QĐND - Bất chấp những lời cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn khẳng định Tehran ủng hộ đàm phán và ngoại giao với Washington, nhưng không phải trong điều kiện hiện nay...
Phát biểu tại Tehran ngày 20-5, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không lùi bước trước kẻ thù. Chúng tôi hoan nghênh đàm phán nhưng không đàm phán một cách ép buộc”. Tổng thống Hassan Rouhani nêu rõ, tình hình hiện nay không phù hợp để đàm phán và lựa chọn duy nhất của Tehran là phản kháng.
Tuyên bố trên của Tổng thống Hassan Rouhani đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Iran "khi họ sẵn sàng". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với các biện pháp "vũ lực mạnh" nếu nước này chống lại lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Theo Reuters, trong một dòng tweet trên Twitter ngày 19-5, Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra cảnh báo, trong đó nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran cũng sẽ bị Mỹ đáp trả ở cấp độ hủy diệt và điều đó sẽ có nghĩa là “chính thức chấm dứt sự tồn tại của Iran”. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ra đòn phản pháo, coi bài đăng trên mạng xã hội Twitter của ông Donald Trump là “đe dọa diệt chủng”, đồng thời cảnh báo Washington cần tôn trọng Tehran.
Cuộc chiến “ngôn từ” giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hassan Rouhani gia tăng trong những ngày gần đây . Ảnh: AP
Cuộc chiến “ngôn từ” giữa Mỹ và Iran đã đẩy căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang mới. Trong một động thái được cho là thách thức Mỹ, ngày 20-5, Tehran thông báo tăng gấp 4 lần sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp. Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEO) Behrouz Kamalvandi tuyên bố, việc Iran tăng sản lượng urani không đồng nghĩa quốc gia này tăng số lượng các máy ly tâm được sử dụng. Ông Kamalvandi cũng cho biết, Iran đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về quyết định này, song hiện IAEA chưa đưa ra bình luận về động thái của Tehran.
Thông báo trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi Iran chính thức tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký năm 2015 với các cường quốc. Thỏa thuận JCPOA quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, mức giới hạn này sẽ không còn được Tehran áp dụng sau khi Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân.
Việc hai nước gia tăng thách thức nhau bằng ngôn từ cường điệu hóa đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại. Trước nguy cơ nổ ra xung đột giữa Mỹ và Iran, Anh cho rằng Iran không nên xem nhẹ sự quyết tâm của Mỹ, cảnh báo nếu các lợi ích của Washington bị tấn công thì chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đáp trả mạnh mẽ. Trong khi đó, cùng với Thụy Sĩ, Qatar và Oman đang cố gắng đóng vai trò hòa giải giữa Mỹ và Iran. Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Qatar Soltan bin Saad Al-Muraikhi khẳng định, Qatar không mong muốn chiến tranh gây bất ổn định tình hình khu vực Trung Đông.
Ngày 21-5, đại diện thường trực của Nga tại Các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho rằng, cần phải tổ chức một cuộc họp về JCPOA mà Tehran ký năm 2015 với các cường quốc ở cấp lãnh đạo chính trị. “Tuy nhiên, thời gian cuộc họp vẫn chưa được ấn định vì các nước Liên minh châu Âu (EU) tham gia JCPOA chưa sẵn sàng”, ông Mikhail Ulyanov cho hay.
BÌNH NGUYÊN