Một số ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2015
(QT) - Ngày 9/9/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 3538/QĐ-BGD-ĐT phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015. Theo đó, từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6. ...

Một số ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2015

(QT) - Ngày 9/9/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 3538/QĐ-BGD-ĐT phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015. Theo đó, từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý… Dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã ghi nhanh một số ý kiến về phương án trên của Bộ GD&ĐT. *Đồng chí HOÀNG XUÂN THỦY, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Phương án về một kỳ thi quốc gia là bước đột phá trong đổi mới thi cử

Phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa quyết định là khả thi, ít gây những xáo trộn trong việc dạy học và cả tâm lí người học, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Sở GĐ&ĐT cũng đã tích cực quán triệt cho đội ngũ giáo viên về nhiệm vụ của kỳ thi quốc gia này, đó là điều kiện để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học. Phương án này có lợi cho học sinh, vì ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh có thể chọn một môn phù hợp năng lực, ít áp lực cho người dạy học và làm công tác quản lý (trong khi các năm trước ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Bộ còn chọn thêm 3 môn thi nữa). Việc tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, cũng như việc tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng cũng giảm tải áp lực đáng kể. Đối với thí sinh và gia đình, do chỉ còn một kỳ thi duy nhất được tổ chức thành các cụm thi để các em lựa chọn cụm thi phù hợp, được chủ động đăng ký các môn thi, không phải tham gia nhiều đợt thi như trước đây, nên thí sinh và gia đình các em sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí. Đây là kỳ thi đầu tiên nên chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế thi chặt chẽ. Sự tham gia của các trường đại học với vai trò chịu trách nhiệm chính, địa phương và lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường cùng phối hợp thực hiện sẽ tăng cường khâu giám sát, mức độ nghiêm túc, kỷ luật chắc chắn sẽ hơn trước. Rõ ràng, sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí là có rủi ro vì đây là kỳ thi hoàn toàn mới. Chính vì vậy, để có thể đạt được kết quả tốt, các em học sinh phải nghiêm túc học hành, giáo viên cũng phải xác định tinh thần của kỳ thi cho học sinh và nghiêm túc trong thi cử. Đổi mới phương án thi cũng sẽ kèm theo những thách thức, nhưng tôi tin rằng đây chính là bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách giáo dục để có thể đánh giá một cách thực chất học lực của học sinh cũng như chất lượng của việc dạy và học ở nhà trường. *Thầy giáo NGUYỄN TỬU, Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo: Cần có hướng dẫn cụ thể giúp phụ huynh và học sinh hiểu đúng về kết quả thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng
Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với việc Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo tôi đây là phương án thi phù hợp, khá linh động, kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kì thi sẽ diễn ra nhẹ nhàng vì công nhận tốt nghiệp THPT là kết quả kết hợp điểm 4 môn thi và điểm trung bình cả năm lớp 12. Về tổ chức thi, vấn đề này ít nhiều giảm áp lực cho việc thi đại học, cao đẳng như trước đây. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn còn lo lắng là việc thi theo cụm có khó khăn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay không? Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, tôi được biết rất nhiều phụ huynh, học sinh vẫn chưa rõ lắm về kỳ thi đại học, cao đẳng và tốt nghiệp THPT “hai trong một” này. Họ hiểu rằng, sẽ lấy toàn bộ kết quả của tất cả 4 môn này bao gồm cả Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (bắt buộc) và 1 môn tự chọn để xét vào đại học. Tuy nhiên, theo tôi cần hiểu đúng thực tế là tổng kết quả của 4 môn thi tối thiểu kỳ thi THPT quốc gia trước tiên là để xét công nhận tốt nghiệp, sau đó để xét vào đại học tuỳ theo ngành đó yêu cầu dựa vào kết quả những môn nào thì học sinh có thể sử dụng kết quả một hoặc một số môn trong 4 môn đó, hoặc học sinh phải đăng ký thi thêm ngoài 4 môn đó. Giả sử một học sinh chọn 4 môn thi tối thiểu của kỳ thi THPT quốc gia là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn tự chọn là Hóa học. Ngoài việc thi THPT quốc gia để công nhận tốt nghiệp theo quy định, học sinh đó muốn vào trường Đại học Y Dược ngành Bác sĩ Đa khoa trường này quy định điểm xét tuyển 3 môn: Toán + Hóa học+ Sinh học. Vì vậy ngoài 4 môn thi trên, học sinh này phải đăng ký thêm môn Sinh học (vì Toán và Hoá học đã thi trong 4 môn thi tối thiếu mà học sinh này đã chọn). Cho nên, việc thi vào đại học, cao đẳng không thay đổi mấy so với thi khối như trước đây. Như vậy, thực tế khi xét vào đại học học sinh này sẽ được xét căn cứ vào điểm các môn mà ngành xét tuyển mà em yêu cầu: Toán + Hoá học+ Sinh học chứ không căn cứ vào điểm môn Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nếu được hướng dẫn cụ thể và hiểu đúng thì chắc phụ huynh và học sinh không phải lo lắng nhiều đối với kết quả thi để tham gia xét tuyển cao đẳng, đại học. *Thầy giáo TRẦN HỮU NHỚ, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lê Lợi: Băn khoăn về phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Ngay sau khi Bộ GD - ĐT ban hành Quyết định phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015, tôi và nhiều giáo viên, học sinh của trường rất quan tâm, kịp thời nắm bắt nội dung của phương án. Về cơ bản, tôi thống nhất với phương án của Bộ ban hành. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn ở phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Trong phương án, Bộ cho biết việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm, sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Hầu như các em học sinh đều muốn tham gia thi đại học nên tôi e rằng nếu tổ chức thi theo cụm sẽ gây quá tải, khó đảm bảo các điều kiện về thi cử, đi lại, ăn ở cho học sinh. Bên cạnh đó, việc tập trung thi 4 bộ môn tối thiểu, trong đó có 3 bộ môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì sẽ làm cho học sinh bị áp lực, các em sẽ tập trung học các môn đó mà ít chú trọng các bộ môn khác, tạo nên tình trạng học lệch giữa các môn học trong chương trình học. Theo tôi được biết thì đại đa số ý kiến của giáo viên, học sinh ở Trường THPT Lê Lợi đều mong muốn rằng, các trường được phép tổ chức kỳ thi công nhận tốt nghiệp THPT tại trường theo hình thức xét và hiệu trưởng nhà trường công nhận tốt nghiệp cho các em, giữ nguyên kỳ thi đại học như những năm trước. Đây là cách giúp giảm áp lực cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm túc, khách quan, công bằng cho kỳ thi đại học, cao đẳng. *Em NGUYỄN THỊ NGỌC ANH, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Đông Hà: Phương pháp thi mới là cơ hội để học sinh phát triển kỹ năng toàn diện
Em dự định thi khối A nên ban đầu khá bỡ ngỡ với quyết định về một kỳ thi quốc gia.

