Thông điệp tích cực từ chuyến vi hành của Thủ tướng
(QT) - Cho đến bây giờ trong tôi vẫn dào dạt cảm xúc khi bản tin thời sự trưa ngày 27/9/2016 của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin và hình ảnh 5 giờ sáng ngày hôm đó, khi mà nhiều người đang chìm trong giấc ngủ say thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra tại chợ đầu mối rau quả Long Biên, sau đó đến cánh đồng rau xã Văn Đức (Hà Nội) để trò chuyện với nông dân về trồng ...

Thông điệp tích cực từ chuyến vi hành của Thủ tướng

(QT) - Cho đến bây giờ trong tôi vẫn dào dạt cảm xúc khi bản tin thời sự trưa ngày 27/9/2016 của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin và hình ảnh 5 giờ sáng ngày hôm đó, khi mà nhiều người đang chìm trong giấc ngủ say thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra tại chợ đầu mối rau quả Long Biên, sau đó đến cánh đồng rau xã Văn Đức (Hà Nội) để trò chuyện với nông dân về trồng rau an toàn. Đây là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra, nên những người bán hàng ở chợ Long Biên và những người đang làm việc trên cánh đồng rau đã rất ngạc nhiên vì sự có mặt của Thủ tướng. Sự kiện này đã chuyển đi một thông điệp tích cực rằng Chính phủ không chỉ nói, không chỉ ban hành các chỉ thị, nghị quyết mà đang hành động thực sự. Người lãnh đạo cao cấp không chỉ biết lo cái lớn mang tầm vĩ mô mà đang quan tâm đến những chuyện nhỏ hàng ngày như miếng cơm, manh áo của người dân. Thủ tướng đã thực sự trăn trở trước nỗi lo lắng của nhiều người dân về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Mặc dù trước đó tại diễn đàn Quốc hội khóa XIII, có vị Bộ trưởng đã nói “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”, rằng “Các bộ, ngành đã có sự phối hợp tốt trong kiểm tra an toàn thực phẩm”, song Thủ tướng không an tâm, mà lắng nghe từ phía người dân nhiều hơn về an toàn thực phẩm khi mà trong từng bó rau, con cá, miếng thịt dùng hàng ngày không mấy ai an tâm; khi mà mỗi năm có hàng ngàn người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm; khi hàng năm chúng ta sử dụng tới 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, rồi chất tạo nạc, hàn the, chất bảo quản không đúng quy chuẩn... Từ nỗi lo này Thủ tướng cùng với Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm vào tháng 4/2016. Tại hội nghị này Thủ tướng nhấn mạnh: “An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế, do đó chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”. Thủ tướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình. Không những thế, đến ngày 9/5/2015 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13 về “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”. Trong đó yêu cầu “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP”. Những người bán hàng ở chợ Long Biên (Hà Nội) và những người xem truyền hình chắc chắn sẽ phải có trăn trở, suy nghĩ cân nhắc khi có hành động sai trái làm mất an toàn thực phẩm, khi mà Thủ tướng đã đến tận nơi để trao đổi với người buôn bán về vấn đề trách nhiệm đảm bảo ATTP và lương tâm, đạo đức của người kinh doanh, nhấn mạnh thực phẩm phải được kiểm tra, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho người sử dụng; không vì cái lợi của mình mà ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Sau khi xem truyền hình và nghe những lời căn dặn của Thủ tướng, một bà nội trợ ở thành phố Đông Hà nói với chúng tôi rằng: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người có tâm, sâu sát, trăn trở và đang lo cho dân thực sự. Đó là vị lãnh đạo đáng tin tưởng”. Người viết bài này cũng có chung suy nghĩ như thế. Bởi sau khi nhậm chức, ngồi ghế chưa nóng, Thủ tướng đã có những việc làm nức lòng dân khi tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trong suốt 5 giờ vào ngày 29/4/2016, Thủ tướng nhắc lại nhiều lần “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, từ đó xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, là đối tượng phục vụ, chứ không phải là đối tượng quản lý. Tiếp đó Thủ tướng đã đối thoại với hơn 3.000 công nhân các tỉnh, thành phố phía Nam nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngồi rất gần với họ, nghe họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng để từ đó sửa đổi, hoàn thiện chủ trương chính sách; đồng thời cũng mong muốn công nhân không ngừng vươn lên nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, vững vàng trong xu thế hội nhập… Lâu nay không ít cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp thích đi xe hơi và ngồi phòng máy lạnh, ít khi đến với người dân, ngại tiếp xúc, ngại nghe người dân nói, vì sợ họ nói những điều chột dạ nên càng xa dân nhiều hơn. Vì thế việc làm của Thủ tướng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là chuyến vi hành ngày 27/9 làm cho mỗi cán bộ, đảng viên - những người đang được giao các chức trách, nhiệm vụ phải suy nghĩ, tự vấn mình, cần phải làm gì để mang lại lợi ích cho người dân, cho sự đổi thay, phát triển, hội nhập của đất nước... Dĩ nhiên mỗi mình Thủ tướng hoặc Chính phủ không thể giải quyết được mọi chuyện mà phải có sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, lúc đó vấn đề an toàn thực phẩm và những vấn đề khác của đất nước mới có điều kiện để giải quyết tốt hơn, mang lại những đổi thay tích cực trong cuộc sống của người dân trên đất nước ta. NB