(QT) - Trong quyết định công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) đợt này có tới 1.226 người được phong hàm, gần gấp đôi so với năm 2016 (702 người). Nhiều GS, PGS có tâm trạng nơm nớp lo âu khi mới đây, Thủ tướng có công văn yêu cầu rà soát lại vấn đề phong hàm trên.
Một trong những nguyên nhân gây nên “sự công nhận đông đúc” này đã được nói rõ: đây là “chuyến tàu cuối” theo quyết định 174 bởi sau đợt này, tiêu chuẩn xét phong sẽ có nhiều thay đổi, việc được công nhận GS, PGS sẽ khó khăn hơn. Mà được công nhận GS, PGS có những quyền lợi gì thì chỉ cần vào “google” tra cứu sẽ có đầy đủ thông tin. Chính vì thế, học hàm này, thay vì công nhận những cống hiến cho khoa học, bỗng nhiên bị nhiều người biến thành miếng bánh quyền lợi.
Cũng vì những điều đó nên khi dư luận có những nghi ngại về chất lượng cũng như số lượng đột biến ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1418/ VPCP-KGVX ngày 8/2/2018 đề nghị Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét, kiểm tra lại việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm nay. Ngay sau đó, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã có công văn gửi các Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước các ngành, liên ngành yêu cầu rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo chất lượng xét duyệt theo quy định hiện hành, báo cáo Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trước ngày 18/2. Tuy nhiên, do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát đến hết ngày 28/2.
Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi rà soát, trong số những người được công nhận GS, PGS năm 2017 có các ứng viên bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Dư luận quan tâm đến kết quả thực sự của chất lượng học hàm, nhưng có lẽ điều còn lớn hơn cả chuyện học hàm kia, chính là đóng góp thực sự của họ cho khoa học nước nhà.
Lần giở lại các con số tư liệu về chuyện này, mấy năm trước, một vị chuyên viên đối ngoại ở Học viện Hành chính Quốc gia đã thống kê rằng tính từ cấp hàm thứ trưởng trở lên, số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Còn nói đến số lượng công trình khoa học của các tiến sĩ ở Việt Nam thì có lẽ khỏi nhắc vì báo chí đã nói đến quá nhiều! Cụ thể như câu chuyện về những chiếc máy thiết thân với người nông dân như hái lạc, bóc bẹ ngô, hút bùn, máy cạo mủ cao su, thu hái cà phê...mà lâu nay ta vẫn nghe báo đài nhắc đến lại là những công trình sáng tạo hoàn toàn “made in nông dân” chứ không phải từ những người có học vị học hàm hay bằng cấp.
Bao giờ thì người dân có thể gửi gắm niềm tin vào những học hàm học vị thực sự mang lại lợi ích, hiệu quả cho họ? Chừng nào thì sẽ thôi đi việc tìm cách có được học hàm học vị bằng mọi giá để được kèm theo quyền lợi thiết thân cho chính họ hơn là sự cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc, trong khi phẩm chất cao quý đầu tiên của một trí thức, chính là sự trung thực và chính trực!
Trí thức hay kẻ sĩ, trước tiên là sự chính trực, sau đó mới nói đến những cống hiến phát minh hay ngàn lẻ một những điều kiện, tiêu chuẩn này khác!
Lê Đức Dục