Xã Thuận - điểm sáng ở vùng cao
(QT) - Bây giờ đang là mùa khô, cái nắng oi nồng nơi vùng biên giới Việt – Lào không làm giảm đi nhịp điệu lao động khẩn trương của những người dân xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ông Pả Dỏ, Chủ tịch UBND xã nói với tôi rằng, dù vất vả đến mấy, bà con mình cũng phải tranh thủ thu hoạch xong sắn để chạy đua với thời gian, chỉ cần chậm một chút, nắng nhiều đất cứng lại rất khó nhổ, tỷ lệ hao hụt cao, lại thêm đây là thời điểm giá thu mua đang rất tốt, phải thu hoạch ngay để còn chuẩn bị trồng vụ mới, rút kinh nghiệm năm ngoái trồng chậm, gặp nắng hạn sắn chết hơn một nửa, bà con thất thu lại còn bị cấp trên phê bình. Ở xã Thuận nhiều năm qua cây sắn được xem là cây trồng chủ lực mang lại cuộc sống no đủ và giàu có cho không ít hộ gia đình. Trước đây sắn trồng chủ yếu để phơi khô, bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, giá cả rất bấp bênh lại tốn nhiều công sức nên diện tích mỗi năm chỉ từ 150 đến 200 ha.
 |
Chuối xuất khẩu mang về nguồn thu nhập khá cho người dân xã Thuận. |
Từ ngày Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đặt ngay ở xã Thuận, việc thu mua thuận tiện cùng với giá cả tăng cao nên người dân đã đổ xô nhau trồng sắn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Tính đến nay toàn xã đã trồng được trên 700 ha, nhà ít nhất cũng trồng được 1 ha, nhiều hộ trồng từ 5 đến 10 ha, mục tiêu phấn đấu của xã là đến năm 2015 phải đạt 1.000 ha sắn cao sản, trồng theo hướng thâm canh. Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Sang, người có thâm niên làm công tác thống kê ở xã Thuận, đọc vanh vách số liệu diện tích, năng suất, sản lượng, thậm chí anh còn biết rõ nhà nào ở bản nào trong xã năm nay thu được bao nhiêu tiền sắn, tăng giảm ra sao. Anh Sang cho biết, 3 tháng đầu năm cả xã bán được hơn 5.100 tấn sắn củ, thu về trên 11 tỷ đồng. Điều hơn hẳn của xã Thuận so với các xã vùng Lìa là việc trồng sắn của người dân ở đây đã mang tính thâm canh, nhiều hộ gia đình áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên vùng đất dốc, đầu tư đưa giống mới, đưa phân bón vào sản xuất, do đó năng suất bình quân toàn xã đạt từ 30 đến 35 tấn/ha. Ông Hồ Văn Hanh ở Bản 7, người rất có kinh nghiệm thâm canh sắn nói với chúng tôi rằng, cây sắn trồng ở vùng Lìa không khó, sắn đã có mặt ở đây từ lâu rồi, cái khác là ngày nay người dân ở xã Thuận và cả vùng Lìa không còn trồng sắn để ăn nữa, nó đã trở thành cây công nghiệp, mà với cây công nghiệp thì không thể trồng theo lối cũ, phải đầu tư thâm canh, phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và sản lượng, chất lượng. Từ lâu, người dân xã Thuận không trồng sắn theo kiểu quãng canh mà chú trọng vào thâm canh, do đó có thể diện tích của từng hộ gia đình không lớn nhưng năng suất và hiệu quả canh tác thì không nơi nào sánh được. Ông cũng cho biết thêm, nhờ có bà con dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới sống xen kẽ với dân bản mà nhiều kinh nghiệm làm ăn đã được học hỏi, chuyển giao. Trước đây người dân xã Thuận không có ý thức làm giàu, chỉ làm đủ ăn là được, nhưng bây giờ những tấm gương vượt khó, chí thú làm giàu của đồng bào Kinh đã cổ vũ người Vân kiều, Pa cô xã Thuận vươn lên. Không chỉ trồng sắn, trồng bắp mà những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này cũng được đưa vào canh tác. Cây chuối là một ví dụ cụ thể. Ngày xưa dân bản