Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola
* Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Thưa bác sĩ! Được biết trong thời gian vừa qua, dịch do virút Ebola bùng phát dữ dội và làm nhiều người tử vong ở một số nước Tây Phi. Để giúp cho người dân trên địa bàn nắm bắt đầy đủ hơn thông tin, chủ động phòng chống, đề nghị bác sĩ cho biết rõ về nguồn gốc và nguyên nhân, triệu chứng của loại bệnh do vi rút này gây ra? - Bệnh do vi rút Ebola (từng được biết đến là bệnh sốt xuất huyết ...

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola

* Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Thưa bác sĩ! Được biết trong thời gian vừa qua, dịch do virút Ebola bùng phát dữ dội và làm nhiều người tử vong ở một số nước Tây Phi. Để giúp cho người dân trên địa bàn nắm bắt đầy đủ hơn thông tin, chủ động phòng chống, đề nghị bác sĩ cho biết rõ về nguồn gốc và nguyên nhân, triệu chứng của loại bệnh do vi rút này gây ra?

- Bệnh do vi rút Ebola (từng được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh tấn công người và động vật có vú (khỉ, gôrila, tinh tinh). Năm 1976, bệnh được phát hiện với hai đợt bùng phát dịch xảy ra đồng thời ở một ngôi làng ven sông Ebola, Cộng hòa Dân chủ Công Gô và ở khu vực xa xôi hẻo lánh ở Sudan. Hiện chưa rõ nguồn gốc của vi rút Ebola, song những bằng chứng hiện có cho thấy có khả năng dơi ăn quả (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của vi rút này. Đa số các ca bệnh do virút Ebola ở người là do lây nhiễm từ người sang người, tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm vi rút, như: quần áo, khăn trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm: cán bộ y tế, thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola. Dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola là sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng; nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán những người nhiễm vi rút Ebola cho thấy số lượng bạch cầu và số lượng tiểu cầu thấp và men gan tăng cao. Thời gian ủ bệnh, hay thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng từ 2 - 21 ngày. Bệnh do vi rút Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm. - Được biết, bình quân mỗi ngày lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Quảng Trị khá đông, đặc biệt là qua về 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, Cửa khẩu cảng Cửa Việt. Vậy, Sở Y tế đã triển khai những công việc gì để đối phó với dịch bệnh do vi rút Ebola, thưa đồng chí? - Dịch bệnh do vi rút Ebola được Tổ chức Y tế Thế giới thông báo tình trạng khẩn cấp mang tính toàn cầu. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, trên cơ sở kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành, đặc biệt là Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phải tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác phòng chống dịch; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để phòng chống dịch, các cơ sở điều trị xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp nhận và điều trị tránh lây lan và hạn chế tử vong khi bệnh xảy ra. Trên cơ sở các điều kiện đã có, Sở xây dựng kế hoạch và đề nghị Bộ Y tế, UBND tỉnh bổ sung, hỗ trợ thêm để đảm bảo đủ các điều kiện phòng bệnh và điều trị bệnh.

Cán bộ kiểm dịch y tế đo thân nhiệt hành khách qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Ảnh: THÁI DƯƠNG

Sở Y tế nhận định, nguy cơ dịch do vi rút Ebola rất có khả năng xảy ra ở Quảng Trị, nhất là trong các mối quan hệ giao lưu văn hóa, du lịch, kinh tế, xã hội... Do đó, ngày 13/8/2014, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Quảng Trị triển khai tờ khai y tế khách qua lại đối với những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh như ở các Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, La Lay và Cảng Cửa Việt. Hiện nay, Sở đang tập trung xây dựng kế hoạch, các tình huống phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, các địa phương tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, tham gia phòng chống dịch bệnh sâu rộng ở khắp các vùng, miền trên địa bàn, nhất là các vùng biên giới, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, tránh gây hoang mang trong cộng đồng. Sở cũng xây dựng 3 tình huống để đối phó với vi rút Ebola: bệnh chưa có ở Việt Nam thì vẫn tăng cường giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời; bệnh đã có ở Việt Nam nhưng chưa có ở Quảng Trị, cần tăng cường giám sát phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn không để bệnh lây lan; bệnh đã có ở Quảng Trị và đã lây lan ra cộng đồng, cần tập trung bao vây khoanh vùng ổ dịch, vừa cách ly cứu chữa, vừa phòng chống, khống chế không để bệnh lây lan; điều trị tích cực, hạn chế tử vong. - Vậy, phương pháp điều trị và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola như thế nào, thưa bác sĩ? - Hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola, nhưng nhiều phương pháp điều trị thuốc đang được phát triển. Biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do vi rút Ebola là cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân. Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành. Động viên và giúp đỡ người có dấu hiệu nhiễm vi rút Ebola đến khám và điều trị tại cơ sở y tế để cách ly. Hạn chế người ra vào khu vực cách ly bệnh, cần bố trí trang thiết bị cần thiết cho khu vực dành riêng cho điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola; cần phân công riêng nhân viên lâm sàng và các nhân viên khác phụ trách các phòng cách ly và khu vực dành riêng này. Ngoài các biện pháp phòng ngừa y tế chuẩn, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm, như khăn trải giường bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. Phải thường xuyên thực hiện vệ sinh tay với xà phòng dưới vòi nước khi tay bị bẩn. Cần có dung dịch rửa tay chứa cồn ở tất cả các phòng bệnh (cạnh lối ra vào, trong phòng bệnh và khu vực cách ly); cũng cần luôn có sẵn vòi nước, xà phòng và khăn lau dùng một lần để sử dụng. Những biện pháp phòng ngừa chính khác gồm: thực hành tiêm an toàn và thủ thuật mở tĩnh mạch an toàn, bao gồm quản lý an toàn các vật sắc nhọn, làm vệ sinh môi trường thường xuyên và thật sạch, khử khuẩn các bề mặt và trang thiết bị, quản lý khăn trải giường bẩn và chất thải. Ngoài ra, cần đảm bảo xử lý an toàn mẫu bệnh phẩm xét nghiệm của bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola, xử lý an toàn thi thể hoặc bộ phận cơ thể người bị tử vong để khám nghiệm pháp y và thủ tục chuẩn bị mai táng an toàn. Cán bộ y tế và nhân viên phụ trách thực hiện những thủ tục như vậy cho bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola phải sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa và thủ tục được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo. - Xin cảm ơn bác sĩ! KÔ KĂN SƯƠNG (thực hiện)