Người tiên phong phát triển kinh tế ở Trấm
(QT) - Sau năm 1975, gia đình ông Võ Khắc Cưng (quê ở thôn Trâm Lý, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) tình nguyện đến vùng đất mới là thôn Trấm thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong để xây dựng kinh tế mới. Hơn 40 năm khai hoang, phục hóa, bất chấp khó khăn của vùng đất địa hình cách trở, thiếu thốn trăm bề, ông Cưng quyết bám trụ và vươn lên thoát nghèo tại nơi này. Ông đã dần biến vùng đất hoang vu thành một vùng trù phú bằng mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Để đến được nơi ở hiện ...

Người tiên phong phát triển kinh tế ở Trấm

(QT) - Sau năm 1975, gia đình ông Võ Khắc Cưng (quê ở thôn Trâm Lý, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) tình nguyện đến vùng đất mới là thôn Trấm thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong để xây dựng kinh tế mới. Hơn 40 năm khai hoang, phục hóa, bất chấp khó khăn của vùng đất địa hình cách trở, thiếu thốn trăm bề, ông Cưng quyết bám trụ và vươn lên thoát nghèo tại nơi này. Ông đã dần biến vùng đất hoang vu thành một vùng trù phú bằng mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Để đến được nơi ở hiện tại của ông Cưng, chúng tôi phải vượt hơn 30 km bằng xe máy qua những đoạn đường đồi dốc, quanh co khá nguy hiểm. Nơi đây các hộ dân sống xa nhau. Căn nhà nhỏ đơn sơ của ông tọa lạc trên một quả đồi, xung quanh nhà là vườn cây đủ loại như: mít, bưởi, cam, chanh. Xa hơn một chút là những thửa ruộng đậu xanh với diện tích hơn 1 ha vừa mới thu hoạch xong. Cạnh đó là ruộng lúa nước (chỉ trồng được vụ đông-xuân vì đây là vùng thường xuyên bị ngập lụt), tiếp nữa là ao cá, ông nuôi các loại cá chất lượng cao (chủ yếu là cá trắm). Xen với nuôi cá, ông Cưng trồng sen trắng, loại sen ngon, được nhiều người ưa chuộng. Đi hết diện tích trồng lạc, lúa, ao cá là hơn 10 ha rừng tràm đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Ngoài ra, ông còn nuôi 8 con bò, trồng 0,5 ha sắn và ngô.

Gia đình ông Cưng trở thành hộ khá, giàu ở thôn nhờ tiên phong trong phát triển kinh tế ở thôn Trấm

Ông Cưng cho biết: “Những ngày đầu mới đến đây lập nghiệp, vợ chồng tôi động viên nhau bằng mọi cách phải sống lâu dài ở Trấm, cùng nhau khắc phục điều kiện khó khăn từ đi lại, sinh hoạt, giao lưu với bên ngoài… Nhờ thế mà hơn 10 năm nay chúng tôi đã có được thu nhập khá từ vùng đất mình cất công làm kinh tế. Bình quân mỗi năm vợ chồng tôi thu nhập từ cây đậu xanh gần 100 triệu đồng, lúa 150 triệu đồng, rừng 100 triệu đồng, cá 40 triệu đồng, bò 80 triệu đồng và thu nhập từ sắn, ngô, lạc… trên 30 triệu đồng; trừ mọi chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn thu nhập cao, vợ chồng tôi đầu tư cho 5 người con ăn học tử tế; mua đất, nhà tại thị xã Quảng Trị cho con cái ở và kinh doanh”. Nhận thấy hiệu quả mang lại trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình, ông Cưng đã nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho người dân trong thôn. Nhờ đó ngày càng có nhiều mô hình kinh tế ở thôn Trấm được xây dựng và phát triển. Ông Lê Kim Cận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng cho biết: “Ông Võ Khắc Cưng là một nông dân cần cù, chịu khó áp dụng cách thức làm ăn phù hợp với vùng đất gò đồi ở Trấm. Ông là một trong số người đi đầu trong chuyển đổi giống cây trồng cạn hiệu quả như: đậu xanh, lạc, ngô, nuôi cá-sen; xứng đáng là nông dân tiêu biểu trong phong trào kinh doanh, sản xuất giỏi ở địa phương”. Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG