Khi âm nhạc chiến thắng hận thù
(TT&VH) - Mối quan hệ giữa người A rập và Do Thái ở Israel đang hết sức căng thẳng. Song gạt bỏ những mối thù địch sang một bên, năm nay lần đầu tiên Israel đã chọn một nghệ sĩ A rập làm đại diện cho nhà nước này tham gia cuộc thi Ca khúc Eurovision được tổ chức ở Moskva (Nga) vào ngày 12-16/5 tới đây.
Tạo thông điệp hòa bình, hòa giải
Đây là lần đầu tiên một cô gái Ả rập được chọn đại diện cho Israel tham gia dự thi một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất hành tinh. Chứa đựng thông điệp hòa bình và hòa giải, There Must Be Another Way đã được công chúng Israel bình chọn ngay sau khi diễn ra cuộc chiến đẫm máu ở dải Gaza. Tác giả đồng thời là nghệ sĩ trình diễn tại cuộc thi Eurovision 2009 là Mira Awad và Noa. Awad là người Israel gốc Ả rập theo đạo Công giáo. Còn Noa là người Do Thái. Họ sẽ thể hiện ca khúc bằng tiếng Anh, tiếng Do Thái cổ và tiếng A rập.
 |
Bộ đôi Do Thái-Arập Noa (trái) và Mira Awad sẽ đại diện cho Israel tham gia cuộc thi Ca khúc Eurovision 2009. |
Hiện nay, phần lớn trong số 1,6 triệu người Ả rập ở Israel về lý thuyết đều được hưởng các quyền bình đẳng, nhưng hiếm khi được hòa nhập một cách trọn vẹn với xã hội Israel. Vì vậy, sau khi công bố Awad nằm trong bộ đôi tham gia cuộc thi Eurovision năm nay đã có rất nhiều người tán thành và coi đây là biểu tượng cho sự chung sống hòa bình trong thời điểm mà các mối quan hệ giữa người A rập và Do Thái đang cực kỳ căng thẳng. Song đây không phải là lần đầu tiên Israel cử đại diện là người thiểu số tham gia Eurovision. Năm 1998, Dana International (người Do Thái gốc Yemen, tên thật là Sharon Cohen), đã chiến thắng trong cuộc thi này với ca khúc Diva và trở thành nghệ sĩ chuyển đổi giới tính đầu tiên giành giải Nhất cuộc thi. Nghệ sĩ dòng soul Eddie Butler đại diện cho Israel tham gia Eurovision 2006 tổ chức ở Athens (Hy Lạp) cũng là một người Do Thái gốc da màu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sau cuộc chiến ở dải Gaza và cuộc bầu cử mới đây của cánh hữu, thì việc lựa chọn một đại diện người A rập tham gia cuộc thi âm nhạc lớn này dường như nhắc nhở thêm rằng “mọi người dân Israel không còn lựa chọn nào khác mà hãy tiếp tục đối thoại vì hòa bình”, Awad – hiện là ngôi sao sân khấu kiêm truyền hình đang nổi sinh ra trong một gia đình có cha là người Israel gốc A rập và mẹ là người Bungary, khẳng định. Từng bị chỉ trích dữ dội Ngoài việc là biểu tượng hòa bình cho đất nước, đối với Noa và Awad Eurovision 2009 còn là một cột mốc trong sưu nghiệp của họ. Sinh ra ở phía Nam Tel Aviv nhưng sống ở New York City cho đến cuối những năm tuổi vị thành niên, Noa (tên thật là Achinoam Nini) đã lấy âm nhạc của mình làm cầu nối các biên giới giữa người A rập và Do Thái. "Tôi thường làm việc với các ca sĩ A rập từ Leban và Algeria, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng hát bằng một ngôn ngữ chung”, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc từng trình diễn với các nghệ sĩ lớn như Sheryl Crow và Sting, cho biết. “Âm nhạc tạo nên nền tảng cho các thông điệp và tôi nghĩ nền tảng đó nên được thúc đẩy”. Chính vì vậy mà Noa, ban đầu được chọn là ca sĩ duy nhất đại diện cho Israel tham gia Eurovision 2009, đã khăng khăng phải có Awad cùng cô tới Moskva tham gia thi. Tuy nhiên ban đầu sự kết hợp của hai nghệ sĩ lập tức đã bị các nhóm người Do Thái và A rập phản ứng dữ dội. Các nhà chức trách văn hóa người Israel gốc A rập đã chỉ trích Awad thậm tệ khi cô nhận lời tham gia nhân danh nhà nước Israel đúng thời điểm cuộc chiến ở dải Gaza diễn ra hết sức ác liệt. Còn Noa thì bị công kích bởi đã kêu gọi người dân ở dải Gaza hãy giải phóng lãnh thổ của mình ra khỏi sự kiểm soát của Hamas. "Tôi hiểu được cảm xúc đằng sau những lời chỉ trích đó, nhưng không còn cách nào khác. Tôi phải quyết tâm”, Awad nói. "Eurovision là cơ hội để một người dân Palestine ở Israel như tôi trở thành một phần trong sứ mệnh của đất nước này”. Giờ đây đã sẵn sàng chờ đến ngày lên đường tới Moskva tham gia cuộc thi, Awad hết sức lạc quan và thực tế: "Tôi không quá chú trọng tới việc dành chiến thắng vì chúng tôi đã tạo được thông điệp qua âm nhạc”. Lương Tuấn Vĩ