Hoa trên cát
(QT) - Ít ai ngờ rằng, ở vùng đất cát trắng mà con người còn phải oằn mình trước từng con sóng biển để kiếm kế sinh nhai thì sự học vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Với nhiều người dân ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) họ thà chạy ăn từng bữa chứ tiền học cho con thì không thể thiếu một đồng. Nhờ ý thức cao về tinh thần học tập nên nhiều nhà dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nuôi được 2, 3 con học đại học. Từ “Gia đình bộ đội” hiếu học Gia đình ông ...

Hoa trên cát

(QT) - Ít ai ngờ rằng, ở vùng đất cát trắng mà con người còn phải oằn mình trước từng con sóng biển để kiếm kế sinh nhai thì sự học vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Với nhiều người dân ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) họ thà chạy ăn từng bữa chứ tiền học cho con thì không thể thiếu một đồng. Nhờ ý thức cao về tinh thần học tập nên nhiều nhà dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nuôi được 2, 3 con học đại học. Từ “Gia đình bộ đội” hiếu học Gia đình ông Bùi Đình Chức và bà Trần Thị Thanh ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt vẫn được người dân ở đây gọi bằng cái tên nửa trìu mến, nửa kính trọng: “Gia đình bộ đội” khi ông bà đều là CCB và bây giờ trong 3 người con của ông bà có 2 người đang học ở Học viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội, trong tương lai không xa, họ cũng sẽ là những sĩ quan quân đội. Ông Bùi Đình Chức vốn là một sĩ quan quân đội về hưu. Trước khi về công tác ở Học viện Quân y 268 ông từng là chiến sĩ của Sư đoàn 342, tham gia chiến dịch biên giới vào năm 1981, sau đó ông được cử đi học sĩ quan hậu cần và về công tác ở Trường Trung cấp Quân y, Quân khu IV. Tại đây ông đã bén duyên với cô y tá Trần Thị Thanh. Tuy nhiên, đến năm 1987 sau khi đứa con đầu lòng chào đời, bà Thanh phải xin phục viên vì sức khoẻ yếu. Về quê, bà Thanh làm nghề nấu rượu, chăn nuôi lợn để nuôi con chờ chồng. Đất nước sau ngày giải phóng bộn bề khó khăn nên cuộc sống của người dân còn rất vất vả. Đặc biệt, với những gia đình bộ đội, người phụ nữ phải cáng đáng mọi việc, thay chồng làm trụ cột gia đình, nuôi dạy con thơ.

Những tấm bằng khen mà các em mang về luôn là niềm tự hào của gia đình ông Chức.