chỉ trồng chuối để ăn nhưng ngày nay, chuối đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, đem lại một nguồn thu nhập khá lớn cho người dân xã Thuận, trong đó có không ít hộ đồng bào dân tộc ít người, với trên 100 ha, mỗi năm đem về nguồn thu cho người trồng chuối hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh việc không ngừng mở rộng sản xuất, tạo nguồn thu nhập từ nhiều cây trồng có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của một xã vùng cao như cà phê, dứa, xoài, nhiều năm qua bà con dân tộc ít người ở xã Thuận đã chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, đưa một số cây trồng như ngô, đậu, gừng, nghệ vào canh tác đạt hiệu quả rất đáng phấn khởi. Nhiều hộ gia đình ở Úp Ly 1, Bản 3, Bản 7 đã có nguồn thu từ vườn đồi, phát triển chăn nuôi gia súc góp phần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Do chịu khó học hỏi, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đến nay không chỉ bà con người Kinh mà nhiều hộ gia đình đồng bào Vân kiều, Pa cô ở xã Thuận đã có cuộc sống no đủ. 70% gia đình đã có nhà cửa khang trang, 90% gia đình đã mua sắm được các trang thiết bị sinh hoạt, phương tiện đi lại đắt tiền. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, hàng năm bà con đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây dựng hạ tầng cơ sở như đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, đóng góp công sức xây dựng trạm y tế, trường học khang trang. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Thuận cũng không ngừng được nâng cao. Hiện nay những tập tục lạc hậu đang dần dần được xóa bỏ. Anh Phạm Xuân Sang cũng cho biết: “Nhờ có cơ sở vật chất đảm bảo cùng với đổi mới trong nhận thức, đa số bà con khi ốm đau đã không còn cúng bái tốn kém mà đã tìm đến cơ sở y tế để chữa trị, 100% chị em sinh đẻ đều đến trạm y tế. 98% trẻ em trong độ tuổi đã đến trường, nhiều em được gia đình đầu tư để học tiếp ở bậc học cao hơn. Bên cạnh việc học hỏi cách làm ăn, nhiều nét đẹp văn hóa giữa các dân tộc cũng được giữ gìn và phát triển. Các lễ hội văn hóa truyền thống cũng không ngừng được phát huy, việc ma chay, cưới hỏi, tết lúa mới đều được bà con tổ chức theo hướng tiến bộ và tiết kiệm. Nhiều năm nay bà con dân tộc thiểu số cũng đã quen dần với phong tục đón Tết Nguyên đán với tinh thần hết sức phấn khởi, vui tươi. Điều đó càng làm thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó đồng bào miền núi với đồng bào miền xuôi, tạo nên sức mạnh cộng đồng để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, còn không ít hộ gia đình chưa thoát nghèo nhưng xã Thuận đang trở thành điểm sáng trong định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Hướng Hóa. Bên cạnh việc đầu tư thâm canh cây sắn, cây chuối, phát triển kinh tế vườn đồi, năm nay xã Thuận đang chuẩn bị đưa cây cao su vào trồng thí điểm. Tuy là cây trồng mới và thời gian kiến thiết cơ bản khá dài nhưng sự hấp dẫn từ nguồn thu nhập to lớn mà loại “vàng trắng” này mang lại đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chủ tịch UBND xã Thuận Pả Dỏ nói rằng: “Các địa phương khác làm được thì xã Thuận cũng làm được vì người dân xã Thuận đã có thói quen thâm canh từ lâu nay”. Vượt qua gian nan thử thách, xã Thuận đang từng ngày đổi mới đi lên, cán bộ và nhân dân địa phương đang tự tin và nỗ lực phấn đấu để trở thành xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC