Một sân chơi bổ ích cho trẻ em nông thôn
(QT) - Với sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Quảng Trị, một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thành lập các Câu lạc bộ (CLB) đọc sách cho trẻ. Dù quy mô hoạt động còn ở mức độ nhất định nhưng các CLB đọc sách đã trở thành sân chơi bổ ích giúp trẻ em nông thôn phát triển kỹ năng ngôn ngữ, kích thích sự sáng tạo và nuôi dưỡng ước mơ trong mỗi tâm hồn trẻ thơ.
.jpg) |
Chăm đọc sách là một thói quen tốt |
Địa bàn huyện Hải Lăng hiện có 8 CLB đọc sách cho trẻ, trong đó có 3 CLB hoạt động tại trường và 5 CLB hoạt động tại nhà văn hóa thôn. Các CLB đọc sách bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2012. Sau sự hỗ trợ ban đầu của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, đến nay các CLB đọc sách cho trẻ trên địa bàn huyện Hải Lăng đã duy trì nền nếp hoạt động được gần 3 năm. Mỗi CLB đọc sách có một hướng dẫn viên là giáo viên và 7 hướng dẫn viên là cha mẹ học sinh. Định kỳ 2 lần/tháng, trẻ em ở đây được các hướng dẫn viên tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa cộng đồng thôn. Bên cạnh hình thức đọc sách cho trẻ nghe, các hướng dẫn viên còn khuyến khích trẻ đọc sách nhằm tăng cường kỹ năng đọc sách cho các em. Trong các buổi đọc các em còn được chơi các trò chơi luyện đọc; thi đọc truyện diễn cảm, đố vui, trả lời câu hỏi, phân tích nội dung, ý nghĩa câu chuyện, kể lại câu chuyện bằng cách vẽ tranh và suy ngẫm các giá trị trong câu chuyện. Ngoài đọc sách ở CLB, các em còn mượn thêm sách về nhà đọc. Nhờ tham gia các CLB đọc sách nhiều em nhỏ đã trở nên mạnh dạn, tự tin và tiến bộ hơn trong học tập. Trước khi tham gia CLB đọc sách thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, em Lê Đức Phú vốn nhút nhát, ít nói và rụt rè trước đám đông. Khi CLB đọc sách thôn Trà Lộc ra đời cũng là lúc Phú chuẩn bị vào học lớp 1. Mẹ em rất lo lắng vì sợ con mình bị tự kỷ nên mỗi lần CLB sinh hoạt chị đều sắp xếp thời gian dẫn con đến tham gia sinh hoạt với các bạn. Chỉ sau một thời gian Phú trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, em bắt đầu mạnh dạn nói chuyện với mọi người, tham gia trò chơi và vui chơi với các bạn. Thấm thoắt đã gần 3 năm trôi qua, bây giờ Phú đã chuẩn bị vào học lớp 3 và 2 năm học qua Phú luôn là học sinh có khả năng đọc lưu loát, diễn cảm nhất lớp. Dù đã bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đến thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh), rất dễ bắt gặp hình ảnh các em nhỏ say sưa bên trang sách. Để CLB đọc sách hoạt động hiệu quả như bây giờ, Ban chủ nhiệm CLB đọc sách thôn Liêm Công Tây đã có nhiều cách làm hay, tạo sự liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ban chủ nhiệm CLB và các hướng dẫn viên gồm cha mẹ học sinh, thành viên chi hội phụ nữ thôn và đoàn viên thanh niên cùng bàn bạc, lựa chọn danh mục sách phù hợp với lứa tuổi. Mỗi tổ chức hội xác định rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho CLB. Ví dụ hội phụ nữ đảm nhiệm việc lựa chọn và giám sát hoạt động của hướng dẫn viên; ban giám hiệu nhà trường cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho hướng dẫn viên là cha mẹ học sinh; đoàn thanh niên cử cán bộ cùng tham gia tổ chức trò chơi trước khi bắt đầu vào buổi đọc sách. Bên cạnh đó giáo viên phụ trách và phụ huynh cũng được tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động để buổi sinh hoạt phong phú về hình thức và nội dung nhằm thu hút trẻ tham gia. Một số hướng dẫn viên chọn sách cho trẻ đọc theo chủ điểm, một số khác chọn sách theo sự kiện xảy ra trong tháng, tuần. Khi hướng dẫn đọc sách, các hướng dẫn viên đã cố gắng tạo sự liên hệ giữa nội dung câu chuyện với tình huống, ngữ cảnh cụ thể ở địa phương. Trong giờ đọc, học sinh có cơ hội được thay phiên nhau đọc hoặc đọc theo nhóm. Các em cũng trả lời các câu hỏi khác nhau để tìm hiểu về nội dung câu chuyện và thể hiện những suy nghĩ đánh giá của mình về nội dung, ý nghĩa của nó... Với những hoạt động trên, trẻ em tham gia sinh hoạt CLB đọc sách đã có nhiều tiến bộ về khả năng đọc, viết, giao tiếp; mạnh dạn diễn đạt suy nghĩ, ý kiến của mình trước các bạn khác và nhiều em đã hình thành được thói quen đọc sách thường xuyên. Chị Lê Hoài Phương, hướng dẫn viên CLB đọc sách thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành chia sẻ: “Khi hướng dẫn trẻ đọc truyện, tôi không làm theo các bước lên lớp như sách giáo viên hướng dẫn mà đôi khi tôi yêu cầu các em tự chọn hoạt động và cố gắng phát huy sáng kiến của trẻ trong việc xây dựng các hoạt động để buổi đọc sách thú vị hơn. Bọn trẻ cũng cảm thấy được tôn trọng và sẵn sàng tham gia. Tôi thường xuyên nhìn vào mắt trẻ, nếu thấy các cháu chán thì tôi đổi chủ đề hay hoạt động ngay để thu hút sự tham gia của trẻ.” Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 14 CLB đọc sách cho trẻ thu hút trên 500 trẻ em lứa tuổi từ 6 – 11 tham gia sinh hoạt. Nhờ tham gia CLB nên nhiều học sinh vốn chỉ say mê game trực tuyến và các phim hoạt hình có tính bạo lực nay đã dành nhiều thời gian để đọc sách và giao lưu, hòa nhập cùng các bạn để tiến bộ. Cũng qua CLB, các bậc phụ huynh hiểu hơn tình cảm, tâm lý và sở thích của trẻ để định hướng và tìm những cuốn sách, câu chuyện phù hợp để đồng hành cùng trẻ trên từng trang sách nhỏ. Bài, ảnh: MAI LÂM