Kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng ở Hải Lăng
(QT) - Dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 57,5 km đi qua TP. Đông Hà, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Riêng đoạn qua địa bàn huyện Hải Lăng có chiều dài 21,3 km, đi qua 6 xã, 1 thị trấn với 960 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó 12 hộ phải di dời đến nơi ở mới, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 346.893 m 2 .
 |
Lực lượng Công an và Dân quân địa phương tham gia bảo vệ thi công Quốc lộ 1 A đoạn qua xã Hải Thượng, Hải Lăng |
Quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hải Lăng đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá đền bù, hỗ trợ về đất ở khu vực giáp ranh giữa thị xã, thị trấn và các xã có sự chênh lệch khá lớn; việc xác định nguồn gốc sử dụng đất của một số hộ gặp khó khăn, hồ sơ lưu trữ qua các thời kỳ chưa đầy đủ, một số tranh chấp đất đai chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt một số hộ dân chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ GPMB, một số hộ cố tình đòi bồi thường với mức cao và bị lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp gây áp lực cho chính quyền các cấp. Mặt khác, việc thực hiện một số thủ tục trong công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện chưa đảm bảo; công tác quy chủ, áp giá có một vài sai sót đã gây khó khăn cho công tác GPMB trên địa bàn. Do số hộ gia đình bị ảnh hưởng GPMB lớn về tài sản, đất đai, trong lúc đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB của huyện còn mỏng, áp lực về thời gian bàn giao GPMB, bởi vậy để giải quyết các thủ tục đảm bảo kịp thời, huyện Hải Lăng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cán bộ, công chức các phòng, ban liên quan có kinh nghiệm trong công tác GPMB, ưu tiên tập trung xử lý những vướng mắc và hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu. Với quan điểm GPMB đến đâu, bàn giao đến đó, các xã, thị trấn đã phối hợp với các đơn vị thi công bàn giao và triển khai công trình một cách kịp thời. Đầu tháng 3/2015, toàn huyện đã bàn giao được 21,2 km cho đơn vị thi công, còn lại 0,1 km nằm rải rác ở một số hộ ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú chưa thống nhất về giá đất. Riêng đoạn đường đi qua xã Hải Thượng có chiều dài 400 m đi qua 15 hộ dân thuộc hai thôn Thượng Xá và Đại An Khê. Đây là những hộ dân đã nhận tiền đền bù thiệt hại của Nhà nước chi trả nhưng lại cản trở tiến độ thi công thảm bê tông nhựa của Ban quản lý dự án 6- Bộ Giao thông- Vận tải. Trước thực trạng đó, BCĐ, Hội đồng GPMB huyện đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, đồng thời kiểm tra, rà soát từng khâu, từng bước, xử lý vướng mắc, kịp thời khắc phục những thiếu sót từ công tác đo đạc xác định diện tích đất đến kiểm kê tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất và áp giá bồi thường hỗ trợ để tính đúng, tính đủ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Sau khi UBND huyện tổ chức nhiều đợt vận động, tuyên truyền, đối thoại với các hộ dân để nắm bắt thông tin, kiến nghị nhưng nhiều hộ dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Xét thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc và đối chiếu lại những chủ trương, chính sách đền bù, hỗ trợ Nhà nước đã ban hành là đúng quy trình, thủ tục pháp lý, UBND huyện Hải Lăng đã quyết định thành lập lực lượng bao gồm Công an và Dân quân tự vệ địa phương bảo vệ lực lượng thi công Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn các xã Hải Thượng, Hải Phú. Quá trình triển khai GPMB, huyện và các xã, thị trấn đã tiếp nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại, kiến nghị phản ánh, do đó huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, rà soát xử lý đơn thư của công dân, trực tiếp làm việc hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; tổ chức đối thoại với công dân giải thích các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi, tài sản trên đất và việc áp giá bồi thường, hỗ trợ. Ở các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và có một số hộ chưa bàn giao mặt bằng, lãnh đạo huyện đã cùng với cán bộ xã, thôn bàn phương pháp giải quyết và tổ chức đối thoại với các hộ gia đình để thông tin về công tác GPMB với từng trường hợp cụ thể; trực tiếp đến từng hộ gia đình để giải thích, tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối với những hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng qua kiểm tra, rà soát phát hiện chưa chính xác thì dừng ngay việc chi trả tiền; các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thì phải thu hồi nộp vào NSNN và lập các thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án. Các trường hợp có phản ánh của cơ quan báo chí, huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn tuyến, kết luận rõ từng nội dung, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nên được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Huyện Hải Lăng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và có những giải pháp đồng bộ, các bước đi phù hợp, đúng quy trình; các cơ quan, ban, ngành ở huyện, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ GPMB. Bài học kinh nghiệm rút ra được từ công tác GPMB ở huyện Hải Lăng là phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc đo đạc, xác định nguồn gốc sử dụng đất để quy chủ, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tiến hành công khai theo quy định, đồng thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân để đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, huyện Hải Lăng đã hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng kế hoạch. Bài ảnh: HỒ NGUYÊN KHA