Về giữa đất trời Trường Sa (Bài cuối)
Bài cuối: Vững tin nhiều khi đã gặp nhau đây... (QT) - -Anh quê ở đâu ạ? -Hải Phòng -Ra đảo lâu chưa anh? -Đổ đồng chừng ba năm -Ba năm? -Ơ, đồng chí này, có gì mà ngạc nhiên thế? -Ba năm ở đất liền thì không nói làm gì, nhưng ba năm ở Trường Sa... -Đồng chí quê ở đâu đấy, Quảng Bình hay Quảng Trị? -Quảng Trị - Có đồng hương đồng chí ở đảo Nam Yết, 7 năm bám trụ ở Trường Sa, làm đảo trưởng, cụm trưởng của 5 đảo tiền tiêu đấy. Có anh người Thanh Hóa, đồng hương với vợ mình, ngót chục năm lăn lộn trên các đảo chìm, nhà giàn DK1 đấy. So với các anh ấy, mình nào đã bỏ bèn gì... -Nhưng anh cũng đã là cựu binh của quần đảo Trường Sa rồi. -Đi xây đảo, giữ biển của đất nước mình, tính năm, tính tháng làm gì...
 |
Vững vàng giữa vùng biển, đảo Trường Sa |
Tôi muốn ngồi xuống cầu tàu đảo Sơn Ca trong chốc lát nữa để ngắm khuôn mặt rám nắng, nghe giọng nói ngang tàng như sóng biển của người lính công binh đến từ đất Cảng nhưng anh đã lội ào xuống biển, ra tận chân công trình, hòa vào bóng áo xanh của những người xây đảo. Đảo Sơn Ca, mới ban sáng thôi, trời đã đanh lại, nắng như xối lửa. Đảo đang được xây dựng thêm những công trình mới. Những người lính công binh Trường Sa đang làm công tác chuẩn bị. Họ không làm việc theo thời gian mà theo từng con nước. 11 giờ trưa, con nước xuống, người lính công binh trần mình ra giữa nắng gió vác đá, xây đảo. 15 giờ, con nước lên, họ vào bờ nghỉ ngơi. Điều gì đã làm nên nghị lực phi thường và một niềm tin son sắt ở những người chiến sĩ đang ngày đêm xây dựng và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc mà tôi đã gặp? Dường như không khó khăn nào làm họ sờn lòng, kể cả lúc giữa chang chang nắng, tảng bê tông đè nặng trên vai, chân dò dẫm giữa sắc buốt rạn san hô, nước mặn chát ngập ngang thắt lưng, muối biển và muối từ mồ hôi người dày cộm thịt da, khi trở vào bờ, các anh vẫn nhường cho chúng tôi uống trước cốc nước mát cho kịp về tàu. Tôi lại nhớ câu nói của người lính công binh nơi cầu tàu ban sáng, họ quên tháng, quên năm, tính thời gian theo tiến độ những công trình nơi biển, đảo của Tổ quốc. Câu nói quá dung dị mà mang một chiều kích khác thường, bộc lộ hết thảy tính kiên định của những người lính Cụ Hồ nơi đầu sóng, ngọn gió.
Tin, bài liên quan: |
>>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 1) >>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 2) >>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 3) >>> Giữa Trường Sa vang tiếng trẻ con cười... >>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 4) >>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 5) >>> Về giữa đất trời Trường Sa (Bài 6) |
Có đặt chân lên quần đảo Trường Sa mới cảm nhận được cuộc vận động “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc” đã có sức lan tỏa mãnh liệt, sức thu hút lớn lao và đem lại hiệu quả hết sức thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn biển, đảo của đất nước. Trong chuyến công tác lần này, Quân chủng Hải quân phối hợp với đoàn công tác thành phố Hà Nội tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đảo Tốc Tan B. Đây là món quà có ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây tặng với vốn đầu tư 27 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tại đảo chìm Đá Tây B, một công trình nhà văn hóa đa năng cũng vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ và bà con ngư dân. Công trình do Ngân hàng Quân đội tài trợ với số vốn 20 tỷ đồng, khởi công vào tháng 6 năm 2012 và hoàn thành vào tháng 1/2013 do Công ty xây dựng công trình Tân Cảng trực tiếp thi công trên diện tích 1.945 m2. Các nhà văn hóa đa năng, nhà cộng đồng được xây dựng trên các điểm đảo không chỉ phục vụ cho bộ đội mà còn giúp ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ có chỗ dừng chân nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục, thể thao. Trong phòng khách trên tàu HQ-561, nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng, chủ tiệm phở Ngọc Vượng nổi tiếng ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, là “hàng xóm “ với tôi. Mảnh dẻ, thư sinh, đúng chất thanh niên Hà thành, vừa bước xuống tàu, anh đã phải nằm li bì vì say sóng. Vậy nhưng, khi chuẩn bị bữa ăn sáng cho bộ đội trên các điểm đảo Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa, anh đã thức dậy từ khuya, xuống hầm tàu rả đông thịt bò, kiểm tra bánh phở, gia vị với phong thái tươi tỉnh, nhanh nhẹn lạ thường. Nhìn cách anh chăm chút nấu nước dùng, ra phở từng bát, nêm nếm gia vị và trìu mến, mãn nguyện ngắm hàng trăm anh lính đảo say mê thưởng thức món phở Hà Nội nóng sốt, tôi thấy như anh đang gửi cả tấm lòng trân quý, yêu thương vào đó. Ngọc Vượng lên tàu ra Trường Sa lần này mang theo 150 kg bánh phở tươi, 50 kg bánh phở khô, 100 kg thịt bò tươi và 40 kg gia vị cùng hành, ngò, ớt tỏi, rau ngỗ, quả chanh, giá đỗ... Qua các điểm đảo, anh là người đi xuồng trước vào đảo với cánh phóng viên và phút chốc, mùi phở Hà Nội đã thơm lừng khắp đảo. “Nhớ thủ đô quá anh ạ”, người sĩ quan trẻ quê gốc mạn Nghi Tàm công tác trên đảo Nam Yết bưng bát phở, xúc động nói.
