Sự cần thiết phải khai thác tam giác du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ
(QT) - Tại kỳ họp thứ 20- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V sắp tới dự kiến sẽ thông qua đề án "Phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ''. Đây chính là yêu cầu bức thiết đối với huyện Cồn Cỏ nhằm hoạch định các chính sách, mục tiêu và định hướng để kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch, bởi Cồn Cỏ là một đỉnh trong tam giác kinh tế: Cửa Việt- Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ.  Cửa Việt là điểm cuối trên tuyến đường xuyên Á thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây. Vì vậy để đón đầu khai thác ''điểm ...

Sự cần thiết phải khai thác tam giác du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ

(QT) - Tại kỳ họp thứ 20- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V sắp tới dự kiến sẽ thông qua đề án "Phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ"". Đây chính là yêu cầu bức thiết đối với huyện Cồn Cỏ nhằm hoạch định các chính sách, mục tiêu và định hướng để kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch, bởi Cồn Cỏ là một đỉnh trong tam giác kinh tế: Cửa Việt- Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ. Cửa Việt là điểm cuối trên tuyến đường xuyên Á thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây. Vì vậy để đón đầu khai thác ""điểm cuối"" đầy hấp dẫn với tiềm năng du lịch biển và làm ""bàn đạp"" vươn ra huyện đảo Cồn Cỏ, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã tiến hành đầu tư xây dựng Cửa Việt thành khu kinh tế nằm bên cửa biển. Và để khai thác tiềm năng du lịch biển, tỉnh đã cho phép xây dựng Khu du lịch-dịch vụ Cửa Việt từ năm 2002. Cùng với tuyến đường cơ động ven biển, cầu Cửa Tùng và Cửa Việt hoàn thành đã hội đủ các điều kiện để kết nối Cửa Việt- Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ trở thành tam giác du lịch sinh thái biển.

Bến cá Cửa Việt. Ảnh: P.V

Cửa Việt có khoảng cách bờ biển dài hơn 10 km giáp với Cửa Tùng, một danh thắng biển đẹp nổi tiếng, có hệ thống đường ven biển liên kết với khu rừng nguyên sinh Rú Lịnh, làng địa đạo Vịnh Mốc và đảo Cồn Cỏ đang xây dựng thành huyện đảo du lịch sẽ tạo nên quần thể du lịch sinh thái biển phong phú và hấp dẫn. Mặt khác, cảng Cửa Việt được hình thành nối cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, điểm giao lưu hợp tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng... Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ- du lịch ở Cửa Việt là cơ hội để mở rộng quy mô hợp tác du lịch với các nước trong khu vực với một sản phẩm du lịch độc đáo: "Du lịch sinh thái rừng và biển". Có thể nói đây là một lợi thế bởi Quảng Trị nằm cạnh kề với nước bạn Lào không có bờ biển nhưng dồi dào về tài nguyên rừng. Xa hơn nữa là quan hệ hợp tác du lịch giữa Quảng Trị và một số tỉnh của Thái Lan nếu triển khai sẽ mở ra những triển vọng về cơ hội hợp tác khai thác tuyến du lịch rừng- biển đầy tiềm năng. Hiện Khu dịch vụ- du lịch Cửa Việt được triển khai xây dựng tại địa bàn xã Gio Hải (Gio Linh) có quy mô 141 ha bao gồm các khu chức năng như dịch vụ khách sạn, khu dân cư đô thị mới và các công trình công cộng. Với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hiện đại kết hợp với việc bảo tồn, hình thành các làng nghề truyền thống, các làng du lịch sinh thái biển phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tắm biển và thể thao... Mặc dù mới được triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng nhờ tích cực thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư nên đến nay đã có nhiều dự án đăng ký đầu tư xây dựng các khu khách sạn, du lịch sinh thái biển. Có thể nói Khu dịch vụ- du lịch Cửa Việt đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt có những lợi thế đặc thù hơn hẳn những điểm khác. Trước hết là môi trường thiên nhiên đang còn nguyên sơ, trong lành, gần cảng biển và thuận lợi về giao thông do nằm trên tuyến đường xuyên Á. Đó là chưa kể đến những lý do khách quan như miễn thị thực nhập cảnh giữa các nước Đông Nam Á, cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông MêKông đã hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Mục Đa Hán (Thái Lan)- Đông Hà (Quảng Trị) với chiều dài chưa đầy 300 cây số nên du khách có thể tham gia tour du lịch “Một ngày ăn cơm ba nước”... Để đón đầu những cơ hội hợp tác khai thác du lịch với các nước trong khu vực, Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư. Vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở đang ráo riết triển khai đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư. Không riêng gì Khu dịch vụ- du lịch Cửa Việt đang trở thành tâm điểm mà chính tại Cửa Tùng hàng loạt dự án đang khởi động. Đó là hệ thống khách sạn, nhà hàng có quy mô vừa và nhỏ đã và đang được triển khai xây dựng, nhiều đối tác liên doanh đến từ các nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan...đang xúc tiến quá trình đàm phán tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trên lĩnh vực du lịch tại Cửa Tùng. Đề án phát triển du lịch trên huyện đảo Cồn Cỏ đã được xây dựng căn cứ trên các luận cứ mang tính khoa học về điều kiện địa lý, tự nhiên và lịch sử. Từ đó nhận diện ra các lợi thế về phát triển du lịch trên đảo Cồn Cỏ làm cơ sở để xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế hàng đầu của huyện đứng trước thủy sản và nông- lâm nghiệp. Với quan điểm khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng lợi thế đảm bảo phát triển du lịch huyện đảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và quy hoạch du lịch của tỉnh. Từ đó tập trung xây dựng Cồn Cỏ thành một điểm du lịch sinh thái biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Phát huy lợi thế, tiềm năng của đảo để hình thành các điểm và các tuyến du lịch biển, phát triển du lịch hải đảo mang sắc thái riêng, tạo sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng như tắm biển, thể thao biển, nghiên cứu hải dương học...để lưu giữ khách dài ngày và thu hút khách đến nhiều lần. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết du lịch Cồn Cỏ với du lịch Cửa Tùng và Cửa Việt. Có như vậy mới khai thác được tuyến du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN qua cửa khẩu Lao Bảo đến Cồn Cỏ. Bởi trên thực tế Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt đang giữ vai trò kết nối với các vùng lân cận như Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ để trở thành tam giác kinh tế không chỉ có du lịch mà đầy đủ các loại hình kinh tế như thương mại dịch vụ cảng biển, khai thác, chế biến thủy hải sản, cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền... Đây chính là cơ hội hòa nhập vào xu thế phát triển để xây dựng Cửa Việt trở thành hạt nhân kinh tế năng động, đa dạng nằm ở phía Đông của tỉnh, tận dụng lợi thế của Hành lang kinh tế Đông-Tây để kết nối các trục kinh tế mà du lịch đóng vai trò chủ đạo. Hồ Nguyên Kha