Không bao giờ tuyệt vọng
(QT) - Mỗi một người khuyết tật (NKT) là một câu chuyện buồn, đầy rẫy khổ đau, bất hạnh. Có người vừa mới cất tiếng khóc chào đời đã bị khuyết tật bẩm sinh, có người đang hạnh phúc, hướng tới cuộc sống tươi đẹp lại bị tai nạn thương tích... Buồn hơn nữa, chính sự mặc cảm, tự ti, tự đánh giá thấp chính mình của NKT đã làm cho cuộc đời họ ngày càng khó khăn, tự tách mình khỏi thế giới xung quanh… Mỗi lần nhắc lại câu chuyện của mình, anh Nguyễn Đức Huynh, ở phường 3, Đông Hà không cầm được những giọt nước mắt. “Ngày 9/11/1994, trên đường đi học về, tôi và một người bạn nhìn thấy ông Nguyễn Đức Tuấn đang tháo gỡ quả bom nên tò mò ghé vào xem. Khi đang chăm chú nhìn ông Tuấn tháo gỡ bom thì bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn. Tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh lại, tôi nằm trên giường bệnh, toàn thân đau nhói. Sau 2 tháng trời điều trị, tôi xuất viện với khuôn mặt bị biến dạng nặng nề”, Huynh kể lại. Kể ngày định mệnh đó, cuộc đời anh bước vào ngã rẽ mới với nhiều bi kịch và thử thách. Một số người cảm thấy ghê sợ khi nhìn thẳng vào anh, có người lại đem anh ra trêu chọc, chế giễu. “Ít ai hiểu được cảm giác đau đớn, buồn bã của tôi lúc bấy giờ. Hai chữ tuyệt vọng xuất hiện ngày càng nhiều trong suy nghĩ, hành động của tôi. Tôi sợ soi gương, bởi sự xấu xí của chính mình cũng làm mình sợ chứ đừng nói đến người khác. Tôi bắt đầu chán chường, thu mình trong bốn bức tường lạnh lẽo”, giọng Huynh chùng hẵn xuống.
.jpg) |
Giao lưu “Đồng hành cùng người khuyết tật” để chia sẻ kinh nghiệm vượt lên khó khăn của NKT, hướng tới cuộc sống tươi đẹp |
Với mong muốn không trở thành gánh nặng cho gia đình, Huynh quyết định đi xin việc làm. Nhưng ý định ấy chưa kịp trở thành hiện thực đã bị dập tắt bởi gương mặt bị biến dạng. Không xin được việc làm, Huynh quay trở lại trường học và tiếp tục đối diện với những lời trêu chọc của những đứa bạn vô tâm. Với sự giúp đỡ của gia đình và các giáo viên, Huynh thi đỗ Đại học Điện lực Hà Nội. Sống trên đất Thủ đô, mọi thứ đều đắt đỏ đối với một chàng trai khuyết tật nghèo nên Huynh cố gắng đi tìm việc làm. Một lần nữa, nhiều người lại không cho Huynh cơ hội khi thẳng thừng từ chối nhận vì gương mặt anh, thậm chí Huynh còn bị đuổi đi mà không cần hỏi, vì họ tưởng anh là người ăn xin... Anh Trần Văn Diệu ở Gio Châu, Gio Linh chia sẻ với chúng tôi, mỗi người sinh ra đều mong muốn có cơ thể lành lặn, không ai muốn bị tàn tật. Là NKT nên hơn ai hết, anh hiểu rõ, đồng cảm với những nỗi đau, khó khăn mà NKT gặp phải. Anh tâm sự: “Khuyết tật lớn nhất đối với mỗi người chính là mất niềm tin vào chính mình, không có giấc mơ vào tương lai tươi đẹp. Để NKT vươn lên trong cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của NKT còn rất cần xóa bỏ những định kiến, sự kỳ thị của xã hội về NKT, và điều quan trọng là cần sự giúp đỡ về mọi mặt của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, đi trên đôi chân chính mình”. Chúng tôi gặp lại Đức Huynh tại buổi giao lưu “Đồng hành cùng người khuyết tật” do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với Văn phòng điều phối Dự án Renew tại Quảng Trị và dự án Goran & Folke handicrafts tổ chức. Huynh cho biết, kể từ ngày được tham gia bộ phim tài liệu “Cậu bé không có khuôn mặt” của đạo diễn người Thụy Điển Folke Ryden, được sự giúp đỡ của Folke Ryden và