Bình yên cho những chuyến tàu
Hằng ngày, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, ở mỗi cung đường đều có một người tuần đường âm thầm làm công việc kiểm tra, sửa chữa đường để đảm bảo an toàn, thông suốt cho mỗi chuyến tàu qua.  Một mình một bóng, ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hè, họ lặng lẽ đi, về để bảo vệ đường sắt khỏi hư hỏng vì thời gian. Nhưng chính họ, ngày ngày lại phải đối mặt với không ít những hiểm nguy rình rập từ đêm tối, từ những kẻ vô công rồi nghề, nghiện ngập, say rượu... * Nhọc nhằn nghề tuần đường 20 ...

Bình yên cho những chuyến tàu

Hằng ngày, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, ở mỗi cung đường đều có một người tuần đường âm thầm làm công việc kiểm tra, sửa chữa đường để đảm bảo an toàn, thông suốt cho mỗi chuyến tàu qua. Một mình một bóng, ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hè, họ lặng lẽ đi, về để bảo vệ đường sắt khỏi hư hỏng vì thời gian. Nhưng chính họ, ngày ngày lại phải đối mặt với không ít những hiểm nguy rình rập từ đêm tối, từ những kẻ vô công rồi nghề, nghiện ngập, say rượu... * Nhọc nhằn nghề tuần đường 20 giờ 30 phút, anh Quân (Đội quản lý đường sắt III, thuộc Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên) hít hà cho đỡ lạnh rồi cặm cụi kiểm tra lại đèn, pháo hiệu, đồ nghề... chuẩn bị cho ca làm việc của mình. Sương càng về khuya càng nặng hạt, chén nước trà nghi ngút khói cũng không làm ấm được cái lạnh đang dần thấm vào da thịt. Anh Quân xuýt xoa: “Đời tuần đường à, không gì vui bằng mỗi chuyến tàu qua an toàn nhưng cũng không có gì buồn... sau mỗi chuyến tàu qua, bởi khi đó xung quanh mình chỉ là một màn đêm u tịch với biết bao hiểm nguy đang rình rập...Ấy vậy mà chưa ai trong chúng tôi có ý định bỏ nghề. Tôi cũng đã gắn bó với nghề này 26 năm rồi." Anh Trần Hữu Dũng, vừa kết thúc ca tuần của mình đang trao đổi công việc với anh Quân. Họ bàn giao công việc nhanh chóng và cùng chia nhau chén trà trong đêm vắng như chia nhau chút hơi ấm của tình người. 21 giờ, anh Quân đứng dậy khoác thêm chiếc áo cho đỡ lạnh, tay cầm đèn, vai mang túi, lặng lẽ hoà mình vào đêm tối, bắt đầu ca tuần của mình cho đến 4 giờ 30 sáng hôm sau... Tổ tuần đường ở cung đường Đông Hà nơi các anh đang làm việc có 4 người, phụ trách cung đường từ Km 615+00 đến Km 626+00 chia làm ba ca. Cứ mỗi ca đi tuần xuất phát từ ga Đông Hà đến Km 626 (Triệu Ái, Triệu Phong) thì trao thẻ bài tuần đường, sổ giao ban cho người tuần đường của cung đường khác ký. Xong, quay ngược ra cho đến Km 615 (Cam An, Cam Lộ), lại gặp người khác, lại ký, rồi quay trở lại ga Đông Hà và kết thúc ca làm việc của mình. Công việc tưởng đơn giản nhưng tính sơ sơ mỗi ca làm việc mỗi người phải đi bộ không dưới 22 km cả đi lẫn về. Đặc biệt, trên đường đi tuần họ thường xuyên phải quan sát kỹ những chỗ hư hỏng, mất mát như ray gãy bất ngờ, vệt gãy cắt ngang thanh ray, những chướng ngại vật trên đường, mất các đinh mối, đinh cóc để kịp thời sửa chữa, bảo đảm cho đoàn tàu đi qua được an toàn. “Những hư hỏng nhỏ thì tự sửa, hư hỏng hay mất mát lớn thì điện về Tổ để cử người tới làm, đồng thời cắm một lá cờ đỏ cao 1,5m (ban ngày) hoặc bật đèn đỏ (buổi tối) để báo hiệu cho tàu biết, rồi chạy về hai phía (mỗi phía 800m), đặt pháo trên đường ray, khi tàu chạy đè lên sẽ làm pháo nổ, báo hiệu cho người lái tàu biết. Lúc nào cũng phải thuộc nằm lòng một nguyên tắc: nhanh chóng và an toàn”, anh Quân cho biết. Theo quy định, mỗi người ngoài việc đi tuần theo ca đã được phân công còn phải tham gia bảo dưỡng những đoạn đường mà mình phụ trách như chèn lại những tà vẹt bị treo, lỏng, nhặt đá rơi vãi, chỉnh nền đá, nhổ cỏ, lau chùi, sơn kẻ các mốc, biển.

