Thị xã Quảng Trị chủ động các phương án phòng chống thiên tai
(QT) - Để chủ động ứng phó với thiên tai, phòng, chống mưa, bão trong năm 2018, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) thị xã Quảng Trị, các cơ quan, xã, phường của thị xã đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, bảo vệ công trình đê điều, chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng cứu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2018.

Thị xã Quảng Trị chủ động các phương án phòng chống thiên tai

(QT) - Để chủ động ứng phó với thiên tai, phòng, chống mưa, bão trong năm 2018, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) thị xã Quảng Trị, các cơ quan, xã, phường của thị xã đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, bảo vệ công trình đê điều, chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng cứu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2018.

Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão 2018

Trước nguy cơ sạt lở bờ sông Thạch Hãn tại các đoạn xung yếu làm mất đất sản xuất, gây mất an toàn cho các hộ dân sống ven sông đoạn qua xã Hải Lệ, gần 3 tháng nay, công trình kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn thượng lưu cầu Thạch Hãn đang được gấp rút triển khai thi công với các hạng mục như: Xây dựng chân kè; thả đá hộc dưới nước và trên cạn; lát phần kè hoàn thiện có chiều rộng 2m; thi công bến nước… Tổng kinh phí của công trình gần 11 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả lụt bão năm 2017. Ông Phạm Viết Hoàng, chỉ huy trưởng công trường cho biết, xác định được tầm quan trọng của công trình đối với công tác phòng, chống bão lũ, đơn vị thi công đang tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời tiết nắng ráo tăng ca, đẩy nhanh tiến độ công trình. Đến thời điểm này các điểm sạt lở xung yếu, đặc biệt các điểm sạt lở nghiêm trọng vào sát móng của nhà dân đã được khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân sống dọc tuyến sông Thạch Hãn an toàn trong mùa mưa lũ năm 2018. Bên cạnh đó còn góp phần bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, đất đai sản xuất của địa phương.

Ông Lê Minh Châu, Trưởng phòng Kinh tế, Thường trực văn phòng BCH PCTT-TKCN thị xã cho biết, thị xã Quảng Trị có diện tích 7.402,78 ha, dân số 22.760 người, gồm 4 phường và 1 xã với 22 khu phố, 5 thôn nằm dọc hai bên bờ sông Thạch Hãn, là địa bàn nằm trong vùng thường bị ảnh hưởng của bão, lụt. Để chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm BCH PCTT-TKCN thị xã đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND và BCH PCTT-TKCN các xã, phường tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung giải pháp, phương án phòng chống thiên tai năm 2018 phù hợp thực tế và gắn với dự báo tình huống lụt bão, mưa rét, hạn hán bất thường do biến đổi khí hậu gây ra. Tổ chức kiểm tra hệ thống hồ đập thuộc phạm vi địa phương quản lý để phát hiện, đề xuất sửa chữa hạng mục xuống cấp, hư hỏng của công trình, bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ; thống kê, rà soát các vùng thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, nhà cửa tạm bợ, vùng nguy hiểm để chủ động xây dựng phương án sơ tán dân khẩn cấp khi có tình huống lụt, bão xảy ra; tổ chức kiểm tra, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, phương án sơ tán, kiểm tra và thực hiện công tác đảm bảo an toàn nơi sơ tán đến; sắp xếp lực lượng xung kích, phương tiện ứng cứu, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men đảm bảo cơ số dự trữ.

Các đơn vị căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo là dựa vào dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giải quyết những vấn đề xảy ra trong cộng đồng và địa phương mình theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo kế hoạch hiệp đồng để sẵn sàng cứu hộ khi có yêu cầu phối hợp của cơ quan quản lý công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn. Đồng thời, xây dựng phương án hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về dự trữ lương thực, thực phẩm nước uống để sẵn sàng cứu trợ cho người dân vùng bị thiên tai. Tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích tại các xã, phường để làm quen với các tình huống khẩn cấp, ứng phó hiệu quả khi có thiên tai xảy ra. Bổ sung thêm phương tiện và các trang thiết bị phục vụ công tác thông tin, liên lạc. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt sát tình hình, diễn biến của thiên tai, chủ động triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào địa bàn kèm theo mưa và lũ lớn. Rà soát, chuẩn bị kỹ các phương án sơ tán dân, cứu hộ người và tài sản, khẩn trương khắc phục hậu quả; phòng chống bệnh tật phát sinh trước, trong và sau thiên tai. Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó, chú trọng các biện pháp khắc phục tại chỗ trước khi có cứu trợ, hỗ trợ. Xây dựng phương án tiếp nhận và phân phối lương thực, hàng cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng; ưu tiên cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị thiệt hại nặng; nắm chắc tình hình thiếu đói để cứu trợ kịp thời nhằm ổn định đời sống nhân dân, tuyệt đối không để người dân vùng bị thiên tai, lụt bão đói, rét. Tất cả các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chế độ trực ban trong mùa bão, lũ, nhất là công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố, hư hỏng về công trình thủy lợi; đảm bảo chế độ thông tin tổng hợp thường xuyên, liên tục, nhất là trong tình huống có bão, lũ. Củng cố hệ thống thông tin liên lạc, thông tin kịp thời tình hình bão lụt đến tận người dân để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Liên kết chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn để sẵn sàng huy động, luôn có 2 thuyền túc trực trên sông trong mùa mưa bão để sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cứu nạn khi có thiên tai xảy ra; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng bão, lũ xâm hại tài sản của nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục khảo sát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo việc xử lý chống sạt lở hai bên bờ sông Thạch Hãn đoạn qua phường 1 và phường An Đôn và sạt lở bờ sông Vĩnh Định tại khu vực Ba Bến - phường 2 để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Châu cho hay.

Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTT - TKCN của các cấp, các ngành và sự phối hợp chủ động của người dân, thị xã Quảng Trị sẽ thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống bão lũ đã đề ra trong năm 2018, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòngan ninh của địa phương.

Thục Quyên