Cháy bỏng ước mơ nơi miền cao Hướng Hóa
(QT) - “Phôn xuống suối múc nước lên để Tường nấu canh, cơm sắp chín rồi đó. Dọn dẹp chuẩn bị ăn kẻo tối, còn học bài nữa” - Tiếng nói trong trẻo vang ra từ phía ngôi nhà sàn nhỏ nằm trên triền dốc cao ở thôn Tà Ri 1, xã Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị). Chiều sẫm tối, làn khói nghi ngút bốc lên từ mái nhà khiến chúng tôi không khỏi tò mò... “Học sinh nấu ăn đó anh, nhà xa nên mấy em ở nội trú, tự lo cơm nước và tất cả mọi sinh hoạt, có em còn phải chạy từng bữa... ” - Cô Kim Cương, Phó hiệu trưởng ...

Cháy bỏng ước mơ nơi miền cao Hướng Hóa

(QT) - “Phôn xuống suối múc nước lên để Tường nấu canh, cơm sắp chín rồi đó. Dọn dẹp chuẩn bị ăn kẻo tối, còn học bài nữa” - Tiếng nói trong trẻo vang ra từ phía ngôi nhà sàn nhỏ nằm trên triền dốc cao ở thôn Tà Ri 1, xã Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị). Chiều sẫm tối, làn khói nghi ngút bốc lên từ mái nhà khiến chúng tôi không khỏi tò mò... “Học sinh nấu ăn đó anh, nhà xa nên mấy em ở nội trú, tự lo cơm nước và tất cả mọi sinh hoạt, có em còn phải chạy từng bữa... ” - Cô Kim Cương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc giải thích. Vừa bước chân đến ngõ, hình ảnh ngôi nhà sàn “bốn bề lộng gió” với bốn chiếc giường ọp ẹp đập vào mắt chúng tôi. Đây là nơi “tạm trú” của 18 em học sinh thuộc Trường Tiểu học và THCS Húc (Hướng Hóa). Các em là những học sinh dân tộc thiểu số trong vùng. Vì nhà xa trường, điều kiện đi lại khó khăn nên các em phải “tạm trú” ở ngôi nhà này để hàng ngày đến lớp đúng giờ. Trong số các em, có em mới học lớp 5, em lớn tuổi nhất học lớp 9, ở cái tuổi chưa đủ lớn này, các em đã phải sống xa nhà, tự túc mọi sinh hoạt.

Cuộc sống khó khăn nhưng nụ cười trên môi các em luôn rạng rỡ niềm tin.

Em Hồ Văn Tường ở thôn Cu Dông, học sinh lớp 5, là một trong số những em nhỏ tuổi nhất ở đây, hồn nhiên chia sẻ: “Được ở đây với mấy anh chị để đi học cháu thích lắm. Khi mô nhớ nhà thì có mấy anh chị rồi, nhưng sinh hoạt khó khăn lắm”. Phải sống xa nhà nên các em luôn biết yêu thương, giúp đỡ, động viên nhau cùng cố gắng. Em Hồ Văn Chiên ở thôn Tà Cu là người lớn tuổi nhất trong số 18 em ở đây, vì thế em luôn bảo ban các em học tập, tự nguyện làm những việc nặng như kiếm củi, đánh cá để giúp các em còn lại. “Chúng em sống với nhau rất tốt, giúp đỡ nhau học tập. Ở xa nhà thiếu nhiều thứ nhưng ai cũng cố gắng, phải học lấy cái chữ sau này mới bớt khổ”- Chiên chân thành cho biết. Để được đi học, dường như không có khó khăn nào mà các em không thể vượt qua. Mỗi ngày trôi qua, mưa cũng như nắng, một buổi các em đến lớp học còn một buổi kiếm củi, hái rau rừng, đào củ, xúc cá ở khe suối để có cái ăn. Có nhiều em ở bản Hole, nhà cách trường 7 km, quãng đường không quá xa nhưng rất vất vả vì phải lội suối, băng rừng vì chưa có đường nên các em phải “tạm trú” để đến lớp. Cứ sau mỗi tuần “tạm trú”, thứ 7 các em lại háo hức về nhà, tranh thủ lên nương làm rẫy giúp bố mẹ. Có em phải đi bộ 18 km mới về đến nhà, để rồi đầu tuần, các em khăn gói trở lại “ngôi nhà chung” mang theo ít gạo, bầu bí…có thêm cái ăn để lo cho một tuần học mới. Vất vả, khó khăn là thế nhưng không em nào có ý định bỏ học. Nhìn cảnh các em chăm chút bao bọc từng quyển sách, quyển vở, viết từng cái nhãn để chuẩn bị cho một năm học mới, chúng tôi không khỏi khâm phục. Em Hồ Văn Phôn, học sinh lớp 9A, Trường THCS Húc tâm sự: “Nghỉ hè, em đi làm rẫy với bố mẹ, đi chăn bò, lúc rảnh em đi bẻ măng rồi phơi khô để giữ lại, giờ ra trường học em mang theo măng khô để ăn dần, mùa mưa sắp đến nên kiếm thức ăn và củi khó lắm. Không lo đến cái ăn mình sẽ có nhiều thời gian để học tốt hơn”. Chia sẻ nỗi khó khăn của các em học sinh nơi đây, thầy Nguyễn Đình Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THCS Húc bày tỏ: “Trường ở cách xa nơi tạm trú nên cuộc sống của các em gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù nhà trường cũng như các cán bộ, giáo viên luôn cố gắng giúp đỡ các em, hỗ trợ gia vị mắm, muối cho các em nấu ăn, mỗi lần ra thị trấn mua cho các em ít thịt cá... nhưng cũng chỉ giúp đỡ các em được phần nào thôi, còn lại các em đều phải tự túc. Rất mong các ban, ngành địa phương hỗ trợ thêm kinh phí cho các em được yên tâm học tập”. Hiện tại, ngôi nhà mà các em đang ở quá tềnh toàng, chỉ đủ kê 4 cái giường nhỏ, sinh hoạt bất tiện và không có góc học tập. Hàng ngày ngoài việc học các em còn phải chật vật lo kiếm cái ăn... Thế nhưng khi được hỏi về mong ước, không chỉ riêng em Chiên mà tất cả các em ở đây đều háo hức bày tỏ: “Bọn em muốn được đi học, muốn sau này trở thành cô giáo, thầy giáo...”. Bài, ảnh: LÂM HƯNG THƠ