Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng
QTO - Gặp và hẹn với họa sĩ Lê Duy Ứng từ hôm 23/4 tại Bắc Giang, vậy mà đến ngày 10/6/2023, tôi mới đến được nhà ông. Trời Hà Nội những ngày đó rất oi và nóng nên tiếp tôi ở phòng khách chừng 15 phút, ông đã vội đưa tôi lên gác để xem bảo tàng tranh, tượng của mình.

Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng

Gặp và hẹn với họa sĩ Lê Duy Ứng từ hôm 23/4 tại Bắc Giang, vậy mà đến ngày 10/6/2023, tôi mới đến được nhà ông. Trời Hà Nội những ngày đó rất oi và nóng nên tiếp tôi ở phòng khách chừng 15 phút, ông đã vội đưa tôi lên gác để xem bảo tàng tranh, tượng của mình.

Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ tranh Bác Hồ bằng máu từ mắt của ông -Ảnh: TL

Họa sĩ Lê Duy Ứng dành hẳn 3 tầng phía trên (trong tổng số 5 tầng của ngôi nhà) làm khu bảo tàng, lưu giữ các tác phẩm mỹ thuật tranh, tượng trong suốt chặng đường gần 50 năm miệt mài sáng tác. Điều đặc biệt ở họa sĩ Lê Duy Ứng là trong chặng đường gần 1/2 thế kỷ đó, ông chỉ có 22 năm làm việc, vẽ, tạc tượng bình thường như bao họa sĩ khác, còn lại phải làm việc trong điều kiện không ánh sáng.

Từ sau trận đánh ác liệt vào rạng sáng ngày 28/4/1975 ở căn cứ Nước Trong - Biên Hòa, họa sĩ Lê Duy Ứng bị mảnh đạn chống tăng cướp đi đôi mắt.

Sau 2 lần “chết đi sống lại”, đồng đội đưa ông về tuyến sau. Mãi đến tháng 10/1982, ông may mắn được Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân mổ ghép giác mạc thành công.

Nhưng điều kỳ diệu đó chỉ kéo dài được 18 năm, năm 2000 mắt ông mờ trở lại, không thể nhìn được như trước. 5 năm sau, tại Nhật Bản, Giáo sư Ki - nô - chi - ta đã phẫu thuật mổ ghép giác mạc cho ông. Ánh sáng đã trở lại với họa sĩ Lê Duy Ứng nhưng 4 năm sau, mắt ông chỉ nhìn và phân biệt được 2 màu trắng - đen. Đã có lúc họa sĩ Lê Duy Ứng buồn chán, bất lực.

Nhưng mỗi lần như vậy, ông lại nhớ đến lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một ngày cuối năm 1975, khi họa sĩ Lê Duy Ứng đang điều trị ở Bệnh viện 108.

Khi biết trong bệnh viện có một thương binh nặng, cả hai mắt đều bị hỏng, không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng rất kiên trì và miệt mài nặn tượng, Đại tướng đã đến thăm.

Tại đây, qua trò chuyện, Đại tướng đã ân cần động viên ông noi gương nhạc sĩ người Đức Beethoven. Bởi lẽ, người nhạc sĩ này đã sáng tác các bản giao hưởng nổi tiếng trong thời gian ông bị điếc cả hai tai. Những lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến họa sĩ Lê Duy Ứng phấn chấn, càng say sưa theo đuổi việc tạc và nặn tượng…

Họa sĩ đã làm việc không ngưng nghỉ cho đến tận bây giờ, khi đang ở tuổi 76. Bức tranh ông vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu từ đôi mắt của mình trong giây phút sinh tử với lời tựa ở dưới “Ánh sáng niềm tin.

Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) là lời tuyên ngôn, là niềm động viên thôi thúc ông còn sống là còn làm việc, còn cống hiến.

Mới đây, vào tháng 4/2023 ở Bắc Giang, họa sĩ Lê Duy Ứng đã vẽ tranh Bác Hồ tặng Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên trong tình trạng hai mắt không nhìn thấy gì.

