Đêm Lý Sơn – Nghĩ về văn hóa đánh giặc của cha ông
(QT) - Cuối tháng 9/2014, một số anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị được ra thực tế huyện đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió tỉnh Quảng Ngãi. Lịch trình ba ngày nên ra đảo chỉ được một ngày một đêm. Xuất phát ở Đông Hà từ sớm tinh mơ, 17 giờ 30 phút đoàn chúng tôi mới đến thành phố Quảng Ngãi tá túc qua đêm. Không hẹn mà thành, tôi và anh Lê Văn Trâm (phóng viên Đài VTV tại khu vực Quảng Trị) ở chung phòng. Buổi sáng, đoàn chúng tôi được bàn giao cho một hướng dẫn viên Công ty lữ ...

Đêm Lý Sơn – Nghĩ về văn hóa đánh giặc của cha ông

(QT) - Cuối tháng 9/2014, một số anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị được ra thực tế huyện đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió tỉnh Quảng Ngãi. Lịch trình ba ngày nên ra đảo chỉ được một ngày một đêm. Xuất phát ở Đông Hà từ sớm tinh mơ, 17 giờ 30 phút đoàn chúng tôi mới đến thành phố Quảng Ngãi tá túc qua đêm. Không hẹn mà thành, tôi và anh Lê Văn Trâm (phóng viên Đài VTV tại khu vực Quảng Trị) ở chung phòng. Buổi sáng, đoàn chúng tôi được bàn giao cho một hướng dẫn viên Công ty lữ hành Quảng Ngãi. Tên anh là Lê Hồng Phong, vui tính, mẫn tiệp, hiểu biết sâu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương. Những người như thế cánh nhà báo chúng tôi rất cần. Những gì tôi ghi chép lại đây, phần lớn do Phong nhiệt tình phục vụ dù phải thức trắng cả đêm trên đảo. *** Chừng hai, ba mươi triệu năm về trước, hòn đảo này được hình thành bởi sự kiến tạo địa chấn phun trào nham thạch núi lửa mà hiện nay trên đảo còn vô vàn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đều là chứng tích thời hồng hoang tiền sử. Các lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm Pa - Việt gắn bó mật thiết trong tiến trình hình thành phát triển, đặc biệt là việc bảo vệ chủ quyền hòn đảo. Từ đây, cha ông ta đã để lại cho đời sau nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị. Thấp thoáng trong xóm làng là những ngôi nhà cổ dưới nhiều tán cây bàng biển cổ thụ vài trăm năm tuổi, trên đảo có rất nhiều đình chùa, miếu thờ cổ kính như chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, Âm Linh tự, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, cột mốc chủ quyền... nhân chứng vĩnh hằng của nền văn hóa đánh giặc ông cha ta. Âm Linh tự là nơi thờ tự các hùng binh gắn liền với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, là một lễ hội bi hùng tri ân hàng ngàn vạn hùng binh trao truyền từ đời này qua đời khác.

