Địa vị pháp lý mới gắn với trách nhiệm cao hơn, nặng nề hơn
Đồng chí Nguyễn Tài Ba, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (P.V):Đề nghị đồng chí cho biết vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh? Đồng chí Nguyễn Tài Ba (Đ/c N.T.B): Ngày 6/11/2009, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2840/QĐ-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký, quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.  Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng ...

Địa vị pháp lý mới gắn với trách nhiệm cao hơn, nặng nề hơn

Đồng chí Nguyễn Tài Ba, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (P.V): Đề nghị đồng chí cho biết vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh? Đồng chí Nguyễn Tài Ba (Đ/c N.T.B): Ngày 6/11/2009, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2840/QĐ-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký, quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự -Bộ Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị trao Quyết định thành lập Chi cục Thi hành án dân sự. Ảnh: Thành Dũng

Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị theo quy định của pháp luật, có 3 phòng trực thuộc là văn phòng; phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự; phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, ở cấp huyện, thị xã, thành phố có Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thực hiện chức năng thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. P.V: Đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ mới, đề nghị đồng chí cho biết trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì? Đ/c N.T.B: Trong năm 2009, mặc dù phải tập trung giải quyết đồng thời nhiều công tác quan trọng để thực hiện Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 và Nghị định 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức bộ máy cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2009, nhưng với sự nỗ lực rất cao của toàn thể cán bộ, công chức Thi hành án dân sự tỉnh, của Giám đốc Sở Tư pháp, đặc biệt là sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Cũng trong năm nay, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn và đã đạt được kết quả cao hơn so với các năm trước, cụ thể là đã thi hành xong 85% về việc và 76% về tiền trên số án có điều kiện thi hành, vượt 7% về việc và 20% về tiền so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao. Tỷ lệ giải quyết án tồn đọng đạt hơn 40% (chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao 10-15%). Để có được sự ổn định về tổ chức bộ máy và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong suốt hơn 16 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, các cơ quan Thi hành án dân sự đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ban ngành liên quan, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp và các đồng chí Trưởng phòng Tư pháp. Sau khi có quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị và các Chi cục trực thuộc, hệ thống Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ mới. Địa vị pháp lý mới của các cơ quan Thi hành án dân sự, đồng nghĩa với trách nhiệm cao hơn, nặng nề hơn. Vì vậy trong thời gian tới lãnh đạo, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự phải cố gắng, tích cực, chủ động hơn trong công việc và phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề cụ thể như sau: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tìm ra các nguyên nhân chủ quan của những mặt hạn chế, đề ra những giải pháp khắc phục để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu năm 2010 do Bộ Tư pháp giao. Chú trọng công tác tổ chức cán bộ, hoàn thiện thủ tục nhân sự để nhanh chóng kiện toàn cán bộ lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục trực thuộc, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đề nghị bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, cấp tỉnh sang Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục phải trực tiếp kiểm tra việc phân loại án, cách thức tổ chức thi hành án của các Chấp hành viên để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án; giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ việc và tiền cho từng Chấp hành viên để tăng cường trách nhiệm và tính chủ động trong công việc. Trên cơ sở quản lý chặt chẽ khâu tuyển dụng cán bộ và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, để đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện chế độ đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, chính xác và hợp lý. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của Đảng và các đoàn thể. Chủ động làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, thống nhất nhân sự để trình UBND cùng cấp quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 13, Nghị định 74/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ động họp bàn và xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Tư pháp, Công an và các cơ quan ban ngành có liên quan để thực hiện nhiệm vụ và tháo gỡ những vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án. Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại ngay từ cơ sở, giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Thực hiện tốt các quy định việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, các công tác hành chính, văn phòng, bảo đảm phục vụ kịp thời các yêu cầu công tác chuyên môn và nâng cao đời sống của cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự. Bám sát chương trình, kế hoạch thực hiện công tác thi hành án dân sự trong năm 2010 và các năm tiếp theo, toàn thể lãnh đạo, công chức các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị quyết tâm đem hết nhiệt tình, khả năng và trí tuệ để xây dựng khối đoàn kết nội bộ. Chăm lo việc đào tạo công chức làm công tác thi hành án dân sự để có một đội ngũ cán bộ trong sáng về đạo đức, vững vàng về nghiệp vụ nhằm đảm đương, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. P.V: Xin cảm ơn đồng chí! P.V (thực hiện)