Tuy nhiên, đây là phương án thích hợp nhất vì cùng với Toán, Ngữ văn thì môn Ngoại ngữ cũng là môn cần thiết và quan trọng. Ở trường, các thầy cô giáo dạy đầy đủ, chi tiết kiến thức căn bản, nếu chăm chỉ, làm bài tập đầy đủ thì mục tiêu đỗ tốt nghiệp chắc chắn sẽ đạt.

Trước kia kỳ thi tốt nghiệp quy định thi 6 môn, nay giảm xuống chỉ còn 4 môn. Thêm vào đó, 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học chỉ cách nhau 1 tháng khiến học sinh ôn tập khá vất vả. Nay cơ bản chỉ có 1 kỳ thi chính nên tâm lý học sinh cũng nhẹ nhàng hơn. Em thấy đây là một phương án hay, gần với lượng kiến thức và cách thức học của chúng em trong những năm học phổ thông, tuy nhiên so với các bạn dự thi đại học vào khối D và A1 thì các khối thi còn lại vất vả hơn một chút, vì phải ôn thi 5 môn. Tuy vậy, em nghĩ nếu mình đã có một quá trình học hành nghiêm túc, kỹ lưỡng, học đều các môn thì sẽ thích ứng và có kết quả thi tốt.

Ngoài ra, với việc thi 4 môn như phương án này, nhiều học sinh dù không thi khối A hay khối D cũng coi việc học thêm môn Toán và Ngoại ngữ là cơ hội để nộp hồ sơ vào các trường có xét đến 2 môn thi này. KĂN SƯƠNG-THANH TRÚC (ghi)