nhiều tổ chức, cá nhân, Huynh có điều kiện đi phẫu thuật ở nhiều bệnh viện, thẩm mỹ viện nổi tiếng trong, ngoài nước. Trải qua 12 cuộc phẫu thuật, khuôn mặt của Huynh gần như được khôi phục như ban đầu. Tháng 4/2013, Huynh ra Thái Bình học nghề làm chuồn chuồn tre. Tháng 7/2013, Huynh quyết định thành lập Doanh nghiệp xã hội Goran & Folke handicrafts sản xuất ra những sản phẩm thủ công là “con chuồn chuồn tre” ở Đà Nẵng và dạy nghề cho 5 NKT ở Quảng Trị. Gần 1 năm qua, Huynh và những NKT đã sản xuất trên 2.000 con chuồn chuồn tre, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Cuộc sống của NKT ngày càng được nâng cao. Á hậu Việt Nam 2008 Nguyễn Thụy Vân vui vẻ cho biết: “Thụy Vân đã tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội và tận tay giúp đỡ nhiều NKT. Khi có lời mời của Huynh về Quảng Trị tham gia nhiều hoạt động từ thiện, Thụy Vân rất vui mừng và nhận lời ngay. Từ lâu, Thụy Vân đã biết và rất khâm phục chàng trai trẻ này với nghị lực vươn lên trong cuộc đời và sống hết mình vì cộng đồng. Với những việc làm thiết thực, có ý nghĩa cho cộng đồng, Thụy Vân tin Đức Huynh sẽ tiếp tục “truyền lửa” cho những NKT khác vươn lên, có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Song song với hoạt động giao lưu đồng hành với NKT, Á hậu Việt Nam Thụy Vân và Đức Huynh còn tích cực tham gia các hoạt động bổ ích, đầy ý nghĩa khác như: đạp xe diễu hành qua các tuyến đường chính ở TP. Đông Hà và tổ chức trao học bổng, dạy nghề, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn, vẽ tranh thiếu nhi, triển lãm tranh về chủ đề NKT với những nghị lực vươn lên trong cuộc sống… Chúng tôi trở lại nhà anh Trần Văn Diệu trong những ngày này. Những kinh nghiệm vượt lên hoàn cảnh đã được anh thực hiện thành công với thành quả là DNTN Xuân Diệu hoạt động hiệu quả với doanh thu trên 700 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động, trong đó có nhiều NKT, người có hoàn cảnh khó khăn. Anh còn gặt hái thành công trong thi đấu thể thao với nhiều tấm huy chương. “Tôi muốn những người trong xã hội không còn kỳ thị với NKT và sống hòa đồng với NKT, có nhiều việc làm, hành động giúp đỡ để NKT có thêm nhiều động lực vươn lên, cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội”, anh Diệu tâm sự. Bao giờ cũng vậy, với anh Diệu, sống là để yêu thương, mang niềm vui đến cho nhiều người… Những năm qua, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của NKT, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng NKT trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Tiêu biểu như những tấm gương vận động viên NKT của tỉnh đã nỗ lực hết mình để mang về những tấm huy chương quý giá, góp phần giúp thể thao NKT Quảng Trị duy trì vững chắc vị trí thứ 3 toàn quốc tại Giải Thể thao NKT toàn quốc trong nhiều năm liền, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên đấu trường thể thao quốc tế, hay những tấm gương NKT phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội có hiệu quả, và quay trở lại giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ về nhiều phương diện để họ vươn lên. Những nghị lực, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của NKT thật đáng trân trọng, nâng niu và rất cần nhân rộng để tiếp tục “truyền lửa” cho NKT, giúp họ xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn… Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC