Trở lại Thâm Khê
(QT) - Cuối tháng 3/2011 tôi có dịp theo đoàn cán bộ của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) về thôn Thâm Khê (xã Hải Khê) tham dự buổi đối thoại với người dân ở đây. Hôm đó trời rét buốt nhưng có hàng trăm người tự nguyện tham gia đối thoại. Điều đó cho thấy người dân ở đây rất bức xúc, lo lắng khi có một doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc khai thác ti tan ở khu vực gần thôn Thâm Khê. Buổi đối thoại có sự tham dự của Đại tá Lê Công Dung, UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh và các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Hải Lăng... Trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn, nhiều người dân bày tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương của cấp trên khi cho phép một doanh nghiệp triển khai khai thác ti tan. Lý do của người dân thôn Thâm Khê là điểm khai thác ở gần khu vực dân cư, nếu khai thác sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước bị nhiễm các hóa chất gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; cây cối bị tàn phá, nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 |
Nâng cấp đường giao thông ở Hải Khê, Hải Lăng. |
Lúc đó liệu người dân vốn đang sống nghèo khổ có đủ tiền mua nước ngọt để cung cấp cho đời sống, sinh hoạt hàng ngày không? Nếu người dân uống phải nguồn nước bị nhiễm độc do khai thác ti tan, đau ốm thì ai lo?... Đại tá Lê Công Dung và những cán bộ lãnh đạo của huyện Hải Lăng đã ghi nhận tất cả những ý kiến phản ánh của người dân. Không dừng lại ở buổi đối thoại, chúng tôi còn được biết, người dân thôn Thâm Khê đã thuê xe chở hàng chục người đến thành phố Đông Hà gặp lãnh đạo UBND tỉnh trong buổi tiếp dân thường kỳ hàng tháng tại trụ sở Thanh tra tỉnh để bày tỏ nguyện vọng nêu trên. Trước nỗi lo, bức xúc của người dân thôn Thâm Khê, lãnh đạo UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng việc triển khai khai thác ti tan. Chủ trương này được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Những ngày cuối tháng 7 này tôi có dịp trở lại thôn Thâm Khê, không phải mượn đường đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế như lần trước mà lần này từ thị trấn Diên Sanh, chúng tôi về xã Hải An rồi men theo con đường đất đỏ ven biển để đến với Thâm Khê, một làng quê biển đã từng chứng kiến biết bao đổi thay của lịch sử, nơi có anh hùng Trần Thị Tâm gan dạ, kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Ở thôn Thâm Khê hiện nay, đời sống của hơn 360 hộ dân phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Biển được mùa, yên lặng thì cuộc sống của người dân được ấm no và ngược lại. Ông Quê, cán bộ Mặt trận của thôn vừa đi biển về, mới bán hải sản đánh bắt được 150.000đ. Ông chia sẻ: Biển năm nay không được mùa nhưng chịu khó làm ăn cũng không phải lo đói nghèo. Hỏi ông tâm trạng của bà con hiện nay như thế nào? Ông từ tốn giải bày: Dân làng Thâm Khê chúng tôi luôn chấp hành các chủ trương chính sách của nhà nước, làm tốt nghĩa vụ của người công dân, chăm lo đời sống văn hóa ở khu dân cư. Sau khi được cấp trên cho tổ chức đối thoại và chủ trương dừng khai thác ti tan bà con rất yên tâm, chăm lo làm ăn, mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân cũng bền chặt hơn. Ông Trần Văn Lễ, trưởng thôn thì cho rằng: Nếu trước đây có người coi Thâm Khê là một điểm nóng thì nay đang dịu dần, đời sống của bà con nhìn chung ổn định, ai cũng chăm lo làm ăn. Bà con mong muốn được cấp trên đầu tư làm đường giao thông để mùa mưa thôn Thâm Khê không bị cô lập với bên ngoài. Ông Lễ nói thêm: Vừa rồi cũng có một số cháu học sinh cấp 2 trong thôn bỏ học, phần lớn không phải do cuộc sống nghèo túng mà do một số cháu ham chơi, học không tiến bộ nên nghỉ giữa chừng, điều này cả thôn và xã điều lo nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Thẩm, người phụ nữ có nhiều ý kiến rất thực tế và khá nóng hổi trong buổi đối thoại với cán bộ lãnh đạo của tỉnh và huyện tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua. Gặp lại chúng tôi, bà Thẩm đã bộc lộ tâm trạng của mình: “Thú thực là tôi quá mừng, quá vui do cấp trên đã lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của người dân”. Bà Thẩm nói, trước đây bà con trong thôn ăn ở không yên, ai cũng sợ khai thác ti tan sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân vùng quê nghèo này, môi trường bị hủy hoại kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác. Ngày trước dân Thâm Khê ở tít xa ngoài bãi cát, gần bờ biển; bà cùng với nhiều cán bộ khác vận động người dân vào vùng đất bị bom đạn cày xới nham nhở này để san lấp, làm nền nhà, tạo lập cuộc sống mới. Bây giờ thì có đủ các loại nhà xây, lợp ngói, có nhà cao tầng. Tuy còn nghèo khó nhưng cũng tạm ổn, tình cảm xóm giềng ngày càng được gắn bó, đầm ấm. Trong niềm vui không giấu được, bà Thẩm đọc cho tôi nghe mấy câu thơ đằm thắm, giản dị về vùng quê này: Nước Thâm Khê vừa trong vừa mát Đất Thâm Khê nhỏ cát dễ đi Gái Thâm Khê như bông hoa lý Trai các làng đẹp ý tới ve Quả thật là phải có một tâm hồn sảng khoái, vui vẻ để giữa trưa hè tháng 7 nóng bức bà Thẩm, một người phụ nữ hơn 70 tuổi mới bật lên những câu ca về quê chồng mộc mạc và đáng yêu như vậy. Tại trụ sở UBND xã Hải Khê, tôi cũng đã tìm gặp ông Trương Minh Tám, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy. Ông Tám cho rằng cuộc sống của hàng ngàn người dân thôn Thâm Khê đang dần ổn định, trước ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cán bộ xã cũng có phần lo lắng nhưng bà con đi bầu đạt gần 100%, hiện nay với nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, trên địa bàn xã đang làm đường, nối các thôn xóm với nhau, khu vực thôn Thâm Khê đang được cấp trên xem xét cấp kinh phí xây dựng chợ, lúc đó cuộc sống của bà con sẽ có nhiều đổi thay. Điều mà chúng tôi cảm nhận được qua hai lần đến thôn Thâm Khê đó là, khi nào chính quyền lắng nghe và giải quyết thỏa đáng các nguyện vọng chính đáng của người dân, lúc đó cuộc sống của bà con sẽ ổn định, an ninh trật tự xã hội của địa phương cũng sẽ được bảo đảm tốt hơn. Bài, ảnh: HOÀNG NAM BẰNG