 |
Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn công tác tỉnh Quảng Trị (bên trái) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn Huyền Trân (DK 1/7) |
Đến từ “đất lửa” Quảng Trị, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị góp vào các điểm đảo và các đồng hương của mình hương vị nồng cay của hồ tiêu xứ Cùa, vị đậm đà của cà phê Khe Sanh, những giọng ca trữ tình và truyền lửa, những bài thơ lay thức lòng người... và gói gém cả những tình cảm chân thành vào trong đó. Trung tá Nguyễn Thanh Phong, cụm trưởng cụm Nam Yết bộc bạch: “Nhà tôi ở ngã ba Sa Lung, ngay Quốc lộ 1, thuộc xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Năm 1985 đi bộ đội, ngoài thời gian ở đất liền tham gia huấn luyện, tạo nguồn, ròng rã 7 năm trời, tôi đã công tác và nắm cương vị chỉ huy qua các đảo Đá Lát, Đá Lớn, Đá Tây, Song Tử Đông và bây giờ là Nam Yết. Tôi rất xúc động khi được đón các anh chị đồng hương đến thăm ngay tại nơi tôi đang công tác, giữa vùng biển, đảo xa tít tắp này. Dân Quảng Trị mình có truyền thống trung dũng, kiên cường, một lòng một dạ với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, cực mấy cũng chịu được, gian khổ nào cũng vượt qua, ngày xưa cha ông mình đã vậy, bây giờ thế hệ chúng tôi cũng vậy, các anh chị à...”.
Gặp nhau trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi thành tâm mang chút hơi ấm đất liền ra với biển, đảo thân thương để rồi nhận lại từ những người lính đang ngày đêm giữ gìn biển, đảo một quyết tâm không gì lay chuyển được, đó là luôn cảnh giác, chủ động để phòng thủ vững chắc và nâng cao khả năng chiến đấu, giữ bình yên biển, đảo của Tổ quốc. Càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của dân tộc, ý chí của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà Quân chủng Hải quân là lực lương nòng cốt. |
Trung tá Ngô Quang Chức, người con của vùng đất “đôi bờ dân ca” Vĩnh Giang, Vĩnh Linh công tác tại đảo Sinh Tồn tâm sự, xa quê đã lâu, muốn có một chuyến công tác đất liền kết hợp thăm người mẹ già nhưng vì nhiệm vụ chưa sắp xếp được. Những lần về quê trước, thăm nhà, nhìn ra biển Cửa Tùng lại nhớ tới đồng đội, nhớ tới Trường Sa, lại muốn lên đường... Còn nhớ khi lên đảo Trường Sa, đang loay hoay tìm người để hỏi nhờ lối ra nơi cây phong ba, loài cây mà tôi rất muốn thấy, tôi đã gặp một chiến sĩ Hải quân còn rất trẻ. Vừa gặp, em đã đon đả: -Anh ở đoàn mô? -Quảng Trị -Em là Lê Ngọc Dũng, ở Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, năm nay 20 tuổi, ra Trường Sa ngày 8/1/2013, cấp bậc binh nhất anh ạ. Lời giới thiệu của Dũng làm tôi bật cười. -Anh người Cồn Tiên, Dốc Miếu hay Vĩnh Linh, Gio Linh? Các địa danh quê mình đọc lên nghe thương rứa anh hè? Câu nói của Dũng làm tôi rơi nước mắt. - Anh không cần đi tìm cây phong ba đâu, chút nữa em sẽ tặng anh một cây phong ba tự tay em ươm nhé! -Anh rất mừng. -Cây phong ba lạ lắm anh à. Mọc được trên đá san hô, chịu được nắng gió, khô hạn, bão táp mà lá cây lại mịn như nhung, mát như lụa. Hoa phong ba trắng li ti, cánh hoa có năm cánh nhỏ, nhụy vàng. Đặc biệt, thân cây cứng cáp vậy mà vẫn nương theo từng luồng gió nên rất uyển chuyển, linh hoạt, bão táp cũng khó mà làm gãy được. Nếu có gãy, chỉ là một mẫu thân gầy thôi, cũng mau chóng bật chồi, dù chỉ bén chút cát, chút nước, chút đất. Hồi đầu mới ra đảo, em thấy kỳ lạ quá, bây giờ thì em đã hiểu, tại sao cây phong ba lại là cây biểu tượng của đảo Trường Sa, người Trường Sa. Đảo và người của ta ở đây luôn uyển chuyển, can trường, mạnh mẽ, rắn rỏi, dịu dàng...phải không anh? Lý lẽ của Dũng làm tôi bâng khuâng. Trên đảo chìm Đá Tây có dựng một tấm văn bia ghi bài thơ Thần bất hủ- bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt: Nam quốc sơn hà nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Những người lính Hải quân Đá Tây buổi sáng trước khi làm nhiệm vụ đều đến đây thắp một nén hương, thành kính. Những lời di gửi của ông cha về chủ quyền và toàn vẹn Tổ quốc như vẫn luôn vang vọng mãi, trở thành lời thề bất tử trong trái tim người lính biển, giữa đất trời rộng dài của Trường Sa thương nhớ hôm nay... Quần đảo Trường Sa, tháng 5/2013 Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH