Đồng Lộc, mây trắng...
Chưa bao giờ tôi lại thấy mây trắng nhiều và rợn ngợp như những ngày này ở Đồng Lộc. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc và cũng ngần ấy thời gian, 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP nằm lại nơi đây, tôi đã vượt một dặm đường rất dài để tìm những phút giây yên tĩnh dưới chân tượng đài bất tử của cung đường cứu nước năm xưa. Tượng đài không ngự nơi đỉnh non, bồn chồn chân bước mà như mọc lên từ khoảng trời hố bom vời vợi. Tôi xuống với tượng đài như lần về từng thước tấc đất đai và bỗng gặp một khoảng không khoáng đạt từ thẳm sâu vút lên cao xanh. Ở đó, những lọn mây cuộn lại như những chiếc kén tằm màu ngà ấm áp. Dưới chân, cỏ xanh đan cài trên sỏi đá và bạt ngàn hoa sim cuối mùa nở bung, nhuộm khắp thung dài một màu tím u hoài. Tượng đài ngoảnh mặt ra ngã ba nơi tụ hội của huyết mạch giao thông thời "tăng tấn, lấn bước", tất cả vì miền Nam ruột thịt, sau lưng là dãy núi Mũi Mác uy nghi, trầm mặc, xa nữa là Truông Kén, Khe Út, Ngàn Phố, Can Lộc trời xanh, mây trắng ngàn năm... Tôi đến Đồng Lộc để cảm nhận và thao thức với những truyền kỳ của đất này.
 |
Phần mộ 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc luôn được chăm sóc chu đáo |
Chuyện rằng, bắt đầu từ mùa hè năm 1965, là thời điểm không quân địch bắt đầu mở những đợt oanh kích khốc liệt vào Ngã ba Đồng Lộc khi chiếc cầu cuối cùng trên Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ Tĩnh bị đánh sập. Quốc lộ 15 A, tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nơi đây trở thành "cửa tử". Để đảm bảo nhân lực, vật lực liên tục cho chiến trường miền Nam, mệnh lệnh từ trái tim người tuyến lửa là đường chưa thông thương, máu xương không tiếc. Lần lượt Ban đảm bảo giao thông tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ đạo giao thông Quân khu 4, Ban giải tỏa Đồng Lộc được thành lập. Đội TNXP N55-P18 Hà Tĩnh được điều động về trực tiếp đảm bảo giao thông khu vực này từ đầu tháng 4/1968 với 7 đại đội có phiên hiệu 551, 552, 553, 554, 555, 556, 557 với xấp xỉ 1000 người. Chính trên đoạn đường từ Cầu Tối đến ngã ba Trường Thành, đơn vị 552 của tiểu đội 4 do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng và chị Hồ Thị Cúc làm tiểu đội phó đã bám trụ 213 ngày đêm dưới mưa bom bão đạn để thông đường cho những chuyến xe ra tiền tuyến. Những người con gái đất Lam Hồng đã sống những ngày thật đẹp với cung đường lửa. Bom ngàn cân dội liên tục đêm ngày. Đất đai, cỏ cây nơi Ngã ba Đồng Lộc bị đạn bom nghiền nát. Không một khoảnh nào bằng bàn tay trẻ con trên mặt đất còn vẹn nguyên màu cỏ. Cả không gian cũng đặc quánh mùi bom đạn, hầm hập mùi thuốc súng, đinh tai, nhức óc bởi tiếng động cơ máy bay bổ nhào, tiếng vật liệu nổ, tiếng súng phòng không đất đối không rền rã... Vậy mà sau một đợt oanh kích, các chị TNXP lại ra hiện trường, san lấp hố sâu, phá bom nổ chậm, mở bom từ trường, trả lại mặt đường êm thuận, an toàn cho đại quân tiến vào miền Nam ruột thịt. Tiếng hát, tiếng chuyện trò, tiếng cười thanh xuân con gái lại khỏa lấp gian lao suốt dọc cung đường. Hằng đêm, các chị cùng mặc áo trắng, nắm tay nhau, kiên gan làm cọc tiêu cho xe ta điệp trùng vào tiền tuyến lớn dưới ánh sáng hỏa châu của giặc. Nhiều lính lái xe can trường vượt Trường Sơn, qua trăm ngàn trận đánh, vậy mà khi căng mắt vượt tọa độ lửa theo cánh tay mảnh mai dẫn đường của những người con gái Hà Tĩnh non tơ đã phải bật khóc. "Khuya quá rồi, máy bay sắp quay lại đấy, tự bọn anh xử lý được mà", "Không can chi mô eng, có chi mô, nhớ ngày chiến thắng về thăm chúng em eng nghe, eng nghe, eng nghe!...".Cung đường lửa đã trở thành cung đường của nỗi nhớ, niềm thương, khát vọng, thề bồi. Có quá nhiều những người con gái sông La đã ngã xuống đất này, mang theo giọng nói mô tê răng rứa yêu thương, mang theo tiếng cười tinh nghịch và bao dự cảm dung dị, thuần hậu của đời người. Trong ký ức của nhà thơ Yến Thanh, một con dân đất Hà Tĩnh anh hùng, nguyên cán bộ kỹ thuật Đội TNXP-N55-P18, những thời khắc bi tráng về những cô gái nơi Ngã ba Đồng Lộc, 40 năm qua rồi mà vẫn rõ mồn một: " Ngày 15/7/1968, địch huy động 103 lần chiếc, ném 800 quả bom các loại xuống Ngã ba Đồng Lộc, chưa kể đạn rốc két. Vì thế số hố bom, bom từ trường, bom nổ chậm đánh trúng tim đường rất nhiều. Công binh rà phá ngày đêm liên tục, một quả bom rà xong sẽ để lại hố sâu hàng trăm mét khối trên mặt đường. Vì vậy toàn Đội 7C đang chủ yếu làm đêm phải chuyển sang làm ngày để kịp thông đường. Tiểu đội của Võ Thị Tần đã kết hợp làm từ ngày 20/7/1968. Sau 3 ngày đêm an toàn, đến chiều ngày 24/7/1968, tiểu đội Võ Thị Tần được phân công vừa san lấp hố bom vừa đào hố, sửa lại tăng- xê để đưa gỗ về làm nắp hầm chữ A tại eo núi Mũi Mác cách ngã ba Trường Thành khoảng 300 mét về phía Nam. Thời điểm này, dường như đánh hơi thấy có đoàn xe ta chở xăng dầu vào chiến trường nên không quân địch tập trung đánh cấp tập, dữ dội. Suốt buổi sáng và đầu giờ chiều, chúng oanh tạc vào hiện trường 6 lần nhưng Tiểu đội của Võ Thị Tần vẫn an toàn. Đợt thứ 7, khi tốp thứ 3 gồm 3 chiếc F4H lao tới đánh phá, quay vòng ra biển thì bất ngờ một chiếc quay lại trút một loạt bom. Một quả bom tấn dội trúng cả 3 hầm nơi 10 cô đang ẩn nấp. Một hố bom sâu hàng trăm mét khối khoét vào đất đồi Mũi Mác, nơi tiểu đội Võ Thị Tần quây quần. Cả 10 cô hy sinh. Lúc đó là 16 giờ ngày 24/7/1968... Khi đồng đội đưa được thi thể của các cô lên mặt đất, tất cả đều xếp hàng như khi tiểu đội tập hợp, riêng cô Hồ Thị Cúc, tiểu đội phó chưa tìm thấy. Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp Chín bạn đã quây quần đủ mặt Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh A trưởng Võ Thị Tần điểm danh Chỉ thiếu mình em (Chín bỏ làm mười răng được!) ( Cúc ơi-Yến Thanh ) Phải đến trưa ngày hôm sau (26/7/1968), thi thể cô Cúc mới được tìm thấy tại một chiếc hầm tròn, cách xa nơi 9 cô ẩn nấp, vai tựa vào cái cuốc, đầu đội mũ như vẫn sẵn sàng tư thế lao ra mặt đường khi có lệnh..." Chuyện kể rằng, nơi linh thiêng này có một bài thơ đã được khắc lên bia đá, đó là bài thơ: "Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng. Bài thơ với những câu mở đầu ám ảnh: Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi Còn hương nữa hãy dành phần cho đất Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi... Thuở xưa, thơ được khắc tại các điểm danh thắng không phải là hiếm, nhưng thơ viết bằng chữ quốc ngữ, khắc dựng nơi nghĩa trang liệt sĩ thì bài thơ của nhà thơ Vương Trọng là trường hợp lần đầu tiên tôi bắt gặp. Chuyện rằng, mấy năm nay, các du khách khi đến thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc thường đem theo những chùm quả bồ kết khô để đốt sau khi thắp hương cho các cô. Ngày bom vùi tóc tai bết đất Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được... ( Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc- Vương Trọng ) Người đầu tiên đốt quả bồ kết ở Nghĩa trang Đồng Lộc là nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, công tác tại Tuần báo Văn nghệ. Theo nhà thơ Vương Trọng, tháng 10 năm 2002, Nguyễn Thế Tường gặp Vương Trọng tại Tuần báo Văn nghệ và cho biết sắp vào thăm Nghĩa trang Đồng Lộc. Vương Trọng kể rằng ở đấy đã có hai cây bồ kết do anh Nguyễn Tiến Tuẩn, là một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc, nguyên phụ trách đơn vị công an giao thông ở trọng điểm này thời chống Mỹ lấy từ huyện Hương Sơn về trồng năm 1989, lúc bấy giờ mới ra hoa nhưng chưa có quả. Vương Trọng nhờ Thế Tường mua hộ một chùm quả bồ kết, vào đó đốt để viếng mười cô gái. Thế Tường đã làm theo lời Vương Trọng và khi vừa đốt mấy quả bồ kết thì bát hương lớn trên mộ mười cô gái TNXP bỗng cháy bùng lên, mãnh liệt và quặn thắt. Tất cả du khách được may mắn chứng kiến phút giây thiêng liêng đó đều lặng lẽ trào tuôn nước mắt... Hôm tôi vào Đồng Lộc đã bắt gặp một sự kiện cảm động. Hai chiếc xe GAZ63 mang biển số BA 4130 và chiếc ZIN 157 mang biển số BA 2608 do anh hùng Đoàn Minh Nguyệt lái, từng tung hoành trên cung đường Đồng Lộc đã được Cục Kỹ thuật- Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Quân khu 4 bàn giao cho Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Tôi đến bên chiếc xe và cảm nhận mùi mồ hôi những người anh hùng vượt tuyến lửa còn vương vấn nơi vòng quay chiếc vô lăng mòn vẹt. Đồng hồ đo quãng đường đã dừng lại ở con số một vạn hai trăm năm mươi ngàn cây số. Vậy là con chiến mã này đã nuốt biết bao cung đường túi bom, túi đạn, từ tỉnh lộ 18 sau lưng núi Hồng Lĩnh, đến ngã ba Treo Vọt, Đồng Lộc, Khe Giao, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Quảng Bình, Vĩnh Linh...cho tới miền Nam. Tôi vào Nghĩa trang và đã thấy rất nhiều hoa cúc trắng, rất nhiều gương lược, phấn son, nước hoa, quân phục, bồ kết... ấp ủ, dâng tặng nơi các chị yên nằm. Tôi chỉ thành tâm thắp nén hương trên mộ những người chị mà tôi kính phục, những mong khói hương như một mạch nối yên hàn giữa tầng tầng mộ chí với mây trời quê hương lồng lộng. Nơi Đồng Lộc, Can Lộc, trời xanh và mây trắng... Đồng Lộc, tháng 7/2008 Bài và ảnh: Đào Tâm Thanh ---------- Bài có sử dụng tư liệu từ Tạp chí Hồng Lĩnh, tháng 6/2008