(QT) - UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vừa tiến hành thẩm định quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) của 2 xã Triệu Tài, Triệu Phước với sự tham gia của các sở: Nông nghiệp&PTNT, Kế hoạch&Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường. Quy hoạch NTM xã Triệu Phước giai đoạn 2011-2020 được Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng TLD triển khai từ năm 2011. Qua 3 lần hội thảo, 2 lần rút kinh nghiệm tại địa phương và sự đóng góp của các sở, ngành, huyện, xã, người dân. Tại buổi thẩm định, sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt quy hoạch, các ý kiến của các sở cho rằng:. Về phần đánh giá hiện trạng của quy hoạch chưa đầy đủ, nhất là các tiêu chí về phát triển KT-XH. Hệ thống các giải pháp chưa toát được ý cần phải nói, đang lặp lại. Các thông số địa lý, khí hậu cần phải chính xác. Quy hoạch đưa ra chỉ tiêu về thu nhập chưa hợp lý. Phân tích, đánh giá hiện trạng tổng hợp còn chung chung, chưa nói đến tiềm năng lợi thế và hạn chế nên rất khó đưa ra chỉ tiêu phát triển. Quy hoạch cần bổ sung các giải pháp về khai thác tiềm năng lợi thế. Đối với Triệu Phước phải đề ra các giải pháp khai thác lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi ở Triệu Phước không cần nêu ra định hướng chăn nuôi đại gia súc mà chỉ căn cứ vào điều kiện thực tế là chăn nuôi gia cầm, quan trọng là đặt ra mục tiêu phát triển, hiệu quả đem lại từ chăn nuôi. Trong quy hoạch định hướng hạ tầng kỹ thuật đề nghị tăng diện tích quy hoạch bến xe Bồ Bản. Đề nghị phải nâng mục tiêu tăng thu nhập vì 20 triệu đồng/năm (2015) là quá thấp. Cần phải có đánh giá về tiềm năng và lợi thế phát triển. Phải có quy hoạch không gian KT-XH. Trong đó 3 chỉ tiêu cần phải có là thu nhập, cơ cấu lao động và mục tiêu giảm nghèo. So với những năm trước đây, Triệu Phước nay đã khác vì có cầu, có đường, có nước ngọt. Vì vậy quy hoạch phải đưa ra các chỉ tiêu về quy hoạch lại cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, XĐGN; đặc biệt các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu. Quy hoạch NTM xã Triệu Tài do Công ty CP tư vấn phát triển đô thị Quảng Trị thực hiện. Đây là quy hoạch vừa mới được hoàn thành đang tranh thủ lấy ý kiến từ các sở, ban ngành và địa phương. Đề án trình bày khá đầy đủ và quy mô, tuy nhiên diễn đạt hơi dài dòng nên đề nghị phải thể hiện ngắn gọn lại. Trong quy hoạch cần bổ sung đánh giá lúa chất lượng cao. Nêu rõ những định hướng về quy hoạch sản xuất. Chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để phát triển gia trại, hình thành khu chăn nuôi tập trung tránh ô nhiễm môi trường. Cần có sự đánh giá hiện trạng lại ngành nghề cụ thể để đưa ra định hướng phát triển làng nghề. Ở lĩnh vực văn hóa mới đánh giá được hiện trạng chưa đánh giá phân tích về tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương. Quy hoạch không đánh giá được thuận lợi, khó khăn trong sử dụng đất đai nên đề nghị đánh giá lại tổng diện tích đất ở trong không gian hiện trạng. Hiện trạng kỹ thuật về môi trường đề nghị tổng hợp lại theo bảng, biểu từng lĩnh vực. Dự báo về cơ cấu sản xuất, các tiêu chí phát triển còn thiếu, cần bổ sung. Chưa phân tích được giải pháp phòng chống thiên tai. Quy hoạch phải nêu ra được tiềm năng lợi thế của xã, những khó khăn thách thức cần phải tháo gỡ. Về lao động việc làm cần khẳng định được giá trị về ngành nghề, thương mại (chợ) đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương, từ đó đưa ra dự báo thu nhập cao hơn mức đưa ra hiện tại. Quỹ đất dành cho xây dựng khu dân cư mới quá lớn. Phần các giải pháp tương đối dài, cần làm rõ từng lĩnh vực để toát lên được việc khai thác tiềm năng đất đai, ngành nghề, dịch vụ sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế mới đạt chuẩn NTM. Tóm lại, quy hoạch NTM 2 xã Triệu Phước và Triệu Tài muốn đưa ra được định hướng phát triển phù hợp buộc phải đánh giá hiện trạng thật sát đúng, từ đó đưa ra các chỉ tiêu phát triển phù hợp. Quy hoạch phải khẳng định rõ các vấn đề: Cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tăng thu nhập; các giải pháp để phát triển KT-XH. Quy hoạch phải nêu ra các tiềm năng, lợi thế và những bất cập, khó khăn, từ đó nêu định hướng, giải pháp để phát huy thế mạnh, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đề nghị UBND các xã phải niêm yết và công bố quy hoạch tại trụ sở UBND xã và bố trí người tiếp thu, lắng nghe những thắc mắc, đóng góp của dân. H.N.K