Những vấn đề đặt ra trong việc tạo sinh kế cho người dân vùng biển (Bài 1)
Bài 1: Quyết tâm bám biển (QT) - 16 xã, thị trấn với 102 thôn trong đó có 8.008 hộ dân thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp sau sự cố ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt vào giữa tháng 4/2016. Bên cạnh việc hỗ trợ để người dân vùng biển khắc phục khó khăn trước mắt, vấn đề đặt ra là cần tạo sinh kế để người dân vùng biển đảm bảo sản xuất và đời sống bền vững, lâu dài. Bám biển, đó là quyết tâm và cũng là nguyện vọng của nhiều ngư dân ở các làng ...

Những vấn đề đặt ra trong việc tạo sinh kế cho người dân vùng biển (Bài 1)

Bài 1: Quyết tâm bám biển (QT) - 16 xã, thị trấn với 102 thôn trong đó có 8.008 hộ dân thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp sau sự cố ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt vào giữa tháng 4/2016. Bên cạnh việc hỗ trợ để người dân vùng biển khắc phục khó khăn trước mắt, vấn đề đặt ra là cần tạo sinh kế để người dân vùng biển đảm bảo sản xuất và đời sống bền vững, lâu dài. Bám biển, đó là quyết tâm và cũng là nguyện vọng của nhiều ngư dân ở các làng quê vùng biển trên địa bàn tỉnh, dù biết rằng việc ra khơi giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ngư dân Trần Văn Quang với kết quả thu được sau chuyến đi biển đánh bắt cá cách bờ 17 hải lý

Sau thời gian tạm ngừng đi biển vì tình trạng cá chết hàng loạt, ngư dân Trần Văn Quang, thôn Hà Tây, xã Triệu An, Triệu Phong đã bắt đầu quay trở lại công việc đánh bắt hơn nửa tháng nay. Tuy nhiên, chiếc thuyền làm nghề lưới vây lộng công suất 52 CV vốn lâu nay chỉ đánh bắt cách bờ chừng 5 - 7 hải lý không còn hiệu quả nữa. Sau vụ ô nhiễm môi trường biển, nguồn lợi hải sản ven bờ dường như cạn kiệt. Bằng chứng là những chuyến biển vừa qua có ngày ông Quang chỉ thu được vài cân cá, không đủ phí tổn dầu máy đi lại. Sau những chuyến biển thất bại, sáng ngày 10/7 ông Quang quyết định chuyển vùng đánh bắt ra đảo Cồn Cỏ, cách bờ khoảng 17 hải lý và chuyến biển này ông Quang thu được 1,5 tấn cá nục. Có mặt tại cảng cá Cửa Việt đúng lúc tàu ông Quang vừa cập cảng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng của lão ngư chất phác. Sau những tháng ngày trăn trở lo âu vì đi biển không hiệu quả giờ thì trong vòng một đêm ông Quang đã thu được trên 14 triệu đồng. Thuyền vừa cập bến, toàn bộ số cá nục tươi xanh vừa đánh bắt trong đêm của ông được thu mua với giá 9.500 đồng/kg, tuy giá cá giảm chỉ bằng nửa trước đây nhưng ông Quang vẫn rất phấn khởi vì chuyến biển bội thu này đã xua tan mối lo “biển chết” ám ảnh ông bấy lâu. Không riêng gì tàu cá ông Quang mà hiện nay rất nhiều ngư dân trên vùng biển Cửa Việt, Gio Việt và Triệu An đã vươn ra đánh bắt hải sản bờtừ 15- 20 hải lý và đã thu được rất nhiều cá nục. Nhờ vậy, các lò hấp đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Ông Quang cho biết: “Quen làm nghề biển, nguyện vọng của tôi là được sống ổn định bằng nghề biển. Nay cá ven bờ cạn kiệt nên phải ra đánh bắt xa hơn nhưng thuyền công suất quá nhỏ. Sau chuyến đánh bắt thành công ở đảo Cồn Cỏ, mấy hôm nay thời tiết ổn định nên tôi tiếp tục ra xa trên 15 hải lý nhưng thực tình vừa làm, vừa lo vì sợ không đảm bảo an toàn. Tôi mong được nhà nước hỗ trợ cho đóng chiếc tàu trên 90 CV để yên tâm bám biển”. Thực tế trong số 2.829 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh có gần 93% là tàu đánh bắt khai thác thủy sản ven bờ, chủ yếu là tàu thuyền dưới 20 CV. Vì vậy, sự cố ô nhiễm môi trường biển ven bờ lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân ven biển. Vì vậy nhu cầu tăng năng lực sản xuất cho đội tàu đánh bắt, khai thác biển của ngư dân là điều cần thiết. Hiện Quảng Trị đang tích cực triển khai thực hiện việc đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng hỗ trợ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 phải là tàu cá từ 400 CV trở lên nên số lượng ngư dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn này rất ít trong khi đại bộ phận ngư dân lại mong muốn được đóng mới, nâng cấp tàu từ 90 CV trở lên. Đây là loại tàu đánh bắt trung, xa bờ phù hợp năng lực tài chính và kỹ năng nghề nghiệp của nhiều ngư dân nhưng hiện nay nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi để ngư dân đóng mới, nâng cấp. Vì vậy, tỉnh cần xem xét đề xuất Trung ương về chính sách hỗ trợ đặc thù trong việc phát triển khai thác biển cho ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng. Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chính sách đặc thù này rất cần thiết đối với Quảng Trị vì đây là nguyện vọng của nhiều ngư dân bị thiệt hại. Việc hỗ trợ có thể bằng cách cho các hộ gia đình đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới gồm giá trị con tàu và ngư lưới cụ với giá trị khoảng 1 tỉ đồng. Với những gia đình ngư dân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu công suất từ 90 CV trở lên cần được hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 CV tăng thêm. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ ngư dân các chi phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá cũng như kinh phí mua bảo hiểm tàu và tai nạn thuyền viên cho loại tàu cá từ 90 CV trở lên… Một thực tế hiện nay là tỉnh đang khuyến khích ngư dân nâng cấp, đóng mới các loại tàu công suất lớn nhưng luồng lạch ra vào, khu neo đậu, bến bãi cho tàu thuyền chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cảng cá, khu dịch vụhậu cần nghề cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ dù đã được phê duyệt dự án giai đoạn 2 nhưng thiếu kinh phí nên việc triển khai thực hiện chậm. Trong lúc đó hàng năm lượng cát bồi lấp mạnh ở các khu vực cửa biển và luồng lạch nên hiện nay các tàu thuyền ra vào bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão gặp rất nhiều khó khăn do mắc cạn. Vì vậy, bên cạnh việc tăng số lượng, công suất tàu cá thì việc hoàn thiện hạ tầng phục vụ khai thác thủy, hải sản cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu kinh tế biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Còn nữa Bài, ảnh: LÂM THANH