Kỷ vật trở về
(QT) - Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, hàng trăm đoàn cán bộ của ta đã bí mật vào Nam đi B. Tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, họ để lại tài liệu, tư trang, hành lý, thư từ… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Mới đây, vào những ngày tháng Bảy lịch sử, giữa đất trời Thành Cổ, những cán bộ đi B năm xưa và thân nhân của họ nhận lại kỷ vật của một thời máu lửa trong niềm xúc động trào dâng.

Kỷ vật trở về

(QT) - Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, hàng trăm đoàn cán bộ của ta đã bí mật vào Nam đi B. Tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, họ để lại tài liệu, tư trang, hành lý, thư từ… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Mới đây, vào những ngày tháng Bảy lịch sử, giữa đất trời Thành Cổ, những cán bộ đi B năm xưa và thân nhân của họ nhận lại kỷ vật của một thời máu lửa trong niềm xúc động trào dâng.

Thân nhân nhiều cán bộ đi B bật khóc khi nhận lại kỷ vật của chồng, cha, anh em mình

Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng ông Ngô Kiến Tiếu (sinh năm 1935), trú tại khu phố 8, phường 1, thành phố Đông Hà vẫn cố gắng vào Thành Cổ Quảng Trị tham dự buổi lễ bàn giao kỷ vật đi B và khai mạc triển lãm “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”. Đây là sự kiện mà ông Tiếu đã chờ đợi từ lâu. Ngồi ở hàng ghế đầu, lắng nghe lời tâm sự của các đại biểu, ông Tiếu như sống lại một thời trai trẻ. Năm 1964, nhận được chủ trương của cấp trên, ông Ngô Kiến Tiếu viết đơn tình nguyện đi B. Người lính ngày đêm cầm súng bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời cùng một số anh em khác bí mật vượt sông Bến Hải để vào huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa… cùng cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động người dân trừ gian, diệt tề, phá ấp chiến lược… “Chúng tôi ra đi một cách tình nguyện, bí mật, để lại mọi tài liệu, tư trang, hành lý, thư từ… Sau này, trải qua bom đạn, rồi đến ngày hòa bình, tôi cũng như nhiều anh em khác nghĩ rằng, những kỷ vật ấy có lẽ không còn. Thật bất ngờ, kỷ vật của chúng tôi vẫn được gìn giữ suốt hàng chục năm. Nhận lại kỷ vật của mình, tôi không thể diễn tả hết sự xúc động”, ông Tiếu chia sẻ.

Cũng giống như ông Ngô Kiến Tiếu, chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1970), trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh rất xúc động xen lẫn sự ngạc nhiên khi nhận được giấy mời tham dự buổi lễ nói trên. Suốt mấy hôm trước ngày vào thị xã Quảng Trị dự buổi lễ, chị Phương không ngủ được vì lúc nào những câu chuyện mà mẹ kể về ba cũng cứ hiện lên trong tâm trí. Ba chị Phượng là liệt sĩ Nguyễn Hữu Tân, hy sinh năm 1972 tại Cam Lộ. Lúc ba ngã xuống vì Tổ quốc, chị Phượng mới 2 tuổi. Một mình mẹ chị vừa tảo tần nuôi 4 người con, vừa tham gia dân quân du kích. Bản thân bà và bốn anh em chị Phượng không biết rằng, trước khi đi B, chồng, ba mình đã để lại một số kỷ vật. Nhận được món quà của người ba kính yêu để lại, chị nghẹn ngào: “Từ trước đến nay, tôi và các anh em trong nhà rất buồn khi không giữ lại nhiều kỷ vật của ba. Giờ nhận được những kỷ vật này, tôi rất vui. Anh em chúng tôi và con cháu sau này sẽ luôn tự hào về người ba, người ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước”.

Trong số các cán bộ lên đường đi B, không ít người đã anh dũng hy sinh trong khói lửa chiến tranh, cũng có người qua đời vì tuổi cao, sức yếu sau ngày hòa bình. Nhiều người không biết rằng, những kỷ vật mình để lại trước khi đi B. được Ủy ban Thống nhất Chính phủ cất giữ rất cẩn thận. 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tiếp quản khối hồ sơ kỷ vật này từ Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang lưu giữ khoảng 720.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, trong đó có gần 56.000 hồ sơ đã được sắp xếp khoa học, xác định được địa chỉ. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, cho biết: “Chúng tôi luôn nhận thức rằng, hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn. Không chỉ lưu lại thông tin cá nhân và quá trình chiến đấu của các cán bộ đi B, đây còn là một nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu quý giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán. Với mong muốn cán bộ đi B, người thân sớm biết được thông tin về hồ sơ cán bộ đi B và nhận được hồ sơ để cá nhân, thân nhân gia đình làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách, chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ đi B đăng tải trên Công thông tin Điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Cùng với đó, bộ phận chuyên tiếp nhận và phục vụ mọi nhu cầu về thông tin hồ sơ của cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được thành lập để phục vụ tốt nhu cầu tra tìm của nhân dân cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng”.

Tại buổi lễ bàn giao kỷ vật của cán bộ đi B và khai mạc Triển lãm “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”, 23 bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được trao tận tay chủ nhân hoặc người thân. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn tìm được giấy tờ để làm các thủ tục chính sách, chứng minh thế hệ cha anh của mình đã sống, chiến đấu vì độc lập của dân tộc. Bà Đặng Thị Điều (sinh năm 1931), trú tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng tâm sự: “Tôi đến đây để nhận hồ sơ, kỷ vật của em trai mình. Tập giấy tờ này đối với một số người là không có giá trị nhưng với gia đình tôi lại rất quý giá. Sau này, con cháu chúng tôi sẽ không còn gặp vướng mắc khi đi làm các hồ sơ, thủ tục”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thức, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận 3.049 hồ sơ cán bộ đi B từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Đây là nguồn tư liệu lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh. Ngoài 23 hồ sơ, kỷ vật vừa được bàn giao trong buổi lễ vừa qua, những hồ sơ còn lại sẽ được Sở Nội vụ chuyển cho các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức trao cho cán bộ hoặc thân nhân cán bộ đi B.

Tây Long