Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất- một giải pháp, nhiều hiệu quả
Mấy năm trở lại đây, tình trạng khiếu nại về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hôi cũng như cản trở sự phát triển kinh tế ở địa phương. Nguyên nhân là do công tác quản lý sử dụng đất của cấp có thẩm quyền chưa chặt chẽ, thậm chí có biểu hiện tiêu cực trong việc cấp đất. Trong lúc đó, giá trị của đất ngày càng được nâng lên, nhất là các địa phương có dự án như phát triển mạng lưới giao thông, xây dựng nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp thì tình trạng khiếu nại về tranh chấp đất đai càng nhiều, vượt cấp, kéo dài. Vụ việc của ông Trương Quốc Tuân, ở thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) là một ví dụ. Năm 1993, ông được Nông trường Quyết Thắng giao 15.500 m2 đất trên đồi Cơ khí thuộc thị trấn Bến Quan. Sau khi nhận đất, ông Tuân đã thực hiện đúng theo qui định của Nông trường. Đến năm 1999, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, đất của ông được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục cấp đất, phòng Địa chính huyện (nay là phòng Tài nguyên và Môi trường) và UBND thị trấn Bến Quan không kiểm tra thực địa nên đã cấp sai vị trí mặc dù diện tích đất vẫn đủ. Theo ông Tuân, diện tích vẫn đủ là do phòng Địa chính cộng thêm diện tích đất của khe suối không sử dụng được, phần diện tích còn lại khoảng 1200 m2 giáp đường Hồ Chí Minh lại bị trừ ra. Diện tích này bị một hộ dân ở liền kề lấn chiếm sử dụng. Ông đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng như chính quyền thị trấn, UBND huyện và Toà án nhân dân huyện Vĩnh Linh hơn 10 năm nay nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Mới đây, sau khi tiếp nhận đơn của ông, Tổ tiếp dân UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp hướng dẫn các thủ tục cần thiết để ông gửi lên Toà án nhân dân huyện giải quyết theo qui định của pháp luật.
 |
Tổ tiếp dân của UBND tỉnh làm việc với các công dân có đơn thư khiếu nại, tố cáo. |
Trường hợp gia đình bà Phạm Thị Xê, phường 4, thị xã Đông Hà gửi đơn lên các cấp chính quyền trong tỉnh khiếu nại về vụ chính quyền phường 4, thị xã Đông Hà ép ông Nguyễn Văn Thắng là chồng của bà, hơn 70 tuổi đã bị bệnh u não 2 năm nay ký vào bản đồ địa chính để tiến hành các thủ tục thu hồi đất xây dựng trường học. Đây là mảnh đất do gia đình ông Thắng khai phá từ trước năm 1975 và sử dụng đến năm 2003 thì chuyển nhượng cho một người khác. Trong thời gian sử dụng, ông Thắng nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong cuộc họp xét duyệt cấp GCNQSDĐ năm 2003, hội đồng cấp đất phường 4 đã xác nhận diện tích đất này phù hợp với khu dân cư và được phép làm nhà ở, đề nghị cấp thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ cho ông Thắng. Tuy nhiên, đến năm 2003, ông Thắng chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Tăng Diễm, khu phố 10, phường 5, thị xã Đông Hà để làm nhà ở cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Tuy ở xã Cam Hiếu, Cam Lộ. Từ đây, ông Diễm làm một số thủ tục chuyển nhượng đất và xin đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được cấp thẩm quyền chấp thuận. Do bức xúc về nhà ở, sau khi chuyển nhượng, ông Diễm đã xây dựng nhà cho mẹ để ở. Điều đáng nói là, ngày 20/8/2003, Sở Xây dựng có chứng chỉ qui hoạch số 687 xác định đây là đất khu dân cư, dùng để xây nhà, nhưng trong chứng chỉ qui hoạch số 88 ngày 5/1/2007, Sở Xây dựng lại khẳng định đây là khu đất xây dựng công trình công cộng mà cụ thể là xây dựng trường THCS Đường 9. Do xác định lại chủ sử dụng đất để tiến hành làm các thủ tục thu hồi đất, chính quyền phường 4 đã ép ông Thắng (lúc này gia đình ông Thắng đi làm, chỉ có đứa cháu rất nhỏ ở nhà) ký vào bản đồ địa chính. Sau khi bị các cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền phường 4 làm rõ nội dung đơn của bà Phạm Thị Xê vợ ông Thắng nên UBND phường 4 đã có cuộc họp với sự có mặt của ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND phường 4 (là người bị gia đình ông Thắng tố cáo) khẳng định, từ nay, ông Thắng không còn liên quan đến lô đất nói trên. Như vậy, việc ông Diễm mua đất có nguồn gốc rõ ràng (đất do ông Thắng khai phá từ trước năm 1975) thì nay coi như ông Diễm tự ý khai hoang lô đất trên một cách bất hợp pháp. Đây là 2 trong số hàng trăm vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, phòng tiếp Công dân của tỉnh và huyện đã tiếp 240 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trong đó riêng phòng tiếp Công dân của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp tiếp là 108 người, hầu hết đều liên quan đến tranh chấp đất đai. Số vụ khiếu kiện tập thể đông người khá nhiều, trong đó có vụ gồm 8 chị em phụ nữ ở thôn Trung Long, xã Triệu Ái (Triệu Phong) phản ánh việc tranh chấp đất ở dự án kinh tế mới tây Triệu Phong nhưng các cấp chính quyền địa phương giải quyết không thấu tình đạt lý; vụ 4 người ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh phản ánh việc ông chủ nhiệm HTX Kinh Môn đồng ý lấy đất trồng rừng của xã viên giao cho Công ty TNHH Đức Phương trồng rừng, chăn nuôi gia súc gây bức xúc trong nhân dân... Theo luật sư Võ Đình Minh, Đoàn Luật sư Quảng Trị, hầu hết những gia đình xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai thì kinh tế ngày càng kiệt quệ, tình làng nghĩa xóm mất mát nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành điểm nóng nếu không được giải quyết dứt điểm. Trước tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng, ông Võ Trưc Linh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường yêu cầu, cấp thẩm quyền khi ra quyết định cấp đất phải hết sức thận trọng, nhất là tính đến yếu tố quy hoạch lâu dài để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đó. Những trường hợp cấp sai phải cương quyết xử lý vừa đảm bảo kỷ cương phép nước, vừa củng cố niềm tin cho nhân dân. Do đó, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn khiếu nại tố cáo của nhân dân, Sở kịp thời tiến hành kiểm tra và đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm theo qui định của pháp luật. Đặc biệt, nhờ có dự án cải cách hành chính về thủ tục đất đai nên đã có nhiều địa phương tổ chức tốt việc nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa". Viêc làm này, từng bước giảm phiền hà cho các tổ chức, cá nhân, chống được tình trạng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của một bộ phận cán bộ công chức, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan giải quyết về đất đai như văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các phòng, ban chuyên môn của ngành Tài nguyên và Môi trường, chi cục thuế được liên thông thuận lợi. Việc phân định thẩm quyền đó đã làm cho cán bộ công chức trong từng lĩnh vực nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của mình khi xử lý công việc, từng bước làm tốt công tác quản lý sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển. Bài, ảnh: NV