Những tấm gương sáng giữa đại ngàn Trường Sơn
(QT) - Cầu nối tình nghĩa Việt - Lào Ông Hồ Xuân Vàng (người bên trái) trao đổi cách chăm sóc cây hồ tiêu với dân bản

Những tấm gương sáng giữa đại ngàn Trường Sơn

(QT) - Cầu nối tình nghĩa Việt - Lào

Ông Hồ Xuân Vàng (người bên trái) trao đổi cách chăm sóc cây hồ tiêu với dân bản

Ở các xã biên giới, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, ngoài nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch thì việc duy trì mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các cặp thôn bản đối diện 2 bên biên giới là công tác đang được chú trọng hàng đầu mà tiêu biểu là mô hình kết nghĩa bản -bản đang đạt được hiệu quả lớn. Đến thăm xã A Vao (Đakrông, Quảng Trị), chúng tôi được nghe kể rất nhiều về một người cao tuổi có nhiều đóng góp vào việc vun đắp tình nghĩa Việt - Lào, ông là Hồ Xuân Vàng (sinh năm 1933; 54 tuổi Đảng, trú tại thôn A Vao, xã A Vao). Sau hoạch định biên giới Việt - Lào, gia đình ông Vàng có nhiều bà con thân thích đang sinh sống tại nước bạn Lào, trong đó một người con trai của ông hiện tham gia lực lượng công an huyện Tù Muồi (Lào). Bản thân ông Vàng từng tham gia kháng chiến, được rèn luyện trong cách mạng nên có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn có tinh thần phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh biên giới, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về an ninh biên giới và kết nghĩa bản -bản. Khi bản A Vao (Việt Nam) và A Vao (Lào) kết nghĩa, ông là người đi đầu trong công tác vận động nhân dân tham gia. Sau kết nghĩa, ông Vàng cùng các cán bộ biên phòng và bà con bản A Vao (Việt Nam) thường xuyên tổ chức những buổi giao ban về tình hình an ninh biên giới, lồng ghép với chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa 2 bản, đồng thời hỗ trợ nhân dân nước bạn về cây trồng, vật nuôi… Tổ chức những chuyến thăm thân giữa 2 bản vào các dịp lễ tết, làm cho tình cảm hữu nghị giữa 2 bên biên giới càng thêm bền chặt. Không chỉ tham gia vào công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, ông Vàng còn là một gương sáng tiêu biểu trong lao động sản xuất ở địa phương. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tự tay chăm sóc đàn lợn 4 con, vườn tiêu hơn 100 gốc và trồng hàng ngàn cây tràm đem lại thu nhập cao. Nhiều gia đình trong bản vẫn thường đến tìm ông để trao đổi, học tập kinh nghiệm làm ăn... Nhà ông thường xuyên là nơi tổ chức gặp mặt thân mật giữa những người cao tuổi trong thôn. Các con ông nay đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Với những thành tích đạt được, ông Vàng đã nhiều lần được các cấp khen thưởng. Vì tương lai thôn bản Không chỉ là một đảng viên tiêu biểu, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, ông Hồ Thanh Bân (sinh năm 1950, trú tại thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) còn được người dân trong huyện biết đến như là một tấm gương sáng về phát triển kinh tế, có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài nguyên rừng, luôn đi đầu trong công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, vận động người dân chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Hồ Thanh Bân hướng dẫn cháu học bài

