Hạnh phúc khi được truyền cảm hứng đọc sách
(QT) - Từ một thầy giáo trường làng, với tình yêu sách mãnh liệt, anh PHAN VĂN HIỀN đã vinh dự trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với anh về những nỗ lực của bản thân và dự định trong thời gian tới.

Hạnh phúc khi được truyền cảm hứng đọc sách

(QT) - Từ một thầy giáo trường làng, với tình yêu sách mãnh liệt, anh PHAN VĂN HIỀN đã vinh dự trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với anh về những nỗ lực của bản thân và dự định trong thời gian tới.

- Chào anh Phan Văn Hiền! Đề nghị anh giới thiệu với độc giả một số thông tin về bản thân và Tổ chức We Love Reading?

- Tôi sinh năm 1977, hiện là giáo viên Trường Tiểu học số 2 Triệu Long, huyện Triệu Phong. Tôi thích đọc sách từ nhỏ. Mới đây, tôi rất vinh dự trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading. Đây là tổ chức được thành lập vào năm 2006 bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Rana Dajani, người Jodan. Hiện nay, bà Rana Dajani đang nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard. We Love Reading là dự án xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách cho trẻ em. Dự án này được UNESCO trao giải thưởng dự án đọc hay nhất năm 2017 và đã được triển khai ở gần 30 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Tổ chức We love Reading ra đời vào tháng 10 năm 2017.

- Như anh chia sẻ, bản thân anh là người rất yêu thích đọc sách. Tình yêu ấy đã được anh nuôi lớn như thế nào?

- Từ bé, tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng tôi có niềm đam mê rất lớn với sách. Tôi tìm kiếm từng cuốn sách để đọc, qua đó học nhiều điều hay. Lớn lên, việc đọc sách đã trở thành thói quen đối với tôi. Tôi cũng đọc sách một cách có ý thức hơn. Sau này, khi làm giáo viên, dẫu khá bận rộn, tôi vẫn luôn nhắc nhủ bản thân không từ bỏ thói quen đọc sách và giúp học sinh tạo dựng thói quen tốt này. Đến lúc có con, tôi lại dành thời gian đọc sách cùng con, truyền tình yêu con chữ cho con.

- Phải chăng tình yêu ấy chính là mối lương duyên dẫn anh đến với Tổ chức We Love Reading?

- Tôi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức We Love Reading vào tháng 12/2017. We Love Reading Việt Nam hướng đến việc hình thành tình yêu, thói quen đọc sách ở trẻ thông qua việc đào tạo kỹ năng cho các bậc phụ huynh. Chính những người làm cha, làm mẹ sẽ trở thành Đại sứ đọc của con mình cũng như trẻ hàng xóm. Cùng với đó, họ sẽ góp sức xây dựng những thư viện thu nhỏ ở cộng đồng, khu cư dân đang sống. Thấy được ý nghĩa, tính nhân văn trong những hoạt động của Tổ chức We Love Reading, tôi đã đăng kí để được tuyển chọn làm Đại sứ đọc.

- Để trở thành Đại sứ đọc chính thức, anh đã trải qua quá trình tuyển chọn như thế nào?

- Để trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading, ứng viên phải trả lời các câu hỏi mà Tổ chức gửi qua email. Sau khi được tuyển chọn, tôi và các thành viên khác trở thành Đại sứ đọc thực tập. Chúng tôi được đào tạo qua các buổi giao lưu, gặp gỡ trực tiếp và lớp học online trên mạng Internet với những chuyên gia hàng đầu về giáo dục, trẻ em ở Pháp, Mỹ , Úc, Việt Nam... Đại sứ đọc thực tập được giao nhiệm vụ xây dựng câu lạc bộ đọc sách theo mô hình của We love Reading Việt Nam. Chúng tôi liên tục tương tác với Ban điều hành của Dự án thông qua phần mềm Google classroom. Khi tích đủ 2.000 điểm theo các tiêu chí của Tổ chức We Love Reading, Ban điều hành sẽ xét duyệt để Đại sứ đọc thực tập trở thành Đại sứ đọc chính thức. Vừa qua, tôi vinh dự là một trong 35 người được Tổ chức We Love Reading Việt Nam công nhận là Đại sứ đọc chính thức.

Anh Phan Văn Hiền trò chuyện với các em học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách. Ảnh: Q.H

- Việc trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We love Reading có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với anh?

- Tôi cảm thấy hạnh phúc và luôn nêu cao ý thức truyền cảm hứng đọc sách cho con đến các bậc phụ huynh khác. Cùng với đó, tôi nhắc nhở bản thân nỗ lực khơi dậy văn hóa đọc trong các bạn trẻ. Tôi cũng có hiểu biết sâu sắc hơn về việc chọn lựa sách phù hợp với các độ tuổi của trẻ và giúp các em đọc sách sao cho đúng, hiệu quả. Đó là những điều ý nghĩa nhất mà Tổ chức We Love Reading mang lại cho tôi.

- Từ thực tế đã trải nghiệm, anh đánh giá như thế nào về thói quen đọc sách của người dân ngày hôm nay?

- Ở Việt Nam, tỷ lệ dân số biết đọc biết viết rất cao nhưng số người đọc sách lại ít. Đây là một nghịch lí đáng buồn. Theo một số liệu của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo/năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một số liệu khác cho thấy, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số Việt Nam. Số người thỉnh thoảng cầm sách để đọc là 44%. Tuy nhiên, thực tế đáng trăn trở ấy đang thay đổi khi ngày có càng nhiều người hiểu được lợi ích của việc đọc sách. Cũng như ở các tỉnh, thành khác, tại Quảng Trị, các cấp, ngành và người dân địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, qua đó có các hoạt động cụ thể, đầy ý nghĩa như: Tổ chức Ngày Sách Việt Nam; thành lập các Câu lạc bộ Đọc sách cùng con; xây dựng các thư viện, tủ sách công cộng; tổ chức các buổi tọa đàm, trò chuyện nhóm truyền cảm hứng đọc sách…

- Thời gian qua, anh đã có những hoạt động gì để truyền tình yêu sách cho mọi người?

- Tôi luôn nỗ lực tổ chức, triển khai và tham gia các hoạt động truyền tình yêu sách đến mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh và em nhỏ. Bước đầu, tôi chú tâm vào các hoạt động tuyên truyền, tạo nguồn cảm hứng. Mới đây nhất, tôi vừa tham gia các hoạt động của Dự án Sách hóa nông thôn Quảng Trị, trao tặng 63 tủ sách cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Triệu Phong. Trước đó, tôi tham gia chương trình “Bàn tròn QRTV” của Đài PT-TH tỉnh về khơi dậy văn hóa đọc cho giới trẻ. Nhân Ngày sách Việt Nam, tôi đã có những chia sẻ với mọi người về tầm quan trọng của việc đọc sách cùng con, nhận được rất nhiều sự quan tâm. Với tư cách là Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading, tôi đã nhận được nhiều lời mời của các ngôi trường trên địa bàn đến trò chuyện với các em học sinh. Dù khá bận rộn nhưng tôi luôn cố gắng thu xếp tham gia để chia sẻ với các bạn nhỏ về lợi ích của việc đọc sách; những cuốn sách hay; sự ra đời của Tổ chức We Love Reading…

- Vậy, những hoạt động dành cho các bậc phụ huynh và con nhỏ thì sao, thưa anh?

- Tôi đang bắt tay triển khai Dự án Đọc sách cùng con. Tôi sẽ nỗ lực vận động các ông bố, bà mẹ dành thời gian đọc sách cùng con, tạo cho đứa trẻ mình sinh ra thói quen đọc sách. Bố mẹ sẽ cùng con lựa chọn những cuốn sách hay để đọc và cùng đọc sách. Họ cũng chính là người giúp con có cách đọc sách đúng.

- Theo anh, việc đọc sách cùng con có ý nghĩa như thế nào?

- Việc bố mẹ đọc sách cùng con sẽ giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, qua đó góp phần giáo dục trẻ thuận lợi hơn. Một đứa trẻ có thói quen đọc sách sẽ có sự nhìn nhận sâu sắc trong cuộc sống; học được nhiều điều tốt đẹp; luôn nỗ lực để trở thành người có ích…

- Ngoài nỗ lực xây dựng Dự án Đọc sách cùng con, anh đang ấp ủ những kế hoạch, dự định gì trong thời gian tới?

- Sau khi trở thành Đại sứ đọc chính thức của We Love Reading Việt Nam, tôi luôn khát khao và không ngừng nỗ lực để làm lan tỏa, truyền cảm hứng, giúp xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách cho con đến các bậc phụ huynh cũng như khơi dậy văn hóa đọc của giới trẻ. Trước mắt, tôi dự định xây dựng đội ngũ Đại sứ đọc thực tập ở Quảng Trị, giúp họ trở thành Đại sứ đọc chính thức của Tổ chức We Love Reading Việt Nam. Họ sẽ cùng tôi làm lan tỏa, truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ em, phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, tôi đã lên kế hoạch xây dựng nhiều tủ sách cộng đồng ở các thôn xóm, bản làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Rất mong các mạnh thường quân sẽ quan tâm, đồng hành với tôi và những người yêu đọc sách khác để làm nên nhiều điều ý nghĩa.

- Xin cảm ơn anh!

Tây Long (thực hiện)