Sống cùng với đất
(QT) - Tôi đã đi trên con đường này đôi ba lần, đường 75, đoạn nối quốc lộ 1A từ thị trấn Gio Linh (Gio Linh, Quảng Trị) đi qua vùng miền tây huyện đến tận Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Lần đầu tiên vào những năm 1985, tôi từ Huế ra dự đám cưới anh Sắt - chị Quế ở cùng cơ quan. Sợ tôi tìm đường khó khăn, chị Quế cứ dặn đi dặn lại: Em ra thị trấn Gio Linh, hỏi đường 75 và cứ theo đường đồi đi thêm tám cây số nữa là đến đất Gio An. Xuống ô tô, tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng đi giữa một vùng đồi trống huơ trống hoác, lâu lâu lại bắt gặp một vài bụi lau lách, sim mua và những cụm dây thép gai bùng nhùng sợ đến nổi cả da gà. May sao đi từng quãng lại gặp trẻ chăn trâu và các cháu là những người dẫn đường cho tôi. Đến những năm 2000, cây cao su từ chỗ thua lỗ đang bắt đầu có lợi nhuận, tôi lại có dịp đi trên con đường này, ra viết bài về nhà máy chế biến mủ cao su, khi nhà máy vừa lắp đặt thêm dây chuyền công nghệ chế biến mủ hiện đại từ Malaixia về. Lúc này, các Nông trường cao su Cồn Tiên, Nông trường cao su Trường Sơn ổn định trở lại, đời sống công nhân được cải thiện dần từ lúc công ty chuyển giao cho công nhân quản lý cao su bằng mô hình “khoán hộ”. Và lần này, tôi trở về vì lời nhắc của nhà báo Lâm Quang Huy: “Chị Mượn nhắn chị về chơi hoài…”. Vừa mắc nợ bạn bè, cùng sự dẫn dụ của một vùng quê đưa tôi về lại nơi này. Mỗi lần vậy, lòng tôi lại trào dâng những tình cảm ruột rà.
 |
Thu hoạch mũ cao su ở miền Tây Gio Linh - Ảnh: TT |
Dông dài một chút, bởi lần này trở lại không giống như những lần trước, vùng đồi đầy lau lách, dây thép gai tôi qua ngày nào đã nhường chỗ cho những lô cao su xanh mát hút tầm mắt. Con đường đá sỏi mà trước kia chị Quế dặn dò để tìm về giờ được rải nhựa đen bóng, kéo dài nối với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhắc để nhớ lại một thời chiến tranh đạn bom khốc liệt, nhân dân vùng miền tây Gio Linh, trong đó có nhân dân Gio An đã kiên cường, anh dũng sống chết vì mảnh đất quê hương. Một xã nhỏ chỉ vẻn vẹn 2711 héc ta đất với hơn ba ngàn dân trong mấy năm trời đã bị cày xới tung tóe trong khói lửa chiến tranh. Vùng đất ấy được lịch sử xã ghi lại: Là nơi tập kết quân và triển khai những mũi tấn công trên toàn địa bàn của quân giải phóng Mặt trận B5. Vùng đất ấy cũng được huyện Gio Linh chọn làm căn cứ của huyện, bị bom Mỹ chà đi xát lại không còn một dấu tích. Nhân dân Gio An phải đương đầu với một lực lượng địch đông, với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Tháng 5 /1967, trước sự càn quét điên cuồng của giặc Mỹ, ta chủ trương đưa dân sơ tán ra Bắc, thực hiện vườn không nhà trống, giảm tổn thất cho nhân dân. Nào ngờ kế hoạch bị địch phát hiện nên đã tập trung lực lượng dồn dân vào trại tập trung. Nhân dân không cam chịu đã tổ chức vượt tuyến. Và cái ngày đau thương 20/5/1967 ấy đã đến, địch cho máy bay ném bom đánh pháo vào giữa sông trong lúc nhân dân đang vượt sông để ra miền Bắc. Máu và thây người đỏ cả dòng sông. Ngày đau thương đó, giặc Mỹ đã giết hơn 500 dân thường của xã Gio An. Gio An trở thành vùng trắng không dân, chỉ còn 96 cán bộ đảng viên và du kích tập trung ở 2 thôn An Nha và Phường Xuân để kìm chân giặc. Một trăm phần trăm nhà cửa bị phá hủy, song tuyệt nhiên kẻ thù không thể hủy diệt nổi sự sống. Người chết tìm về với đất, người sống cũng lặn vào đất mà tồn tại để chiến đấu và chiến thắng. 96 cán bộ, chiến sĩ, du kích càng kiên gan, quyết tâm giữ đất quê bằng “Bám thắt lưng giặc mà đánh”; đề ra khẩu hiệu có tính mệnh lệnh: “Dỡ nhà làm hầm trú ần”, “Nhà che nắng che sương, hầm che xương che thịt”; “Một tấc không đi, một ly không rời”; “Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh tan giặc Mỹ cực chừ sướng sau”… Biết bao nhiêu người con ưu tú của quê hương Gio An, của mỗi vùng miền trên đất nước đã ngã xuống để giữ lấy mảnh đất này. Đồng chí Trương Thanh Hải, xã đội trưởng, đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh kịp lắp lê đâm chết 5 lính Mỹ trước khi gục xuống dưới gốc đa làng. Hay anh hùng Cao Như Thiêm bị thương vào tay, vẫn anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh bởi loạt đạn của quân thù, gửi lại lời thề và niềm tin vào thắng lợi: “Việt Nam nhất định thắng”, “Hồ Chí Minh muôn năm”… Quê hương sạch bóng quân thù. Nhưng cái giá của độc lập, tự do đó đã phải đổi bằng “một tấc non sông, một dòng máu đỏ” của nhân dân. Máu xương, nước mắt, mồ hôi của nhân dân Gio An đổ xuống trong chiến tranh đang được đền đáp. Nhân dân đang ngày càng nhanh nhạy nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để mở hướng đi cải thiện đời sống, từng bước làm giàu. Họ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá trong cách làm ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là từ khi có Nghị quyết 03 của huyện Gio Linh về phát triển vùng kinh tế gò đồi, triển khai các dự án 327, cao su tiểu điền, thì vùng đất này cây cao su đã làm đổi đời người dân ở đây. Những năm gần đây, xã Gio An có nhiều ngôi biệt thự mọc lên, điều đó nói lên rằng thu nhập từ trang trại, từ cây cao su đã đưa cuộc sống của người dân ngày càng khá giả hơn. Trên mảnh đất từng được mệnh danh là “vành đai trắng” với ngổn ngang bom đạn này, những người cựu binh năm xưa và hôm nay trong gian khổ, khó khăn càng sáng lên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ với những nước mơ táo bạo đã lập nên những trang trại phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, cho xã hội. Họ biến những vùng đất, đồi trọc ở miền tây Gio Linh thành những cánh rừng xanh bát ngát, tận dụng được nguồn tài nguyên dồi dào từ lòng đất. Trang trại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Luyện và chị Nguyễn Thị Gái ở thôn An Hướng là trang trại lớn nhất và là một trong những trang trại đầu tiên ở Gio An. Sau hai mươi năm lăn lộn, trang trại của anh hiện có hàng chục héc ta rừng, cao su, hàng chục ngàn gốc hồ tiêu, chăn nuôi gia súc gia cầm và hơn 10 công nhân phụ việc. Những năm đầu, anh đầu tư vào cây tiêu và trúng đậm. Sau này, khi cây cao su lên giá, anh đầu tư trồng 5 hec ta, còn lại trồng sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá. Đặc biệt, anh đã dám đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ngay từ khi mới lập trang trại. Cho đến bây giờ, ở Gio An chỉ duy nhất trang trại của anh có điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chúng tôi đến khi anh đang chuẩn bị chở chén hứng mủ cao su mua từ Đồng Nai ra lô. Lô cao su của anh chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên. Sau vườn nhà ở trang trại của anh là hồ nuôi cá. Dưới hồ, từng đàn cá trắm, cá rô phi đang đua nhau tung tăng, vùng vẫy những vũ điệu của tạo hóa. Mùi thơm của ngọn khói đồng, mùi tanh của cá, của tôm và mùi nồng nồng của bùn đất dậy lên màu của ấm no, tạo nên khung cảnh thân thương, yên ả của một vùng đồng bằng. Hàng năm, gia đình anh thu từ trang trại hơn nửa tỷ đồng. Năm 2005, anh đã từng được báo cáo điển hình về gương làm ăn giỏi của huyện, của tỉnh. Ngôi biệt thự đẹp nhất ở trung tâm xã của anh vừa xây xong, chính nhờ từ những giọt nước mắt, mồ hôi một nắng, hai sương mà có được. Câu chuyện làm ăn của anh Luyện chỉ là một trong hàng ngàn cách làm giàu của các chủ hộ trang trại nơi đây. Hàng năm, trang trại của họ thu lãi ròng từ hai đến ba trăm triệu đồng. Đứng ở trang trại anh Nguyễn Văn Luyện nhìn về phía trước mặt là trang trại của các anh Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Thanh Liêm. Vòng về An Nha phía hồ Kinh môn là trang trại anh Ngô Văn Hương, chị Nguyễn Thị Nga… Trong một buổi sáng yên lành, hình ảnh tấp nập của người gặt lúa, những chú bò say sưa gặm cỏ, núi đồi nhấp nhô trên nền xanh vô tận của cây cao su đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ngày ngày, những người nông dân ở đây, các anh, các chị đang mải miết như con ong cái kiến, tích cóp những đồng tiền từ những giọt mồ hôi khuya sớm, nhọc nhằn để có hạt cơm bạc, cơm vàng no ấm. Những tháng ngày cùng vui buồn, ăn ở với đất, họ biết rằng không gì giàu bằng đất. Đêm đêm, họ lắng nghe tiếng đất thì thầm trăn trở. Đất như vươn vai đứng dậy cùng những người dân đi trong khát vọng, ước mơ đổi đời. Giữa vùng đồi chỉ có lau sậy, sim mua và bom mìn còn sót lại trong chiến tranh, không ai dám nghĩ đến một ngày nào đó mình được sở hữu những chiếc xe máy, những chiếc điện thoại di động, xây lên những ngôi nhà khang trang. Thế mà giờ đây, ước mơ đó đã trở nên quá đỗi bình thường, như là những nhu cầu sinh hoạt bình thường của nhân dân. Nhiều gia đình có cao su có thể mua xe máy hàng chục triệu đồng để con em đi học trường huyện không khó khăn. Những người nông dân ở đây đã gắn chặt cuộc đời mình vào mảnh đất này, cùng hòa lẫn với bao mồ hôi và hy vọng xen lẫn đắng cay để có được những thành quả từ lao động mồ hôi, công sức của mình. Vợ chồng anh chị Trần Bình, Trương Thị Thân có chút đặc biệt hơn những người khác. Chị là kế toán Nông trường Trường Sơn, những năm trước đây cao su đang rớt giá, chị xin về, tự bỏ tiền đi học đại học. Bây giờ là chị là cử nhân y tế, đảm nhận chức Trạm trưởng Trạm y tế xã. Ông chồng vừa là một cán bộ xã năng động, vừa là một nông tri điền tài năng. Trang trại của anh chị thật đẹp. Anh lập trang trại từ năm 2001. Với 5 héc ta đất, anh trồng 2 héc ta cao su, 1 héc ta sắn và 2 héc ta trồng cây tràm, bạch đàn. Cao su của anh đã cho thu hoạch. Mỗi ngày anh có vài trăm ngàn đồng tiền thu từ mủ cao su, phụ thêm vào đồng lương cán bộ xã để nuôi hai đứa con một trai, một gái đang học đại học tại Đà Nẵng. Trần Bình dẫn tôi leo đồi, lội khe hết trang trại này đến trang trại khác. Đến trưa nắng đã trên đỉnh đầu, tôi và anh mới về đến trang trại của mình. Anh kể, từ năm 2004, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy cày về cày đào hồ nuôi cá. Nhưng rồi không có nhân lực, anh đã tháo nước hồ cá để hoang hóa gần hai ha đất. Anh tâm tình rằng, muốn nghỉ công việc ở xã để đầu tư “chiến lược” cho mai sau từ trang trại này mà chưa đành. Từ một cán bộ văn phòng, giờ anh chuyển qua phụ trách công tác văn hóa xã. Vì bận công việc, anh không có thời gian chăm sóc trang trại. Ẩn sâu trong những việc làm bình dị của anh là niềm vui được góp sức cùng nhân dân xã xây dựng cuộc sống yên bình, ấm no. Anh nói: Ở đời người có yêu cây, cây mới cho hoa thơm trái ngọt. Có yêu nước, nước mới cho con tôm con cá, có yêu đất, đất mới cho mùa màng màu mỡ. Ấy là nhân quả. Trang trại của tôi còn thế này là vì tôi chưa hết lòng vì nó, chưa đầu tư thích