Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì Thế là ông cười rồi ông nhỉ Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi Này thằng Tâm con nhà bố Tầm Trước cửa đền không được trồng cây chuối Lại còn hét lên như giặc cái Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia. Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ Gạch sân đền ấm lên ửng má Tiếng trẻ con non màu lá mạ Vệt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày. Thật tuyệt vời thằng cháu ông Đương Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi Ra đây nhảy dây, ra đây chồn đuổi Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn... Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới Khói hương bài thơm tỉ tê lân la Cây vun tán lên vun xôi đóng oản Gió liu riu cho thấm tháp chan hoà Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất Làm được buổi chiều rất giống ban mai Thánh cũng hân hoan... đố ai biết được Ngài ở trong kia hay ở ngoài này. THI HOÀNG Nhà thơ Thi Hoàng- một tác giả thơ ở Hải Phòng đã rất thành công khi viết những trường ca giàu chất trí tuệ với những tầng liên tưởng đan tuyến. Thơ ông thường mở ra những ý tưởng bất ngờ, độc đáo. Bài thơ “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền” được ông triển khai khá độc đáo: Đưa hình ảnh trẻ thơ vốn rất hồn nhiên, trong trẻo chơi trước cửa đền vốn rất linh thiêng, trầm mặc. Nhà thơ đã hóa thân thành bọn trẻ, nào là: Thằng Tâm con bố Tầm (trồng cây chuối) hay cái Nhân con bà Nhẫn (hét lên như giặc cái). Trẻ con là vậy, chơi rất bản năng, hiếu động. Chúng chưa đủ ý thức để hiểu được vị trí trang nghiêm của ngôi đền trong tâm linh của người lớn. Nhà thơ đã tung tẩy và khá tinh tế khi phát hiện vẻ đẹp rất trần thế đời thường: “ Gạch sân đền ấm lên ửng má/Tiếng trẻ con non màu lá mạ/Vệt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày ”. Vừa rất thực lại vừa rất ảo, cứ lung linh mờ tỏ, cứ hớn hở, cứ tươi ròng - đó chính là sự sống, một sự sống mây mẩy tròn căng: “Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn”. Hình ảnh thằng cháu ông Đương “Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi” hay “Những mắt cười vê tít lại cứ như là sợi chỉ” như chạm, như khắc rất giàu chất hội họa. Một thứ hội họa ấn tượng được nhìn ra từ một tấm lòng. Phải yêu con trẻ đến mức độ nào mới viết được những câu thơ ám ảnh như thế. Khổ thơ có không khí nhất, hay nhất của bài thơ này được nhà thơ viết rất thần với cái nhìn tinh tế: “ Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới/ Khói hương bài thơm tỉ tê lân la/Cây vun tán lên đơm xôi đóng oản/Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa ”. Một sự hòa đồng nhập thế thật tuyệt vời giữa con người với thiên nhiên, giữa thần phật bí ẩn giao cảm hài hòa với sự sống. Nhứng “í ới” những “tỉ tê” những “liu riu” không còn là con chữ nữa mà líu ríu bước chân tung tăng của con trẻ đã làm bớt “thiêng hóa” những mặc định nghiêm trang. Đó chính là thông điệp nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc, hãy yêu thương con trẻ bởi chính chúng: “...là người giỏi nhất/Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. Tứ thơ được đẩy lên đỉnh điểm khi đưa ra một kết mở, cũng là một trường liên tưởng về ý thức thẩm mỹ, về vị thế của con người bắt đầu từ: “ Thánh cũng hân hoan... đố ai biết được/Ngài ở trong kia hay ở ngoài này ”. Một nét cười tủm tỉm mà bao hàm cả tinh thần bác ái - vốn là truyền thống tốt đẹp lâu đời của, dân Việt Nam. NGUYỄN NGỌC PHÚ