Từ đầu thế kỷ XVII đến những năm 50 của thế kỷ XIX, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng ghe câu đưa binh phu đi tuần thú và tìm kiếm hải vật trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong ảnh: Mô hình ghe câu trưng bày tại Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn - Ảnh: P.V

Năm 1604, có tám vị tiền hiền trong đất liền ra khai phá đảo, hiện cư dân đảo tỏi đã lập đền thờ gọi là “Bát tổ”. Trong buổi đầu di dân lập làng ấy ông cha ta đã đối mặt với vô vàn những khó khăn mà thiên tai bão quét và nạn giặc Tàu Ô là dai dẳng, bạo tàn nhất. Ra đảo tôi mới được nghe các cụ cao niên kể về kỳ tích đánh Tàu Ô của cụ Nguyễn Văn Tuất hay đến miếu Nàng Roi, đình An Vĩnh…đều phát hiện ra nhiều bằng chứng chống trả giặc Tàu Ô của những lớp ngư dân tiền bối. Văn bia ở đình làng Vĩnh An có khắc, rằng năm Mậu Ngọ -1798 (Cảnh Thịnh thứ 7), đình được tu bổ xây mới bề thế khang trang thì năm Nhâm Dần -1842 (Thiệu Trị thứ 2), đình bị giặc Tàu Ô cướp phá, đốt sạch, xoá sạch. Tôi nói với Trâm: - Đây chính là cái mốc lịch sử đầu tiên của cư dân đảo Lý Sơn được chép bằng văn tự. Ngoài việc đối đầu với biển dã thì họ đã phải canh tác đánh bắt mưu sinh trên vùng biển động mà trực tiếp là nạn cướp trắng trợn của giặc Tàu Ô ngay trên đất liền, trên đảo chứ không phải lén lút ngoài khơi xa! Phải khắc sâu, phải cảnh giác, phải ghi nhớ điều này. Trâm chia sẻ bằng cách đọc mấy câu thơ lắng đọng: “ Cái thời dã man có thể đã qua rồi!/ Nhưng tính dã man vẫn còn đâu đó/ Những cuộc tranh giành mở mang lãnh thổ/ Đang diễn ra âm ỉ từng ngày/ Có thể đêm nay, cũng có thể ngày mai những đụng độ sẽ diễn ra trên biển ”. Âm Linh tự là miếu âm hồn, đàn Âm hồn, nơi thờ cúng những người chết mà vì lý do nào đó không có người chăm sóc. Song Âm Linh tự làng An Vĩnh có rất nhiều cái khác so với tập tục chung cả nước. Nó nằm trên một giồng đất cao thoáng đãng ở thôn Tây nhìn về phương Nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong uy nghi bề thế. Cái khác dễ thấy nhất là Âm Linh tự có mái che, lại có các gian thờ bài trí quy cũ, hàng năm tại đây diễn ra nhiều nghi lễ long trọng. Đây chính là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến hải đội Hoàng Sa - Bắc Hải, kể cả những tư liệu quý của các gia tộc phối thờ. Đầu thế kỷ XIX, hai làng An Vĩnh, An Hải đã có đình làng và nghĩa tự, song vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX, đình làng An Vĩnh bị hư hại nặng. Dân làng rước các linh vị thần hoàng, tiền hiền về thờ ở Âm Linh tự, từ đó trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian của cả cộng đồng. Từ thời các chúa Nguyễn, kế tiếp là triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển. Họ giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa. Nhiều cuộc triển lãm gần đây cho thấy tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các nhà thám hiểm phương Tây cho thấy sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Họ, những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, sáu tháng ròng lênh đênh sóng nước. Bấy giờ với những chiếc thuyền câu gọi là điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, nhiều người cho việc sử dụng điếu thuyền hoặc tiểu điếu thuyền là để di chuyển cho nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô. Ở đây có sự ngộ nhận, hay là một cách nhìn phiếm diện chứ bấy giờ làm gì có thuyền bè to tát! Những người lính, những ngư dân can trường thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng. Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa ngày ấy, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, tôi đặc biệt chú ý đến tư trang của mỗi thủy thủ can trường. Họ chuẩn bị cho mình, mỗi người một đôi chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi dây mây, một thẻ bài khắc họ tên, quê quán, phiên hiệu. Hiện vật trưng bày rất “tỉnh”, thế mà nhìn vào, nó xốn xang xao động lạ lùng. Những người lính cảm tử ở các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải tự giác và ý thức về cái chết của mình rõ ràng. Nếu không may người thủy thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài cùng chiếc thẻ khắc tên (phiên hiệu) vào trong manh chiếu, nẹp dọc bảy thanh tre rồi buộc chặt lại bằng bảy sợi dây mây, thế rồi thi hài sẽ được hạ xuống mặt biển. Đồng đội gửi vào biển trời bao la lời cầu nguyện mong manh, rằng xác thân người tử sĩ sẽ trôi dạt vào bờ, ai đó trong đất liền vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên tuổi của con người đã vị quốc vong thân. Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng mấy khi thân xác những vị quốc vong thân kia trôi dạt được vào bờ, chưa kể lắm khi cả hải đội bị đánh chìm… Có mấy câu ca dao người dân Lý Sơn truyền tụng về hiểm họa gian truân mà những chiến binh can trường Hoàng Sa, Trường Sa chịu đựng: “ Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây ”. Hay: “ Hoàng Sa trời bể mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về ”. Để rồi: “ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa ...”. Xưa, nó là phận số xót xa, thì chính nay lại là báu vật của con cháu. Vì thế cho nên hàng năm vào tiết Thanh minh, bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm Linh tự nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng, trú phòng trên các quần đảo chống quân cướp biển. Theo sử liệu triều Nguyễn thì cái tục đắp mộ gió của cư dân đảo tỏi có cách đây hơn hai thế kỷ. Hai mươi lăm ngôi mộ gió đầu tiên được sách sử chép là của hải đội Hoàng Sa do ông Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính do ông chỉ huy khi giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bị nhấn chìm cả hải đội giữa trùng dương. Xót thương những chiến binh can trường vì nước quên thân, triều đình đã phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Điều đáng tiếc là trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió hải đội Trường Sa, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những hùng binh đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật và nhiều đội viên khác…bây giờ không còn tên tuổi nữa. Tôi lấy làm tiếc về việc này thì Trâm khẳng khái: “Mi viết cái ký “Sông hoa” rồi làm phim “Trả lại tên cho anh” giựt Huy chương Bạc ngay từ đợt Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần đầu tiên, nay quay vòng lại đã 1/4 thế kỷ. Thử hỏi đã ai giải quyết được gì giữa hai cái từ “liệt sĩ vô danh” thay vì “liệt sĩ chưa có tên” ở Thành Cổ Quảng Trị hay khắp các nghĩa trang liệt sĩ hàng xã, hàng huyện, cấp Quốc gia trong cả nước? Họ cũng như hàng triệu nghĩa liệt khác hy sinh vì nước, mà hy sinh vì nước thì mấy ai màng đến việc lưu danh trong sử sách? Vấn đề ở chỗ, chúng ta thiết lập cuộc sống mới như thế nào cho trúng nguyện vọng thiêng liêng của họ mà thôi!”. Chúng tôi có một đêm thức trắng trên đảo Lý Sơn tranh luận về vấn đề biển đảo. Trâm quan ngại: “Không ai khác, cơn bão Glenda (Rasmussen) đã đuổi giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực tranh chấp, song kịch bản lấn chiếm biển, cái gọi là “vũ khí chiến lược” và “quốc gia di động” của Trung Quốc thì hãy còn đó. Ai dám chắc là nó sẽ không quay trở lại”. Viết tới đây tôi không thể không nhớ đến Lời kêu gọi lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/12/1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” và thái độ dứt khoát của Người: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cũng thái độ dứt khoát này, vào tháng 6/1964, trong một lần trả lời các nhà báo Pháp khi được hỏi về việc Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, Bác Hồ đã vung tay mạnh mẽ đáp: “Không bao giờ!”* và Người đã ngẩng cao đầu ngâm bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người được báo chí phương Tây dự báo từ rất sớm là chủ nhân của “nền văn hoá tương lai”, người thừa kế và giáo dục cho nhân dân ta, quân đội ta phát huy truyền thống văn hóa đánh giặc của cha ông mà đỉnh cao là ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, là những cột mốc chủ quyền trên khắp mọi miền Tổ quốc như cột mốc ở đảo Lý Sơn có lá cờ đỏ thắm tung bay trong gió đại dương. Đó chính là cái cốt lõi, một thứ năng lượng diệu kỳ khiến cho dân tộc Việt Nam ta mỗi khi phải đối đầu, phải chiến đấu chống xâm lược thì “ra ngõ gặp anh hùng”. Không có thế trận nào bằng thế trận lòng dân, cả dân tộc đồng sức đồng lòng đứng lên chiến đấu, chiến đấu tới cùng. Là con dân Việt không ai chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy cái thứ “hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Y THI ................. * Võ Khắc Nghiêm: Sức mạnh ngôn từ và cách hành xử Nhân - Trí - Dũng”, Văn nghệ số 23 (7-6-2014).