Bàn giao và tiếp nhận lưới điện nông thôn ở Quảng Trị: Đôi bên cùng có lợi
Để công tác quản lý, kinh doanh điện an toàn tránh thất thoát điện năng, phục vụ đắc lực cho đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là chấn chỉnh về quản lý, kinh doanh điện ở khu vực nông thôn, thực hiện chính sách giá điện cho người nghèo và đi đến thống nhất giá điện giữa nông thôn và thành thị, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Điện tiến hành tiếp nhận, cải tạo quản lý và trực tiếp bán điện đến tận hộ gia đình ở khu vực nông thôn.   Đây là một chính sách lớn, đáp ứng nguyện vọng của người dân ...

Bàn giao và tiếp nhận lưới điện nông thôn ở Quảng Trị: Đôi bên cùng có lợi

Để công tác quản lý, kinh doanh điện an toàn tránh thất thoát điện năng, phục vụ đắc lực cho đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là chấn chỉnh về quản lý, kinh doanh điện ở khu vực nông thôn, thực hiện chính sách giá điện cho người nghèo và đi đến thống nhất giá điện giữa nông thôn và thành thị, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Điện tiến hành tiếp nhận, cải tạo quản lý và trực tiếp bán điện đến tận hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Đây là một chính sách lớn, đáp ứng nguyện vọng của người dân và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khắc phục những tồn tại do buông lỏng quản lý của ngành điện.

Kiểm tra lưới điện hạ áp nông thôn.
Theo đó, Điện lực Quảng Trị thực hiện việc bàn giao và tiếp nhận lưới điện nông thôn từ các tổ chức khác để bán điện dến tận hộ gia đình, đồng thời tiến hành sửa chữa, cải tạo hoàn thiện lưới điện đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn. Đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có 118/118 xã có điện lưới quốc gia với 100.099 hộ dân nông thôn được sử dụng điện sinh hoạt đạt tỷ lệ 99,01% (trừ huyện đảo Cồn Cỏ). Trên thực tế việc bàn giao và tiếp nhận lưới điện ở Quảng Trị gặp không ít khó khăn. Trước hết là do hệ thống lưới điện đã được đầu tư xây dựng khá lâu. Quá trình khai thác sử dụng không thường xuyên duy tu, sửa chữa nên lưới điện đã xuống cấp nghiêm trọng, tổn thất lưới điện và công tơ điện quá cao, có nhiều nơi lên đến 35-45%. Trong khi đó giá bán điện cho các hộ cao, đa số các công trình điện cần bàn giao đều không có hồ sơ và các đơn vị không có hạch toán khấu hao hàng năm trên sổ sách nên sau khi tiếp nhận nguyên trạng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, an toàn và ổn định thì ngành điện phải bố trí vốn để sửa chữa. Ngoài ra còn tồn tại nhiều mô hình HTX cấp thôn, ở mức nhỏ lẻ, manh mún, hộ xã viên ít, doanh thu thấp, trong khi đó bộ máy quản lý lại cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nên nguồn thu từ kinh doanh điện không đủ bù đắp các chi phí cần thiết. Nhiều nơi trang thiết bị đo đếm điện chưa đảm bảo tiêu chuẩn, còn có hiện tượng bán điện theo cụm do bán kính cấp điện xa, tỷ lệ khấu hao chưa đúng theo quy định... Mặc dù vậy, nhưng sau khi tiếp nhận toàn bộ đường dây hạ áp và công tơ điện của hộ dân nông thôn do 221 HTX và các ban điện khác quản lý, Điện lực Quảng Trị đã triển khai kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, an toàn và tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ dân. Đến nay Điện lực Quảng Trị đã trực tiếp quản lý và bán điện đến hộ dân tại 29 xã, chiếm tỷ lệ 24,58% với 13.210 hộ dân, 19 xã đã triển khai bán lẻ một phần chiếm 16,1% với 8.077 hộ dân, còn lại 70 xã chiếm 59,32% đang thực hiện bán tổng với 62.388 hộ dân. Ngoài ra Điện lực Quảng Trị còn tiếp nhận một số cán bộ đang quản lý ngành điện ở một số địa phương đủ điều kiện làm công việc dịch vụ bán lẻ điện nông thôn nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Sau khi hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, đến nay đã hình thành được 185 HTX dịch vụ tổng hợp và 36 HTX dịch vụ điện độc lập. Trong đó có nhiều HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả như các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh), Hải An, Hải Khê, Hải Trường, Hải Thiện, Hải Quế, Hải Ba (Hải Lăng), Cam Chính (Cam Lộ), Trung Giang, Trung Hải, Gio Việt (Gio Linh), Tân Hợp, Hướng Phùng (Hướng Hóa)... Để tìm hiểu sâu hơn về quá trình bàn giao, tiếp nhận, cải tạo và đưa vào kinh doanh của ngành Điện, chúng tôi về xã Gio Việt (Gio Linh), nơi đầu tiên Điện lực Quảng Trị chọn thí điểm mô hình giao nhận lưới điện nông thôn từ những năm 2003. Đây là địa phương có 2 làng nghề đánh bắt và chế biến thủy hải sản với hơn 1000 hộ dân đã được xây dựng 2 trạm biến áp 200 KVA. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Quảng Trị đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thay mới toàn bộ đường dây, công tơ, nâng công suất 2 trạm biến áp lên 400 KVA và tổ chức bán đến tận hộ gia đình. Đến nay đã có 1410 hộ thuộc làng nghề (xã Gio Việt và một phần thị trấn Cửa Việt) đã sử dụng điện theo mô hình bán lẻ đến tận hộ. Lợi ích mang lại cho người dân và ngành Điện đã quá rõ ràng. Sau khi tiếp nhận các hộ dân đã được hưởng giá điện rẻ hơn, chất lượng cung cấp điện tốt hơn các mô hình mua bán điện nông thôn trước đây. Anh Trần Nguyên Bút ở thôn Xuân Ngọc cho chúng tôi biết, gia đình anh đang làm nghề xuất khẩu thủy hải sản với kho chứa lạnh bình quân mỗi ngày là 40 tấn hải sản. Vì vậy lúc cao điểm một tháng gia đình anh phải trả đến 5 triệu tiền điện. Trước đây, anh mua điện với giá 1200 đồng/kwh, nhưng sau khi mua trực tiếp với ngành Điện giá giảm xuống chỉ còn một nửa. Vã lại hệ thống đường dây, thiết bị, công tơ đã được thay mới nên sản lượng điện tiêu thụ giảm so với trước nên đã mang lại lợi ích về kinh tế cho gia đình. Việc tiếp nhận lưới điện nông thôn đối với ngành Điện vốn đã có kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, có khả năng về vốn và đầy đủ trang thiết bị đảm bảo cho công tác vận hành nên đã gặp rất nhiều thuận lợi. Việc tiếp nhận lưới điện và xóa bán tổng đã mang lại những hiệu quả thiết thực như sản lượng điện tăng, tổn thất điện năng giảm xuống còn 5-7%. Với người dân, họ không phải nộp thêm một khoản kinh phí nào cho quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình, nhưng quan trọng nhất là được hưởng giá bán điện thấp... Đó chính là phương châm đôi bên cùng có lợi mà ngành Điện và người dân nông thôn đã tìm được sự đồng thuận. Bài và ảnh: Hồ Nguyên Kha