đáng cho nó. Sau này, khi nghỉ công việc ở xã rồi, tôi sẽ đầu tư trang trại của mình thành “khu trang trại sinh thái”, mời gọi anh em bạn bè về chung vui. Và khi đã bỏ công sức ra ra làm một việc gì đấy, thấy được thành quả lao động của mình thì thật không hạnh phúc nào bằng. Tôi hiểu những trăn trở và ước mơ làm giàu từ đồng đất hương của một chiến sĩ quân báo năm xưa. Với khả năng của mình, anh có thể xin vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, hay một doanh nghiệp nào đấy, nhưng anh đã ký thác về với đồng đất quê mình. Với niềm tin và tình yêu quê hương mãnh liệt, bằng quyết tâm và việc làm cụ thể, anh đã đánh thức từng thước đất hoang, trở thành khu trang trại có hình hài, diện mạo, cốt cách sau gần 10 năm lăn lộn. Nhìn anh cầm cuốc lật lên những thớ đất thẫm tươi, mồ hôi ròng ròng nhỏ xuống, tôi thấy ở anh toát lên sự năng động, bình dị. Những giọt mồ hôi của anh đổ xuống thấm vào đất đai, thấm luôn cả sức người bền chặt của anh gắn với đất. Đất mang dấu ấn con người, đất đã hồi sinh. Và tôi thầm nghĩ rằng, anh Bình thật sung sướng. Sau mỗi lần xong công việc ở xã trở về nhà, anh lại xắn quần, lên xe máy lội về trang trại, anh trở về với chính mình để hít thở không khí trong lành và thảnh thơi, không bon chen xô bồ như ở phố thị. Sự mệt mỏi của thể xác dần dần nhường chỗ cho niềm vui gom nhặt trên đồng đất quê hương. Khi ngồi nghỉ ở lán giã chiến ở trang trại, anh nói về cây cao su với một niềm say mê và bằng kiến thức học hỏi được như một kỹ sư nông nghiệp vậy: Cây cao su chỉ được thu hoạch 9 đến 10 tháng, còn lại là những tháng mưa. Không được thu hoạch trong những tháng mưa này vì đây là thời gian cây rụng lá, nếu thu hoạch vào mùa này cây sẽ chết. Cao su sinh trưởng bằng hạt. Hạt đem ươm cây non, trồng đến 5, 7 tuổi có thể khai thác mủ và kéo dài vài ba chục năm. Việc cạo mủ cao su rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới thời gian và lượng mủ mà cây có thể cung cấp. Bắt đầu cạo mủ khi thân cây có chu vi khoảng 50 cm. Phải cạo mủ từ trái sang phải ngược với mạch mủ cao su, độ dốc của vết cạo từ 20 đến 30 độ. Vết cạo không sâu quá 1,5cm và không để chạm vào tầng sinh gỗ làm võ cây không thể tái sinh. 7-8 giờ sáng là thời gian thích hợp nhất để cạo mủ. Anh nói, đó là những kiến thức sơ đẳng nhất về cây cao su mà những người trồng cao su phải biết. Buổi tối, chúng tôi ra quán Cà phê Nét xưa của chị Lan nhâm nhi từng giọt cà phê đắng trong tiếng nhạc du dương, thấy mình như đang trôi trong sự ồn ào của phố thị. Rồi đây không xa nữa, sẽ hiển hiện một phố thị nơi miền tây Gio Linh. Tôi nói với Trần Bình: Gio An sắp vượt phố thị Đông Hà rồi. Khoảng chừng dăm ba năm nữa Gio An sẽ thành làng tỷ phú. Điều đó thực sự trong tầm tay mà không dễ gì nơi nào cũng có được. Anh gật đầu đồng ý. Trong mắt anh ánh lên niềm tự hào về quê hương cật ruột của mình. Rồi ngày cũng lẳng lặng trôi đi. Một đêm ngủ tại làng An Bình. Một ngày rong ruổi cùng anh bạn văn, ngắm nhìn quê hương xứ sở. Đi qua những thớ đất đỏ tươi màu máu, qua những lô cao su tiếp nối cao su hút xanh tầm mắt. Người thu hoạch, người cân đong đo đếm, từng xe công nông, xe bò của những người thu mua mủ cao su đang chở no ấm đi theo. Tôi nhìn ngắm mỗi nhành non nhú lên mơn mởn từ cây cao su và nghĩ rằng, đó chính là hy vọng và niềm tin đang nhen nhúm lên trong lòng mỗi người dân Gio An. Và tôi hiểu, con người ở mảnh đất này đã biết sống tận cùng với đất nên đất đã không phụ lòng họ. Làng An Bình, tháng 7 năm 2011 NGUYỄN THÚY SÂM