Chuyển giao ca trực
4 giờ 30 phút, anh Quân trở về ga Đông Hà sau cuộc hành trình đi bộ 22 km, bàn giao đèn, pháo hiệu, sổ sách cho người khác rồi lặng lẽ châm điếu thuốc lá hút và... thở. " Xong một ca làm việc, giờ về ngủ một giấc cho lại sức rồi lại quay lại đường để làm vệ sinh và bảo dưỡng đường ray. Anh em chúng tôi ở đường ray còn nhiều hơn ở nhà của mình đấy”, anh Quân đùa. Một đêm tuần may mắn vì không có sự cố nào xảy ra đối với những cung đường và với chính bản thân họ. * Khó khăn vẫn yêu nghề Nhưng không phải đêm nào những chuyến đi tuần của họ cũng thuận buồn xuôi gió như đêm nay. Có nhiều đêm khi đi qua những đoạn đường vắng, họ phải đối mặt những kẻ nghiện ngập, đám đông say rượu hay những kẻ trộm cắp phụ kiện đường sắt. Nhẹ thì bị văng tục, vứt dụng cụ làm việc, nặng thì bị xin đểu, bị cướp, bị đánh mà chẳng vì lý do gì. Như chuyện anh Phạm Văn Hoan cách đây không lâu. Trong lúc đi tuần ca 3, một bọn côn đồ lợi dụng đêm tối vắng người đã chặn anh lại cướp một chiếc điện thoại di động và toàn bộ tiền anh có trong túi. Nhẫn tâm hơn, chúng còn vứt dụng cụ sửa chữa đường ray của anh, đập bể đèn rồi đánh anh bị thương nặng phải vào bệnh viện điều trị dài ngày. Vụ án đến bây giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm... "Ức lắm chứ nhưng mình thân cô thế cô thì chỉ biết nín nhịn chứ biết làm gì được. Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, miễn mình hoàn thành tốt công việc là được rồi", giọng anh Quân chùng hẳn xuống. Những người trong Tổ tuần đường vẫn còn nhớ như in chuyện xảy ra với ông Nguyễn Hải Cương (đã về hưu theo chế độ 41) trước đó. Dạo ấy ông Cương đi tuần ca 1, ra đến km 616+100, ông xuống khỏi đường sắt để tránh tàu SE3 thì bị trượt ngã, mặc dù đã đội mũ cứng nhưng ông vẫn bị chấn thương sọ não mà không biết. Tưởng chỉ xây xát nhẹ, ông Cương đi vào trạm xá Cam An (Cam Lộ) xin dầu để bôi rồi tiếp tục công việc của mình. Mãi hơn một tháng sau, khi bệnh đã quá nặng, ông Cương mới được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật, kịp thời cứu lấy tính mạng trong gang tấc. Lương không cao (bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng), công việc vất vả, những hiểm nguy luôn rình rập. Vậy điều gì đã khiến họ "chung thủy" với công việc nhọc nhằn ấy suốt từ ngày này sang tháng khác, năm này sang năm khác? Anh Quân cười hiền lành: "Mấy hôm trước, khi đi tuần tôi phát hiện một cô gái bị tâm thần ngồi bất động trên đường ray, chẳng cần biết là sắp có tàu đến, tôi phải dỗ dành mãi cô ta mới chịu về. Chưa kịp vui vì giúp được một người thì lại gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang say rượu li bì cách đường ray chưa đầy 1 mét. Công việc không thể bỏ được, tôi phải dìu ông ta vào nhà dân gần đó nhờ chăm sóc, rồi tiếp tục công việc". Đó là những chuyện vẫn thường xảy ra trên hành trình đơn độc của các anh, và cũng chính nó đã giúp các anh vững tin hơn trên những bước chân mình. Công việc của những người tuần đường vất vả và nguy hiểm, đi sớm về khuya nhưng họ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngoài lòng yêu nghề, họ còn có một "hậu phương" vững chắc giúp yên tâm trong công việc. Đó là những người vợ luôn biết chia sẻ, cảm thông và thay chồng chăm lo gia đình. Đó là những đứa con luôn biết động viên cha mình bằng những thành tích học tập xuất sắc. Tôi hỏi anh Dũng, đi làm cả ngày lẫn đêm như vậy vợ anh có phàn nàn không? Anh Dũng trả lời ngay không chút đắn đo: “Vợ tôi tuy không cùng ngành nghề với chồng nhưng cô ấy luôn hiểu và động viên tôi. Đặc biệt những hôm tôi làm ca 3, cô ấy cứ thấp thỏm cả đêm cho đến khi thấy tôi về nhà mới yên tâm”. Với anh Quân, những hôm công việc bảo dưỡng quá nhiều một mình anh làm không xuể thì cả gia đình cùng đồng tâm hiệp lực xuống đường. Gia đình anh Thái cả bốn người cùng làm trong ngành đường sắt, góp phần giữ bình yên cho mỗi chuyến tàu... Một đêm nữa lại đến với những người tuần đường với biết bao niềm vui, nỗi buồn. Một chuyến tàu gầm rú xé toang bầu trời đêm, lao mải miết, để lại đằng sau là bóng tối u tịch. Chúng tôi đứng lặng yên trên sân ga vắng nhìn bóng các anh chìm dần giữa màn đêm, ánh đèn mờ dần, mờ dần rồi mất hút. Một chuyến tàu đã đi qua bình yên nhưng các anh vẫn còn đó một đêm không ngủ. Bài và ảnh: MINH ĐỨC