(QT) - Cách đây không lâu có câu chuyện bi hài khi Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) được một đối tượng chào mời mua hàng thực phẩm giảm cân giả, mà chính ông đã kí quyết định không được phép lưu hành. Cục An toàn thực phẩm là nơi kiểm định chất lượng hàng hóa thế mà người bán hàng giả vẫn dám chào hàng. Quả là vì đồng tiền họ đã bất chấp tất cả!
![]() |
Nông dân huyện Triệu Phong giới thiệu hàng nông sản sạch, sản xuất hữu cơ, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng |
Quá nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng
Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng từ nhiều năm nay đã hoành hành ở nước ta, từ cái kim, sợi chỉ đến đồng hồ, vàng bạc, thực phẩm, máy móc, thuốc chữa bệnh… Cách đây vài năm chúng tôi cũng đã chứng kiến một nông dân ở vùng quê Quảng Trị, dành dụm vay ngân hàng để mua chiếc máy cày, gặt đập có giá trị lớn nhưng máy chỉ sử dụng một thời gian ngắn là hư hỏng, phải nằm ngoài đồng, đơn vị bán hàng về sửa chữa, bảo hành, nhưng rồi máy cày lại tiếp tục hư, không làm được mùa vụ cho người dân. Máy hư hỏng liên tục là do khi mua, người nông dân không rành về mặt hàng này, đã bị lợi dụng để bán hàng lắp rắp, các linh kiện “năm cha bảy mẹ”, chứ không phải hàng chính hãng. Mặc dù ông nông dân kia đã gửi đơn đi nhiều nơi nhưng những thiệt hại của ông khó mà giải quyết được trọn vẹn.
Trên lĩnh vực ăn uống, thực phẩm cũng đã có không biết bao nhiêu vụ ngộ độc do ăn phải thực phẩm độc hại, kém chất lượng. Chỉ một lần đi chợ thôi chúng ta cũng dễ bị “dính đòn” khi mua phải cá ươn, thịt thiu mà nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt. Không chỉ hàng hóa, thực phẩm sản xuất trong nước mà nhiều mặt hàng được sản xuất từ nước ngoài gắn các nhãn mác thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng đã bị làm giả, đó là những chiếc đồng hồ, điện thoại di động, hàng hóa điện tử, giày dép, túi xách, các loại thuốc, thực phẩm chức năng gắn nhãn mác mặt hàng cao cấp nhưng đã bị làm giả… Có thể nói hàng giả, kém chất lượng đang bủa vây người tiêu dùng Việt Nam, nếu không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, hoặc sơ sài, chủ quan trong quan sát, thẩm định là dễ mua phải hàng giả, mà cái giá phải trả nhiều khi rất đắt, như dân gian từng nói “tiền mất tật mang”.
Báo cáo đánh giá kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 của Cục Quản lí thị trường tỉnh Quảng Trị cho thấy, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng gồm 2.118 món đồ chơi nguy hiểm, có hại đối với trẻ em, 19.060 chai/lọ mĩ phẩm, 50 loại hàng giả gồm 20.096 chiếc quần, áo và các loại giày, dép giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng; 2.679 gói (hộp) thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát không đảm bảo chất lượng. Trong tổng số 2.182 vụ kiểm tra trong năm 2018 có 822 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa tạm giữ, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,3 tỉ đồng.
Kiên quyết bảo vệ người tiêu dùng
Chúng ta đã có một số chính sách bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực. Công tác đấu tranh chống hàng giả, kém chất lượng vẫn còn thấp. Trước thực trạng đó ngày 22/1/2019 Ban Bí thư đã có Chỉ thị 30 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lí của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”. Trong đó nêu lên thực trạng quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đạt yêu cầu, hiệu quả kém. Thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, xử lí vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế. Chỉ thị 30 xác định việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa. Khắc phục cho được những“khoảng trống” trong quản lí nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nâng cao kiến thức, kĩ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối với đối tượng người tiêu dùng yếu thế (trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân nghèo, khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa)... Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nước ta…
PA