(QT) - Mặc dù ngành điện liên tục khuyến cáo về mức độ nguy hiểm khi tiếp xúc với điện trong điều kiện thiếu các thiết bị hỗ trợ, vậy nhưng trong hoạt động kinh doanh, mua bán điện hiện nay ở Quảng Trị vẫn còn xảy ra tình trạng trộm, cắp và câu móc điện sử dụng trái phép. Nhiều hộ gia đình, thậm chí là cán bộ, công chức đã xem thường pháp luật, bất chấp nguy hiểm, cố tình thực hiện hành vi trộm cắp điện. Những trường hợp này không chỉ làm thất thoát tài sản ngành điện, mất công bằng trong sử dụng điện mà nguy hiểm hơn có thểdẫn đến hư hỏng lưới điện, mất an ninh trật tự xã hội, đe dọa tính mạng con người.
![]() |
Một tình huống mổ cáp trước công tơ và đấu nối thiết bị trộm cắp điện sử dụng trái phép |
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) trong năm 2016 đơn vị đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 671 vụ vi phạm sử dụng điện. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh đã xảy ra 499 vụ, tăng 200 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số tiền truy thu từ các vụ vi phạm sử dụng điện hơn 148 triệu đồng.
Đông Hà là địa bàn được phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm điện, trong đó nổi cộm nhất là hành vi trộm cắp điện của người dân. Đơn cử như trường hợp của các hộ dân Lê Thị Bích Hồng ở 207/1 Quốc lộ 9 có hành vi mổ cáp trước công tơ (dây pha), lấy nguội trung tính đất sử dụng các thiết bị điện ở gia đình đã bị Điện lực Đông Hà kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 16 triệu đồng; hộ Trương Đình Tô, ở 402 Lê Duẩn, TP Đông Hà có hành vi mổ cáp trước công tơ (dây pha), lấy nguội trung tính đất, sử dụng vào một số thiết bị ở trong nhà nên đã bị Điện lực Đông Hà lập biên bản xử phạt hành chính hơn 11 triệu đồng.
Nguy hiểm hơn làviệc câu móc trực tiếp trên lưới của ông Trương Xuân Lộc ở TP Đông Hà bị phạt hành chính 4,8 triệu đồng… hay trường hợp hộ gia đình Võ Thị Hoa, ở thôn 4, xã Triệu Lăng (Triệu Phong) có hành vi phá niêm kiểm định để câu móc điện sử dụng trái phép đã bị Điện lực Triệu Phong xử phạt hành chính gần 9 triệu đồng…
Thực tế cho thấy kể từ khi PC Quảng Trị tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, trong khi lực lượng quản lý ngành điện còn mỏng nên một số đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn trộm cắp điện như câu móc trực tiếp trước đồng hồ đo điện hay trên lưới hạ thế; lấy điện từ áp tô mát tổng của trạm biến áp, can thiệp vào hệ thống mạch đo làm sai lệch sơ đồ nguyên lý hoạt động của đồng hồ điện…
Hiện nay số vụ trộm cắp điện đang gia tăng với nhiều hình thức tinh vi. Trong khi đó, nhân lực ngành điện mỏng, địa bàn quản lý rộng nên việc kiểm soát nạn trộm cắp điện rất khó khăn. Vìvậy, PC Quảng Trị đã lập nhiều đoàn kiểm tra, phối hợp với các ngành chức năng triển khai mật phục nhiều ngày, thậm chí suốt đêm khuya mới bắt quả tang được một số vụ trộm cắp điện có hành vi tinh vi.
Đơn cử như vụ cắp điện vào đêm 25/6/2016, nhóm công tác kiểm tra sử dụng điện của Điện lực Vĩnh Linh đã kiểm tra sử dụng điện tại hộ Dương Thanh Bình, thường trú tại thôn Hà Kè, xã Vĩnh Tú. Tại hiện trường, nhóm công tác đã phát hiện ông Bình có hành vi vi phạm sử dụng điện. Lợi dụng đường dây 0,4 kV đi qua sau nhà nên ông đã dùng sào móc dây lên đường dây 0,4 kV để sử dụng điện không qua hệ thống đo đếm (đường dây 0,4 kV là dây bọc nhưng ông đã tự ý xẻ cáp bọc để tiện câu móc). Các cán bộ kiểm tra đã chụp ảnh hiện trường có sự chứng kiến của khách hàng và yêu cầu khách hàng ký vào biên bản vi phạm sử dụng điện.
Theo đó, khách hàng phải bồi thường 8.547 kWh sản lượng điện, tương ứng với số tiền là 24 triệu đồng. Theo kết luận vụ việc, đây là vi phạm trộm cắp điện có hành vi rất tinh vi. Hành vi trộm cắp điện chỉ xảy ra vào ban đêm, đối tượng dùng sào câu móc trực tiếp lên lưới lấy điện phục vụ sản xuất, còn ban ngày thì ngừng hoạt động. Để xử lý, đưa ra ánh sáng vụ trộm cắp điện này, lực lượng chức năng đã mất nhiều đêm mật phục mới có đầy đủ tang chứng, vật chứng về vụ trộm cắp điện của gia đình ông Bình.
Ông Trương Đình Võ Quan, Trưởng Phòng Kiểm tra-Giám sát mua bán điện, PC Quảng Trị cho biết: “Trước hành vi trộm cắp điện có chiều hướng gia tăng như hiện nay, PC Quảng Trị đã lập nhiều đoàn kiểm tra, lập biên bản, quy trách nhiệm bồi thường và chuyển hồ sơ đến các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để xử lý theo quy định. Cùng với đó, đơn vị cũng đã gửi thông báo về địa phương để có hình thức nhắc nhở, tuyên truyền cá nhân vi phạm và cảnh báo nhân dân không thực hiện hành vi tương tự.
Tuy nhiên, thực tế sự phối hợp của các địa phương vẫn chưa chặt chẽ nên tính răn đe chưa cao. Do đó, chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ởđịa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vìhoạt động an toàn của ngành điện, đặc biệt là vì sự đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân để tăng cường tuyên truyền, vận động, thậm chí đưa ra chế tài ở khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức cho người dân (khách hàng sử dụng điện) trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và nghiêm cấm các hành vi trộm cắp điện”.
Rõ ràng trộm cắp điện là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dùcác vụ vi phạm đều được phát hiện nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, PC Quảng Trị ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cần tăng cường cải tạo, củng cố lưới điện, áp dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống cung cấp điện; chú trọng kiểm tra sử dụng điện tại các khu vực có tổn thất cao, dễ xảy ra tình trạng trộm cắp…nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng trộm cắp điện xảy ra trên địa bàn.
Hồ Nguyên Kha