Chiến trường mới của cuộc chiến chống khủng bố
QĐND - Trong một bài viết mới đây, hãng tin BBC cho rằng khu vực Sahel của châu Phi đang trở thành chiến trường mới của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu...

Chiến trường mới của cuộc chiến chống khủng bố

QĐND - Trong một bài viết mới đây, hãng tin BBC cho rằng khu vực Sahel của châu Phi đang trở thành chiến trường mới của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu...

Mảnh đất màu mỡ của khủng bố

Khu vực Sahel rộng lớn (gồm các nước Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, Burkina Faso, CH Chad, Sudan và Eritrea) đã trở thành một điểm nóng bạo lực kể từ khi miền Bắc Mali rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm thánh chiến liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda vào năm 2012. Tuy rằng phần lớn các phần tử cực đoan đã bị đẩy lùi sau một chiến dịch quân sự lớn do Pháp khởi xướng hồi năm 2013, tình hình bạo lực đang ngày càng leo thang tại Sahel trong những năm gần đây với việc các nhóm vũ trang có quan hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng miền Trung và miền Bắc Mali như một bàn đạp để tiến hành các cuộc tấn công trên khắp khu vực này.

BBC cho biết, bộ máy chính phủ yếu kém, nạn tham nhũng, chia rẽ sắc tộc, cùng với hạn hán, đói nghèo, thất nghiệp, bùng nổ dân số... biến khu vực Sahel trở thành mảnh đất màu mỡ để chiêu mộ một thế hệ phiến quân Hồi giáo mới. “Nếu bạn không có gì để làm ngoài việc suốt ngày lêu lổng, cuối cùng rồi bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực và bị cực đoan hóa. Bạn sẽ buộc phải đứng về phía các nhóm cực đoan. Chính điều đó gây nên bất ổn an ninh tại đây”, Djougal Goro, một thanh niên ở thị trấn Mopti của Mali chia sẻ với BBC.

Binh lính Pháp tại Mali. Ảnh: BBC

“Vùng đất chết chóc nhất”

Theo BBC, gần 14.000 binh sĩ Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Mali (MINUSMA) đến từ gần 60 quốc gia khác nhau thường xuyên là mục tiêu tấn công của các tay súng thánh chiến hoạt động tại miền Bắc và Trung Mali, khiến nơi đây trở thành “vùng đất chết chóc nhất” đối với các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ được triển khai trên thế giới. Trong 5 năm qua, bức tường tưởng niệm các binh sĩ MINUSMA ngã xuống liên tục được bổ sung thêm nhiều cái tên. Và giờ đây, người ta đang dựng thêm hai bức tường tưởng niệm tương tự khác.

“Trong khi LHQ tập trung vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình, Pháp và Mỹ đang dẫn đầu các chiến dịch tìm và diệt khủng bố. Các lực lượng nước ngoài đang nhanh chóng quân sự hóa khu vực sa mạc Sahara”, BBC nhấn mạnh.

Tại sao là Sahel?

Một đường băng đang được xây dựng tại căn cứ không quân 201 của Mỹ ở miền Bắc Niger. Ban đầu, căn cứ này dự định được sử dụng để tiến hành các cuộc không kích và các hoạt động do thám bằng máy bay không người lái. Thế nhưng không chỉ có vậy, với chi phí 110 triệu USD, căn cứ không quân 201 có đủ chỗ hạ cánh cho các máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Mỹ và sẽ có 800 binh lính đóng quân tại đây. “Đó là bằng chứng cụ thể cho thấy dấu chân của quân đội Mỹ đang có mặt ở khắp khu vực Sahara”, BBC khẳng định.

Theo BBC, hiện có ít nhất 7.000 binh lính đóng quân tại 34 căn cứ quân sự của Mỹ ở khắp châu Phi và thực tế có thể còn có nhiều căn cứ bí mật khác nữa. Điều đáng nói là hầu như rất ít người Mỹ hay Niger biết đến sự tồn tại của các chiến dịch quân sự mà Mỹ tiến hành tại “lục địa đen” cho đến khi xảy ra vụ việc 4 lính Mỹ bị thiệt mạng vì rơi vào ổ phục kích của phiến quân Hồi giáo gần ngôi làng Tongo Tongo ở Tây Nam Niger hồi tháng 10 năm ngoái.

Dư luận không khỏi hoài nghi vì sao Washington lại triển khai 800 binh lính tới Niger-một quốc gia xa xôi mà hầu như rất ít người Mỹ có thể xác định được vị trí của nó trên bản đồ thế giới. Lý giải điều này, Thiếu tướng Mark Hicks, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của Mỹ tại châu Phi, cho biết chính sự lớn mạnh của các chi nhánh thuộc al-Qaeda và IS tại đây đã biến Sahel trở thành một khu vực “tối quan trọng”. “Nếu chúng ta không nắm lấy cơ hội để xử lý chúng bây giờ thì sau này sẽ tốn sức người và sức của hơn rất nhiều”, Thiếu tướng Mark Hicks trả lời phỏng vấn BBC.

Trong khi đó, Pháp hiện có 4.500 binh lính đồn trú tại khu vực Sahel. Paris đã thực hiện chiến dịch chống khủng bố mang tên "Barkhane" tại khu vực này trong suốt 5 năm qua với nhiều cuộc không kích bằng máy bay không người lái và đột kích trên bộ của lực lượng đặc nhiệm nhằm vào thủ lĩnh và những kẻ chế tạo bom của các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Kịch bản tồi tệ nhất

Theo BBC, sau nhiều năm bất đồng về chiến lược và hệ tư tưởng, vào tháng 3-2017, 4 nhóm cực đoan có liên hệ với al-Qaeda đã hợp nhất thành Jamaat Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM)-nhóm thánh chiến khét tiếng nhất tại khu vực Sahel hiện nay. “Hợp nhất lại, chúng đã tạo nên một lực lượng hiệu quả hơn bởi nhóm nào cũng có phạm vi ảnh hưởng riêng. Giờ đây, chúng có thể chia sẻ tin tức tình báo và công nghệ chế tạo bom với nhau. Thế nhưng, bức tranh tại khu vực Sahel còn phức tạp hơn bởi sự hiện diện của nhiều nhóm cực đoan khác”, BBC nhận định.

Tuy rằng al-Qaeda và IS không có khả năng hợp nhất do khác biệt về hệ tư tưởng, song có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng có thể bắt tay với nhau ở một phương diện nào đó tại khu vực Sahel. Người ta lo ngại sau sự sụp đổ của cái gọi là Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) tại Iraq và Syria, các tay súng IS có thể chuyển địa bàn tới Sahel, mang theo đó là những chiến thuật và công nghệ chế tạo bom tinh vi. “Kịch bản tồi tệ nhất là khả năng các tổ chức cực đoan bạo lực bắt tay với nhau”, Thiếu tá Moussa Salaou Barmou, Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Niger, khẳng định với BBC.

HOÀNG VŨ