Vừa qua, UBND huyện Vĩnh Linh nhận được đơn phản ánh, kiến nghị của bà Phan Thị Tư, trú tại khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng liên quan đến chủ trương bồi thường mặt hàng thủy sản tẩm ướp tồn kho hơn 5 năm nay tại thị trấn Cửa Tùng cho một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.
![]() |
Bà Phan Thị Tư kiến nghị với lãnh đạo huyện Vĩnh Linh tại buổi làm việc ở thị trấn Cửa Tùng - Ảnh: T.T |
Trong đơn do 18 người cùng ký tên, bà Phan Thị Tư đại diện cho các hộ kinh doanh thủy sản tại thị trấn Cửa Tùng phản ánh: Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Chi cục Bảo vệ Môi trường cùng các cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy 500 tấn thủy sản tẩm ướp tồn kho sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của 4 cơ sở chế biến thủy sản gồm: Bà Lê Thị Huỳnh, trú tại khu phố An Du Đông 2, tồn kho 269,691 tấn; hộ ông Lê Thanh Tùng, trú tại khu phố An Hòa 2 tồn kho 82,5 tấn; bà Phan Thị Xiêm, trú tại khu phố An Đức 3 tồn kho 62,241 tấn; bà Trần Thị Xây, trú tại khu phố Quang Hải tồn kho 16,4 tấn. “Là một trong những hộ kinh doanh, chế biến thủy sản, chúng tôi đồng tình với chủ trương nhà nước hỗ trợ tiêu hủy thủy sản tồn kho. Tuy nhiên, chính sách bồi thường đã bị các đối tượng lợi dụng, trục lợi. Sau lần bồi thường đợt 1, chúng tôi đã phản ánh nên các cơ quan chức năng vào cuộc và thu hồi số tiền được hỗ trợ của 5 cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng. Lần này, một cơ sở sản xuất, thu mua thủy sản tiếp tục khiếu kiện đòi nhà nước bồi thường thủy sản tẩm ướp tồn kho hơn 5 năm nay. Nếu nhà nước chấp thuận việc bồi thường thì chúng tôi rất bất bình. Vì chúng tôi khẳng định số thủy sản tẩm ướp tồn kho trên là khai khống và thu mua tàng trữ sau tháng 9/2016, sau đó hợp thức hóa chứng từ nhằm gây sức ép với chính quyền và đòi bồi thường”, bà Tư nói.
Theo bà Tư, tại thời điểm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển (tháng 4/2016), các cơ sở sản xuất nước mắm đã tiêu thụ hết số lượng hàng trong kho. Đối với thủy sản tẩm ướp để làm nước mắm, số lượng nhập có hạn vì vào tháng 4/2016 chưa vào vụ khai thác cá làm nước mắm. Trong đơn phán ánh, bà Tư cũng tố cáo chị Nguyễn Thị Lan (chủ một cơ sở chế biến thủy sản tại thị trấn Cửa Tùng) đã thu mua sứa và đưa về tạm trữ trong kho xăng dầu cũ ở cảng Cửa Tùng. Đây là hành vi gian dối, cần phải làm rõ vì trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng không có hộ nào tồn kho loại hàng này. Vì vậy, bà Tư cùng nhiều người khác kiến nghị UBND tỉnh không bồi thường số thủy sản tẩm ướp tồn kho đã tiêu hủy vừa qua với lý do việc xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đến nay đã hơn 5 năm, việc bồi thường sẽ không chính xác, không đúng đối tượng. Bà Tư cũng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ cơ sở nước mắm Huỳnh Kế của bà Lê Thị Huỳnh tại thời điểm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đang đóng tại thôn An Du Đông 2, xã Vĩnh Tân (cũ). Năm 2020, xã Vĩnh Tân mới sáp nhập vào thị trấn Cửa Tùng. Cơ sở sản xuất, hộ khẩu của bà Huỳnh ở Vĩnh Tân không thuộc vùng bị ảnh hưởng nên không được bồi thường theo quy định...
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị do bà Phan Thị Tư đứng tên và có chữ ký của 17 người khác, UBND huyện Vĩnh Linh đã thành lập tổ xác minh do Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn làm tổ trưởng. Tại buổi làm việc với bà Phan Thị Tư và những hộ kinh doanh, chế biến thủy sản trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng, ông Tuấn yêu cầu phía bà Tư cung cấp chứng cứ, tài liệu bằng văn bản về thông tin số thủy sản tẩm ướp tồn kho tại 5 cơ sở chế biến nói trên là khai khống và thu mua tàng trữ sau tháng 9/2016. Tuy nhiên, bà Tư không cung cấp được bằng chứng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Tổ xác minh sẽ tiếp nhận và xác minh thông tin kiến nghị, phản ánh của bà Tư. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”.
Để đưa thông tin khách quan đến bạn đọc, chúng tôi đã gặp và trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh, trú tại khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng. Bà Huỳnh cho biết vừa gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an huyện Vĩnh Linh để tố cáo bà Phan Thị Tư vì đã có hành vi tống tiền, vu khống mình. “Bà Phan Thị Tư đã thông qua ông L.T.T, trú tại khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng yêu cầu tôi phải trích 10% số tiền được nhà nước hỗ trợ thì mới để chúng tôi được yên, nếu không sẽ phá đám, làm đơn kiện để chúng tôi không thể nhận được tiền bồi thường. Không đạt được mục đích, bà Tư kích động những người khác ký vào đơn tố cáo nhằm làm chậm trễ việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho tôi, đồng thời chửi bới, lăng mạ tôi trên mạng xã hội. Vì vậy, tôi đã viết đơn đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành xác minh làm rõ hành vi vu khống, tống tiền của bà Phan Thị Tư”, bà Huỳnh nói. Bà Huỳnh cũng cung cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chế biến hải sản, bán thành phẩm nước mắm được cấp vào năm 2010, địa điểm kinh doanh tại khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng để khẳng định vào thời điểm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, cơ sở của bà nằm trong diện được hỗ trợ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khi trực tiếp làm việc với chúng tôi, bà Phan Thị Tư lại khẳng định không yêu cầu bà Lê Thị Huỳnh trích 10% số tiền được nhà nước hỗ trợ cho mình. Bà Tư cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm xác minh, làm rõ những nội dung trong đơn kiến nghị. Được biết, trước đó bà Tư đã nhiều lần viết đơn phản ánh, kiến nghị về chủ trương hỗ trợ bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng.
Việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến chủ trương bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển thời gian qua tại thị trấn Cửa Tùng gây bức xúc trong dư luận trong thời gian dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân, doanh nghiệp. Vì vậy, người dân thị trấn Cửa Tùng mong muốn UBND huyện Vĩnh Linh và các cơ quan chức năng cần sớm xác minh, làm sáng tỏ vụ việc để họ yên tâm sinh sống, làm ăn.
Trần Thanh