Niềm vui nơi Động Rường
(QT) - Tiếng gà rừng le te gáy. Ánh sáng của một ngày mới vừa soi tỏ mặt người. Vùng đất nơi bản Ra Công Pa Lăng, bản Cóc (xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) đã rộn ràng tiếng gọi nhau đến dưới chân Động Rường để cùng với bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 làm lễ khánh thành đập nước Sanh Tràng và nhận ruộng lúa nước. Khi gặp những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 và người dân bản Cóc, anh Hồ Nguyên, Trưởng bản Ra Công Pa Lăng không kìm được xúc động, anh nói: Hôm nay dân bản vui ...

Niềm vui nơi Động Rường

(QT) - Tiếng gà rừng le te gáy. Ánh sáng của một ngày mới vừa soi tỏ mặt người. Vùng đất nơi bản Ra Công Pa Lăng, bản Cóc (xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) đã rộn ràng tiếng gọi nhau đến dưới chân Động Rường để cùng với bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 làm lễ khánh thành đập nước Sanh Tràng và nhận ruộng lúa nước. Khi gặp những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 và người dân bản Cóc, anh Hồ Nguyên, Trưởng bản Ra Công Pa Lăng không kìm được xúc động, anh nói: Hôm nay dân bản vui lắm. Nhờ “Bộ đội 37”, nhờ dân bản Cóc mà dân bản từ nay có ruộng lúa nước, có dòng nước mát để sản xuất... ...Do đặc thù địa hình nên khi hầu hết các bản làng trong Khu KT - QP Khe Sanh có ruộng lúa nước thì bản Ra Công Pa Lăng vẫn chỉ trồng lúa rẫy. Sự khan hiếm về nguồn nước và đồi núi có độ dốc lớn là cản trở lớn trong việc giúp dân bản làm ruộng lúa nước. Sau nhiều chuyến khảo sát, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 quyết định ngăn suối Sanh Tràng, khai hoang vùng đất dưới chân Động Rường để tạo thành cánh đồng lúa nước cấp cho dân bản. Dự án hình thành, nhưng chỉ với số quỹ đất có thể làm được ruộng lúa nước của bản Ra Công Pa Lăng thì quá ít, mặt khác muốn đưa phương tiện cơ giới đến thi công đập phải đi qua rừng trồng của dân bản Cóc…

Bộ đội chăm sóc rau xanh - Ảnh: TL

Những khó khăn đó cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 giãi bày với người dân bản Cóc. Người dân bản Cóc hiểu được tấm lòng của bộ đội, hiểu được vì sao người dân bản Ra Công Pa Lăng lại thiếu lương thực nên chỉ sau một buổi họp bản, gia đình Pả Dần đã hiến đất, hiến toàn bộ cây trồng để bộ đội mở đường thi công đập nước Sanh Tràng. Bốn gia đình khác ở bản Cóc (Pả Tam, Pả Khưn, Pả Thiếu, Pả Anh) đã hiến 3,9 ha đất mở rộng diện tích ruộng lúa nước. Nhờ sự giúp đỡ này, đập nước Sanh Tràng cùng với cánh đồng lúa nước rộng 11 ha nhanh chóng được hoàn thành, cấp cho dân bản Ra Công Pa Lăng. Nói về việc hiến hơn 1 ha đất canh tác để dân bản Ra Công Pa Lăng có ruộng lúa nước sản xuất, Pả Tam cho biết: Nhờ “Bộ đội 37” chỉ dẫn mà người dân bản Cóc ai cũng biết trồng lúa nước. Trồng lúa nước thu hoạch gấp 4 lần lúa rẫy, nên bây giờ nhà miềng không còn thiếu gạo, bản không còn ai đốt rừng làm rẫy. Miềng hiến đất cho dân bản Ra Công Pa Lăng trồng lúa nước là để giúp mọi người cùng thoát khỏi đói nghèo. Hòa cùng niềm vui của dân bản, Đại tá Phạm Văn Trung, Đoàn trưởng Đoàn KT - QP 337 cho biết: Quá trình bám bản, xây dựng Khu KT - QP Khe Sanh, cán bộ, chiến sĩ nhận thấy, mỗi hộ gia đình chỉ cần có 5 sào ruộng lúa nước thì sẽ đủ gạo ăn. Vì vậy đơn vị luôn phấn đấu để tất cả dân bản đều có ruộng lúa nước. Quy trình để tất cả dân bản đều có ruộng lúa nước được bắt đầu từ các hộ nghèo ở những bản nơi từng đội sản xuất đóng quân. Ở đó cán bộ, chiến sĩ giúp hộ nghèo xây dựng mô hình trồng lúa nước để dân bản đến tham quan, học tập. Khi dân bản đã biết trồng lúa nước, Đoàn KT - QP 337 tiến hành khảo sát, lập dự án xây dựng các đập nước, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước cấp cho dân. Có những vùng đất bằng phẳng, nguồn nước tưới rất thuận tiện như ở bản Cù Bai (xã Hướng Lập) nhưng vì sợ “con ma rừng” nên dân bản không dám đến canh tác, cán bộ, chiến sĩ đội sản xuất 3 đã khai hoang, xây dựng mô hình trồng lúa nước năng suất cao. Dân bản thấy bộ đội thu hoạch được nhiều lúa mà không bị “con ma” làm cho ốm đau, bệnh tật nên mạnh dạn đến nhận ruộng sản xuất. Thấy rõ hiệu quả của việc trồng lúa nước, nhiều người dân học theo cách làm của bộ đội, vận động gia đình ngăn suối nhỏ, hoặc cùng liên kết nhiều gia đình với nhau ngăn suối lớn để làm ruộng lúa nước. Trong bản nhiều nhà có ruộng lúa nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 lại tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào bón phân gia súc cho cây lúa (vốn là điều kiêng kỵ). Ngày càng có nhiều dân bản vượt qua được sự kiêng kỵ này nên cây lúa nước cho năng suất càng cao. Bây giờ Làng Cát của người Vân kiều ở xã Hướng Sơn đã trở thành vựa lúa lớn giữa đại ngàn Trường Sơn nhờ dân bản biết làm nhiều ruộng lúa nước và biết bón phân cho cây lúa. Chung tay, tiếp sức cùng bộ đội để tất cả dân bản nơi Khu KT - QP Khe Sanh đều có ruộng lúa nước. Niềm vui của dân bản dưới chân Động Rường đã minh chứng rất rõ điều đó. HỒ LĨNH