Nghỉ hưu và trở về sinh hoạt tại địa phương từ năm 2010, trong những năm qua ông Hồ Thanh Bân luôn tham gia đều đặn những buổi họp chi bộ, làm công tác tham mưu cho các cán bộ xã Hướng Hiệp, cùng xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn. Bên cạnh đó, ông đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong thôn, xã. Khi người dân chưa nắm rõ các chủ trương, chính sách ông thường cùng các cán bộ xã đến thăm hỏi bà con làng xóm, tuyên truyền, giải thích để mọi người được rõ. Nhờ vậy tình hình an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa bàn luôn được đảm bảo. Không chỉ nhiệt tình tham gia công tác xã hội, ông Hồ Thanh Bân còn là một gương sản xuất giỏi, được nhiều người tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Nhận thấy khoảng đất rộng sau nhà bằng phẳng, có thể làm được ruộng nước, ông cùng vợ tiến hành khai hoang, tìm nguồn nước để làm ống dẫn về tận nơi, chẳng bao lâu gia đình đã có 5 sào ruộng nước, mỗi năm làm được 2 vụ cho năng suất cao. Phần đất trũng là những hố bom, ông cải tạo thành 2 hồ nuôi cá rô phi, trắm, mè, chép để cải thiện bữa ăn gia đình. Ông còn nuôi 2 con bò nhốt chuồng để tận dụng rau cỏ quanh nhà. Còn những quả đồi trọc, chỉ có cây bụi và lau lách gần đó, người dân không trồng trọt gì được, ông huy động con cái trong nhà phát quang rồi mua giống cây keo, tràm về trồng. Đến nay, sau nhiều năm chăm sóc, rừng cây đã phủ xanh những quả đồi trọc. Bên cạnh đó, ông Hồ Thanh Bân còn áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi để hướng dẫn, giúp đỡ người dân trên địa bàn. Với phẩm chất giản dị cùng tinh thần chịu thương chịu khó, ông luôn được mọi người quý mến và tôn trọng. Trong quá trình công tác ông nhiều lần được các cấp khen thưởng, đặc biệt năm 2010 ông đã được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ra sức vận động vì cộng đồng Từng giữ chức Bí thư Đảng ủy xã A Ngo, sau bao năm cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Hồ Lô (sinh năm 1939) trở về làng cũ là thôn A Rong (dưới) thì được bà con dân bản tin tưởng bầu làm già làng. Ông tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được biết đến như một già làng mẫu mực trong phong trào phát động xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Hồ Lô tâm huyết với các nhạc cụ dân tộc

Giữ vững phẩm chất của người đảng viên, lại được bà con dân bản tín nhiệm và ủng hộ, ông Hồ Lô đã dành nhiều thời gian để vận động bà con trong thôn đoàn kết, giữ gìn văn hóa dân tộc. Khi tổ chức các lễ hội ở địa phương phải tôn nghiêm, trật tự, không uống rượu bia quá nhiều dẫn đến xích mích, mất đoàn kết, hầu hết những lễ hội ở thôn A Rong (dưới) đều do ông chủ trì. Ngoài ra, ông còn đến từng hộ gia đình vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình để phát triển kinh tế và giáo dục con cái được tốt hơn. Khâm phục tấm lòng của già làng, bà con trong thôn luôn tin tưởng cậy nhờ ông tư vấn trong những vấn đề khó giải quyết, đứng ra chủ trì cưới xin, hội họp… Trước đây đoạn Quốc lộ 14 qua thôn A Rong (dưới) có nhiều thanh niên điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây mất trật tự trên địa bàn. Ông đã tổ chức họp với các già làng khác cùng người dân trong thôn, tuyên truyền vận động bà con tham gia giao thông đảm bảo an toàn, đặc biệt không uống bia rượu, phóng nhanh vượt ẩu, nhờ vậy, trong thời gian sau đó tình hình trật tự an toàn giao thông trong thôn được đảm bảo. Không chỉ luôn đi đầu làm gương và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ông Lô còn là người say mê với âm nhạc dân tộc của người Pa Kô. Sinh ra giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thuở nhỏ Hồ Lô đã có điều kiện tiếp xúc với những lời ca tiếng hát, những nhạc cụ tinh xảo của dân tộc Pa Kô như khèn bè, cồng chiêng, tù và... Ông đã tổ chức vận động thanh niên tổ chức những hội hát Xiêng (điệu hát đối đáp hẹn hò của người trẻ tuổi), Klơi Cha Chấp (điệu hát đối đáp của người lớn tuổi) để bảo tồn những câu hát của quê hương mình. Bản thân ông cũng miệt mài sưu tầm những nhạc cụ dân tộc, dùng cho những lúc hội hè tại địa phương. Bài, ảnh: MINH HIỂN - LÂM HƯNG THƠ