Cho đến nay, họa sĩ Lê Duy Ứng đã tổ chức nhiều cuộc triễn lãm chung khắp cả 3 miền đất nước. Ông có 45 cuộc triển lãm cá nhân và đã nhận được 9 giải thưởng trong, ngoài nước; đoạt kỷ lục Guinness “Người vẽ tranh - tạc tượng nhiều nhất Việt Nam”.

Đón tiếp và giới thiệu với tôi về những đứa con tinh thần của mình, dù mắt không nhìn thấy được, ông vẫn chỉ từng bức tranh, thuyết minh từng chi tiết về xuất xứ, nguyên liệu, ý tưởng... một cách chính xác. 5 phòng trưng bày lần lượt từ tầng 3 đến tầng 5 được ông xếp theo chủ đề chiến tranh cách mạng, chiến trường và chiến thắng; hòa bình và tình yêu; trên cùng là phần tổng hợp...

Với một số lượng tác phẩm lớn, lại được bảo quản trong điều kiện thời tiết nóng nực như vậy khiến tôi thấy ái ngại và lo cho bảo tàng của ông. Nghe vậy, họa sĩ trầm ngâm: “Tôi dự kiến sẽ nâng cấp mấy gian nhà này, rồi phải lắp thang máy, có công nghệ số cho bảo tàng để đón khách..., đơn giản sao được”.

Thật thiếu sót nếu không nhắc đến bà Trần Thị Lê - người vợ của họa sĩ Lê Duy Ứng. Bà là con gái Hà Nội đảm đang, đôn hậu, âm thầm chăm lo, tạo mọi điều kiện để chồng tập trung cho sự nghiệp sáng tạo. Chuyện tình của ông bà - người con trai Quảng Bình và ái nữ Tràng An là cả một thiên tình sử.

Trước khi chia tay, họa sĩ Lê Duy Ứng dừng lại bên bức tượng đồng “Cha tôi” (ông Lê Yến) và nói: “Tôi gặp nhiều may mắn khi có ông bố tuyệt vời. Ông là một họa sĩ - nhà báo. Tôi mang gen di truyền từ ông. Lớn lên tôi gặp Bác Hồ. Bác là vị cứu tinh của dân tộc ta, là ánh sáng niềm tin của tôi. Mỗi lần trước cái chết, trước khó khăn, bất lực trong cuộc sống, cứ nghĩ đến Bác tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh...”.

Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng, tôi đi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Khâm phục về một tài năng, một bàn tay vàng, về tấm lòng và nghị lực phi thường của một thương binh tuy hỏng cả hai mắt vẫn miệt mài lao động nghệ thuật.

Những tâm sự của ông thật cởi mở, chân thực, khiêm nhường. Họa sĩ Lê Duy Ứng được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013. Hơn thế, ông còn là anh hùng lao động sáng tạo - điều mà chúng ta luôn trân quý, nhất là trong thời kỳ dựng xây đất nước hôm nay.

Thái Vĩnh Kháng

Tin liên quan:
  • Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng
    Họa sĩ Lê Duy Ứng: Sâu nặng ân tình với Quảng Trị

    (QT Xuân) - Tình cờ một ngày gần cuối năm Canh Tý 2020, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người quen nhờ tìm giúp số của họa sĩ Lê Duy Ứng cho mẹ của cậu ấy, người từng có một thời tuổi trẻ thân thiết với ông Ứng. Với những mối quen biết từ đồng nghiệp ở Thủ đô Hà Nội, nơi họa sĩ Lê Duy Ứng đang sinh sống, tôi tìm được số điện thoại để hai người quen cũ nối lại liên lạc sau hàng chục năm trời. Cũng từ mối cơ duyên này, tôi biết thêm nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời của Đại tá, Anh hùng ...

  • Thăm bảo tàng mỹ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng
    Họa sĩ Lê Bá ĐảngTrái tim hòa nhịp đập với quê hương

    Lần đầu tiên tôi gặp họa sĩ Lê Bá Đảng đã gần 20 năm trước. Ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về thần thái, phong cách của người trí thức nho nhã. Cái hồn cốt quê nhà vẫn lưu giữ trong ông qua giọng nói mặc dù đã xa quê nhiều năm.

Thái Vĩnh Kháng