Nâng cao nhận thức cho người dân trồng cao su
(QT) - Tính đến nay, diện tích cây cao su toàn tỉnh Quảng Trị là 18.542 ha, giảm 645 ha so với cùng kỳ năm trước. Đây là diện tích cao su bị thiệt hại trên 70% do bão năm 2013 đã được chặt bỏ để chuẩn bị trồng lại cao su vào cuối năm 2014, một số chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu, trồng màu (ngô, sắn...).

Nâng cao nhận thức cho người dân trồng cao su

(QT) - Tính đến nay, diện tích cây cao su toàn tỉnh Quảng Trị là 18.542 ha, giảm 645 ha so với cùng kỳ năm trước. Đây là diện tích cao su bị thiệt hại trên 70% do bão năm 2013 đã được chặt bỏ để chuẩn bị trồng lại cao su vào cuối năm 2014, một số chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu, trồng màu (ngô, sắn...).

Nhờ được địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nên người dân xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) yên tâm gắn bó với cây cao su

Trong đó, diện tích cao su cho khai thác sản phẩm ước đạt 11.076,5 ha. Năng suất ước cả năm 10,2tạ/ha, giảm 2,9 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng khai thác ước được 11.326 tấn, giảm 2.939 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất và sản lượng đều giảm so với năm trước là do giá mủ cao su năm 2014 quá thấp, chỉ bằng 50- 60% giá năm trước, thu không đủ bù chi nên nhiều diện tích cao su đang khai thác người dân không mặn mà cạo mủ và chăm sóc, dẫn đến năng suất, sản lượng giảm so với năm 2013. Mặt khác, các cơn bão cuối năm 2013 đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng mủ cao su trong năm 2014. Trước tình hình mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nhằm giúp nông dân yên tâm, tiếp tục duy trì và chăm sóc những vườn cao su, tránh tình trạng chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác một cách tự phát. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các vùng trồng cao su trên địa bàn, xác định bộ giống cao su, đai rừng chắn gió, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác... phù hợp cho từng vùng miền để giảm thiểu tác động của thiên tai gây ra. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục quy hoạch và trồng mới thêm diện tích cao su ở những vùng có đủ điều kiện. Nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích bị thiệt hại trên 70% do bão và các vùng trồng cao su gần biển sang trồng hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò và cây ngắn ngày khác có hiệu quả và thích ứng cao hơn với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt . Tin, ảnh: THANH LÊ