhờ đó Pỉ Phiên không còn nhọc nhằn lên rừng hái măng, hái củi đổi gạo như trước. Bên cạnh 5 công trình thủy lợi như khe Lưỡi Câu, khe Luồi, khe Chàn, khe Nhoong và trạm bơm Đồng Đờn đang phát huy tác dụng trong việc tưới tiêu cho nhiều diện tích lúa nước của địa phương, người dân nhiều vùng trong xã Mò Ó tích cực vận động nhau vừa khai hoang, vừa tận dụng thêm các diện tích đất bằng phẳng mà công trình nước thủy lợi chưa vươn tới để lên bờ vùng, bờ thửa và cùng nhau chặt tre hoặc mua ống cao su về làm máng dẫn nước từ các khe suối đến để trồng lúa nước. Nhiều nơi bà con phải đặt đường ống dẫn nước kéo dài trên 1 km, như diện tích trồng lúa nước ở Đồng Tranh Rì Rì mà người dân xã Mò Ó khai hoang từ năm 2009 đến nay đã lên đến trên 10 ha. Một trong những người đi đầu trong việc tự bắt ống dẫn nước từ khe suối về để làm ruộng ở Mò Ó là anh Hồ Văn Cường ở thôn Ba Rầu. Với vai trò vừa là Phó Chủ tịch Mặt trận xã kiêm cán bộ khuyến nông thôn, để thuyết phục người dân trong xã tích cực khai hoang, tạo đất bằng để mở rộng diện tích đất trồng lúa nước, năm 2008 anh Cường đã cải tạo một phần đất trong vườn của gia đình anh và đầu tư trên 3 triệu đồng mua ống cao su dài gần 1 km để dẫn nước tự chảy từ khe về, vừa lấy nước sinh hoạt vừa tưới cho đồng ruộng nhà mình. Với khoảng 2 sào đất vườn mà anh Cường cải tạo thành ruộng để gieo cấy lúa, anh đã cùng vợ là chị Hồ Thị Vưn chăm chỉ, tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt nên năm nào ruộng lúa của gia đình anh cũng được mùa nhất xã, bình quân mỗi vụ thu được 3 tạ/sào, tự cung cấp đủ nguồn lương thực cho gia đình và trở thành cánh đồng mẫu để người dân trong vùng tham quan, học hỏi. Hiệu quả của việc trồng lúa nước ở Mò Ó không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khai thác tiềm năng đất đai, nguồn lao động, giảm nạn phá rừng, thay đổi thói quen sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên của đồng bào. Anh Phan Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Mò Ó cho biết: “Hiện toàn xã có 3 chiếc máy cày làm đất không chỉ phục vụ cho việc khai hoang đất đồi mà khi mùa vụ đến người dân đã biết thuê máy xuống đồng cày, bừa để đẩy nhanh tiến độ làm đất cho kịp thời vụ. Ra đồng thấy lúa bị bệnh, một số bà con đã bắt đầu có ý thức lên hỏi cán bộ xã cách chăm sóc, phòng trừ. Những năm gần đây, diện tích lúa nước của xã không ngừng được mở rộng, trong khi việc trồng lúa nương, lúa rẫy bị thu hẹp dần, toàn xã chỉ còn chưa đến 5 ha lúa rẫy, lúa cạn. Đây là những tín hiệu khả quan cho thấy đồng bào mình đã dần thay đổi tập quán canh tác và tư duy sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa”. Bài, ảnh: LÂM THANH