Sau khi đứa con thứ 3 chào đời vào năm 1990, nhìn cảnh vợ thường xuyên đau ốm phải một mình nuôi ba đứa con thơ dại, không đành lòng ông Chức cũng quyết định phục viên vào năm 1991. Rời quân ngũ trở về, vợ chồng ông Chức cũng lam lũ mưu sinh như mọi người dân xứ biển lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ khi các con còn nhỏ ông đã định hướng cho các con phải phấn đấu học hành để thoát khỏi cảnh khổ cực như cha mẹ. Hàng ngày, ông Chức gác chuyện mưu sinh tranh thủ chở con lên Đông Hà tìm lớp học thêm để thi vào các trường THPT. Không phụ lòng mong mỏi của cha, Bùi Đình Thông và Bùi Thị Thuý Vân đều trở thành học sinh chuyên Hoá, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và sau này cậu em út Bùi Đình Hùng cũng là học sinh chuyên Toán, Trường Quốc học Huế. Đó là bước ngoặt đặt nền móng vững chắc để các con ông gặt hái sự thành công. Giờ đây, anh cả Bùi Đình Thông vừa tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Huế, Bùi Thị Thuý Vân là sinh viên năm 4, khoa Điện tử Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội và cậu em út cũng đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Điện tử Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội. Một điều đáng nể nữa là không chỉ thi đậu vào các trường đại học có điểm đầu vào cao, mà hiện tại các con của ông Chức đều trở thành những sinh viên xuất sắc của trường như Thuý Vân 4 năm liền là sinh viên xuất sắc của Học viện Kỹ thuật Quân sự, cậu em út năm học 2010 - 1011, cũng là sinh viên xuất sắc của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Trong căn nhà nhỏ của ông, những tấm bằng khen, giấy khen của các con được ông treo trang trọng ở phòng khách. Với ông đó là món quà vô giá mà các con đã tặng ông. Khi trò chuyện với chúng tôi về thành tích học tập của các con, ông Chức không giấu được niềm hạnh phúc: “Ngày trước gian khổ lắm, vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi để có tiền đầu tư cho 3 đứa con học hành, giờ cũng thấy thoả mãn phần nào. Cháu đầu ra trường giờ đang nộp hồ sơ ở Sở Giáo dục và Đào tạo chờ xét tuyển để đi dạy, 2 cháu sau thì mấy năm nay vợ chồng tôi không tốn đồng nào cả, nhà nước nuôi hết, sau này ra trường cũng không phải lo vấn đề xin việc nữa. Nhìn con cái được học hành đến nơi, đến chốn như vậy là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi”. Đầu năm 2011, ông Bùi Đình Chức được tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cửa Việt, việc nhà, việc hội ông đều vẹn toàn. Giờ đây tâm nguyện của ông là xây dựng và đẩy mạnh phong trào hiếu học trên vùng đất Cửa Việt. Đến những gia đình hiếu học ở Cửa Việt Tinh thần hiếu học của gia đình ông Bùi Đình Chức đã lan toả sang nhiều gia đình khác, đặc biệt là ở những gia đình thuộc dòng họ Bùi Đình và gia đình các hội viên CCB khu phố 5, thị trấn Cửa Việt. Tiêu biểu cho tinh thần hiếu học ở dòng họ Bùi Đình như: gia đình ông Bùi Đình Sành có 3 con học ở các trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng; gia đình ông Bùi Đình Nam có 2 con học ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh; gia đình ông Bùi Đình Khoa có 2 con đang học ở Trường Đại học Sư phạm Huế... Trong số 50 hội viên CCB của khu phố thì có 6 gia đình hội viên có từ 2 con trở lên học đại học, như gia đình CCB Bùi Chí Thanh có 4 người con thì hiện nay có 2 người con đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, người con đầu cũng vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đà Nẵng nay đang theo học liên thông lên đại học và một người con đang học Trung cấp Kế toán. Trong số những gia đình hiếu học mà chúng tôi gặp ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, ấn tượng nhất có lẽ là gia đình CCB Hồ Văn Bé. Hiện ông Bé có 6 người con đều đang tuổi ăn, tuổi học, trong đó người con đầu đang là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Quy Nhơn, 2 người con tiếp theo đang học ở Trường THPT Đông Hà, còn lại đều đang học THCS và Tiểu học gần nhà. Việc học hành của con cái như thế sẽ chẳng gì đáng kể nếu không biết quá khứ nhọc nhằn của ông. Ông Bé mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ cùng một người em trai tật nguyền. Nhà ông nghèo đến nỗi tuổi thơ của ông phải đi ăn xin để phụ mẹ kiếm tiền nuôi em. Năm 1983, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở Trung Lào, giúp nhân dân Lào tiêu diệt phỉ Giàng Phao. Từ chiến trường trở về, ông lập gia đình, việc gì ông cũng làm miễn có tiền trang trải cho gia đình. Cuộc sống thêm khó khăn khi cậu em trai tật nguyền cũng lập gia đình, thương em ông lại phải xoay như chong chóng để có thêm tiền chăm lo cho gia đình của người em trai. Vì thế, năm 2006, khi Nhà nước có chương trình cho dân đấu thấu tàu dự án, ông quyết định vay mượn tiền để mua tàu đánh cá xa bờ. Nhờ biết tính toán làm ăn, lại cần cù chăm chỉ mỗi chuyến ra khơi tàu ông luôn đầy ắp cá trở về. 3 năm trở lại đây ông đã thanh toán hết nợ nần, gia đình ông bắt đầu có của ăn của để, các con ông có điều kiện học hành. Ông luôn tâm niệm một điều: “Đời mình đã không biết chữ thì đời con phải khác. Phải cho các con học hành đến nơi, đến chốn để mong đời con tươi sáng hơn.” Trong lúc cuộc sống của người dân xứ biển còn nhiều vất vả, nhọc nhằn thì tinh thần hiếu học của những gia đình trên càng trở nên đáng quý. Họ là những người đi tiên phong trong việc thay đổi nhận thức về sự học ở một vùng đất vốn chỉ quen với nghề chài lưới. Bài, ảnh: LÂM THANH