Mặc dù chính thức được triển khai từ năm 2018, kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được ngành y tế thực hiện đạt các mục tiêu đề ra đến năm 2020. Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo ATTP, trong đó tập trung vào các đợt cao điểm như tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm ở các cửa hàng kinh doanh tạp hóa - Ảnh: LÂM THANH |
Về hoạt động chuyên môn, trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã thành lập 2.260 đoàn thanh tra, kiểm tra, với số lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 34.514 cơ sở. Số lượt cơ sở vi phạm là 9.245 cơ sở. Các hình thức vi phạm chủ yếu: Điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị dụng cụ; người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động hoặc có mang, mặc nhưng không đầy đủ; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; có nhãn trên sản phẩm không đúng theo quy định. Cùng với đó, các đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành lấy 4.608 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng, trong đó có 4.192 mẫu kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý với 3.623 mẫu đạt chất lượng, chiếm 86,43%, 416 mẫu kiểm tra chỉ tiêu vi sinh với 342 mẫu đạt chất lượng, chiếm tỉ lệ 82,21%. Qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời cảnh báo sớm cho cộng đồng góp phần ngăn chặn hiệu quả các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Về công tác quản lý cơ sở thực phẩm, hiện nay trên toàn tỉnh có 26.425 cơ sở được quản lý từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong năm 5 qua, ngành y tế đã cấp được 699 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đến thời điểm hiện tại có 903 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bên cạnh đó, ngành y tế đã tổ chức 404 hội nghị, hội thảo, giao ban trực tuyến chuyên đề, 405 lớp tập huấn phổ biến các văn bản mới về ATTP cho hơn 110.000 người tham dự nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Đến năm 2020, các huyện trong tỉnh đã có chương trình phần mềm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên máy tính, 100% xã, phường được cung cấp các sổ quản lý theo biểu mẫu, 100% cán bộ tuyến huyện được đào tạo tập huấn điều tra, lấy mẫu thực phẩm, báo cáo khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tình hình quản lý thống kê ngộ độc ngày càng được chú trọng và quan tâm nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu chung của toàn tỉnh.
Một điểm nhấn trong việc thực hiện kế hoạch đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020 do ngành y tế triển khai là công tác xây dựng mô hình điểm về bếp ăn tập thể. Năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã triển khai xây dựng mô hình điểm về bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Đông Hà. Qua đánh giá bước đầu về cơ sở vật chất và lấy mẫu kiểm tra thì 10 bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn TP. Đông Hà đều đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Hoàng Đình Ấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP trong giai đoạn qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi bật là tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Số người mắc tập trung trong các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, đám cưới, đám giỗ khá phổ biến. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 có 15 vụ ngộ độc thực phẩm làm 324 người mắc và 3 người tử vong; tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa bảo đảm ATTP còn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Nhiều loại thực phẩm đem ra tiêu thụ không được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc.
Hiện tại chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ từ tỉnh đến cơ sở nên các địa phương còn chưa báo cáo hết về tình hình VSATTP. Đa số các ca ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm được ghi nhận chỉ là các số liệu về ngộ độc thực phẩm cấp tính, vấn đề ngộ độc thực phẩm mãn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và phát triển thể chất đến nay vẫn chưa có đủ khả năng để đánh giá.
Công tác giáo dục, truyền thông về ATTP đã được đẩy mạnh, nhận thức của người dân được nâng lên nhưng công tác này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung vào những tháng cao điểm trong năm; nội dung tuyên truyền chưa phong phú; trách nhiệm của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền chưa cao nên nhận thức của người dân về vấn đề VSATTP vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Hoạt động Ban chỉ đạo liên ngành tuy đã được thiết lập, nhưng do các thành viên đều là lãnh đạo các sở, phòng và ban ngành, lại hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao, việc chỉ đạo chưa sát sao, sự phối hợp giữa các ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Hệ thống kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm tuy đã được tăng cường nhưng hiện nay các cơ sở kiểm nghiệm vẫn còn thiếu các trang thiết bị hiện đại, phân tích nhanh, năng lực cán bộ kiểm nghiệm còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao; việc xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, nên nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để các quy định dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm lớn vẫn còn xảy ra. Nhân lực làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn mỏng, hoạt động chuyên môn còn hạn chế, thiếu cả số lượng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác; nguồn kinh phí phân bổ cho hoạt động đảm bảo ATTP chưa đáp ứng đủ nhu cầu triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hoạt động chuyên môn của các cơ quan, ban ngành vẫn còn sự chồng chéo do các văn bản Luật An toàn thực phẩm và các quy định có liên quan chưa rõ ràng.
Trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về VSATTP cần có các giải pháp mạnh và sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp, sự tham gia đồng bộ của các ban, ngành, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, vì vậy chương trình mục tiêu VSATTP phải gắn với các quy định pháp luật thích hợp. Xã hội hóa công tác giáo dục truyền thông để phát huy sức mạnh của các tổ chức xã hội, nâng cao nhận thức và thực hành cho mọi tầng lớp xã hội về đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư về kinh phí và nguồn nhân lực làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm để hiệu quả công tác này ngày càng được nâng cao.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể; tỉ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân; 80% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; 100% các huyện, thị xã, thành phố được kiểm tra, giám sát thực hiện triển khai dự án và truyền thông các nội dung của chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
Phương Thảo