Tín hiệu vui từ giá cao su bắt đầu tăng
(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 20.000 ha cao su với sản lượng khoảng 12.000 tấn mủ quy khô, tập trung ở vùng đồi 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ; trong đó cao su của Công ty Cao su Quảng Trị có khoảng 5.000 ha, còn lại là cao su tiểu điền của hộ gia đình, cá nhân khoảng 15.000 ha, chiếm 75% diện tích cây cao su toàn tỉnh. Từng được được mệnh danh là “vàng trắng” vào những năm 2010 - 2011, giá mủ cao su đã “trượt dốc không phanh” trong những năm trở lại đây. Giá mủ từ 100 - 120 triệu đồng/tấn vào “thời hoàng kim” năm 2011 đã xuống 20 - 25 triệu/ tấn mủ khô vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, tức giảm giá đến 4 lần. Việc giảm giá cao su đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và đời sống của hàng vạn hộ trồng cao su. Giá mủ cao su trong những năm trở lại đây phần lớn đều dưới giá thành đầu tư. Người trồng càng đầu tư càng lỗ dẫn đến nhiều diện tích cao su gần như bị bỏ hoang, năng suất mủ giảm, chất lượng vườn cây ngày càng đi xuống. Một số hộ dân còn phá vườn cao su để chuyển sang cây trồng khác như hồ tiêu, sắn…
 |
Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ xuất bán sản phẩm ra thị trường - Ảnh: PV |
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương đã tích cực hướng dẫn, tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh, chủ động giảm đầu tư, tận dụng công lao động tự có trong gia đình, tiết giảm chi phí xuống mức thấp nhất nhằm duy trì, ổn định vườn cây, từng bước vượt qua thời kỳ khó khăn. Khuyến cáo chỉ chuyển đổi sang trồng cây khác ở những diện tích đất kém phù hợp với cây cao su, những diện tích già cỗi, bị thiên tai phá hoại. Lý do đơn giản là bất cứ một loài cây nào cũng có những bước thăng trầm và nó chỉ phù hợp trên một dạng lập địa nhất định nào đó. Nếu cứ thấy một loại cây lên giá thì đua nhau trồng tràn lan, khi giảm giá đua nhau chặt bỏ thì sẽ thành một vòng luẩn quẩn, phá vỡ quy hoạch của ngành, của địa phương, thậm chí của cả nước. Đáng mừng là sau một thời gian dài giảm giá, từ giữa năm 2016 đến nay, giá mủ cao su đã tăng và có xu hướng ổn định. Theo Tạp chí Cao su Việt Nam, trên thế giới giá cao su kỳ hạn TOCOM, hợp đồng benchmark tăng lên mức cao nhất 17 tháng hôm thứ năm (24/11), tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải qua đêm tăng trở lại và đồng yên giảm so với đồng đô la Mỹ. Như vậy, giá cao su đã có sự phục hồi đáng kể trong quý II/2016. Giá cao su latex của Malaysia đạt mức trung bình 1,1 USD một ki lô gam, tăng 5,7% so với mức trung bình cùng kỳ 2015. Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo hiện đã đạt gần 195 yên một ki lô gam, tăng 29,3% so với thời điểm đầu năm. Do giá cao su thế giới tăng cao, trái với tình trạng ảm đạm thường thấy suốt thời gian dài, những tháng gần đây, giá cao su xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi khi giá cao su thiên nhiên tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 37 - 38 triệu đồng/tấn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn cao su với giá trị 1,43 tỷ USD, tăng 12,3% về khối lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm 65,5% thị phần (Trung Quốc đạt 583 nghìn tấn, tương đương 732 triệu USD). Giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 20,3% và 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tại thị trường trong nước, cuối năm 2016 giá cao su thành phẩm tăng mạnh cùng với xu hướng thị trường cao su thế giới. Cụ thể: Cao su SVR3L tăng từ 30.100 đ/kg lên 34.300 đ/kg; cao su SVR10 tăng từ 29.100 đ/kg lên 33.300 đ/kg. Giá mủ cao su dạng nước cũng đã tăng từ 6.000 đ/kg lên 14.500 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ. Trong báo cáo phân tích mới công bố, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, nhờ giá cao su thế giới cao hơn 30% so với đầu năm giúp giá cao su trong nước được dự báo sẽ giao dịch ổn định ở mức 30-31 triệu đồng mỗi tấn trong những tháng cuối năm 2016 và cả năm 2017. Nhận định chung của các cơ quan trên thế giới (như Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên - ARNPC, Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế - IRSG,…) cũng như trong nước (như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam - RRIV, Hiệp Hội Cao su Việt Nam - VRA,…) đều cho rằng, giá cao su thế giới và trong nước có khả năng sẽ còn tiếp tục ổn định trong hết quý IV/2016 và duy trì trong năm tới. Hiện tại ở Quảng Trị theo khảo sát của chúng tôi mủ nước 25 - 30 độ (DRC) đang được thu mua với giá khoảng 14.000 - 15.000 đ/kg, quy ra cao su sơ chế dạng SVR3L, SVR10 có giá bán khoảng 40 - 42 triệu đồng/tấn, là giá khá cao. Giá này nếu ổn định lâu dài có thể bảo đảm cho chủ vườn cây đủ chi phí để tiếp tục đầu tư thâm canh. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo nên đầu tư ở mức độ hợp lý, bám sát quy trình kỹ thuật cây cao su và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng để tiết kiệm phân bón, giảm cường độ cạo từ D1,5 (2 ngày cạo/1 ngày nghỉ) sang D3 (1 ngày cạo 2 ngày nghỉ) kết hợp với dùng chất kích thích mủ để giảm công lao động, tăng sản lượng và nuôi dưỡng vườn cây, tận dụng công lao động sẵn có để chăm sóc và khai thác vườn cao su. Có thể chuyển đổi những diện tích già cỗi, không phù hợp với điều kiện lập địa, hạn chế mở rộng diện tích cao su ở những vùng không thuận lợi. Việc mở rộng diện tích trồng cao su cần tham khảo quy hoạch của ngành, có sự khảo sát, đánh giá rất cụ thể trước khi thực hiện. LÊ CÔNG NAM