Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn ở Triệu Phong
(QT) - Là huyện thuần nông, Triệu Phong (Quảng Trị) không chỉ được biết đến là vựa lúa của tỉnh mà còn có một diện tích lớn đất nuôi trồng thủy, hải sản và lâm nghiệp. Hiện toàn huyện có trên 27.000 ha đất sản xuất nông, lâm, thủy sản, trong đó đất nông nghiệp 9.825,44 ha, đất lâm nghiệp 16.549,79 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 604,79 ha, đất làm muối 8,8 ha, đất nông nghiệp khác 16,9 ha, với 109.399 người dân sống ở nông thôn, chiếm 96,78%, trong đó có 43.345 lao động trong độ tuổi sản xuất nông ...

Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn ở Triệu Phong

(QT) - Là huyện thuần nông, Triệu Phong (Quảng Trị) không chỉ được biết đến là vựa lúa của tỉnh mà còn có một diện tích lớn đất nuôi trồng thủy, hải sản và lâm nghiệp. Hiện toàn huyện có trên 27.000 ha đất sản xuất nông, lâm, thủy sản, trong đó đất nông nghiệp 9.825,44 ha, đất lâm nghiệp 16.549,79 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 604,79 ha, đất làm muối 8,8 ha, đất nông nghiệp khác 16,9 ha, với 109.399 người dân sống ở nông thôn, chiếm 96,78%, trong đó có 43.345 lao động trong độ tuổi sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: PV

Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả. Giá trị sản xuất năm 2015 đạt 1.101,4 tỷ đồng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng rộng rãi; nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào gieo trồng đại trà, chiếm 70% diện tích. Công tác dồn điền đổi thửa được triển khai tích cực, hình thành được cánh đồng mẫu lớn. Hiện có 4 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 200 ha ở các hợp tác xã: Phú Liêu, xã Triệu Tài; An Lộng, xã Triệu Hòa; Phú Áng, xã Triệu Giang và HTX Triệu Thuận, xã Triệu Thuận và một số vùng chuyên canh tập trung ở các xã như: Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Vân; có 1.153 ha cho thu nhập cao. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được đầu tư, nhân rộng. Trang trại, gia trại hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi theo mô hình tổng hợp VAC, VACR… có quy mô ngày càng nhiều. Hiện toàn huyện có 30 trang trại, 50 gia trại sản xuất ổn định, hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển trang trại, gia trại, cánh đồng lớn ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún; liên kết trong sản xuất còn yếu; mô hình cho hiệu quả cao chưa nhiều; việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực còn lúng túng. Công tác dồn điền đổi thửa ở một số địa phương chưa gắn với việc cải tạo đồng ruộng, xây dựng cánh đồng lớn. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền và người dân chưa nhận thức đầy đủ về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại. Các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất ở nông thôn chưa nhiều. Trong khi đó, người nông dân còn thiếu vốn sản xuất, cơ chế chính sách ưu đãi về nguồn vốn, đất đai... chưa đáp ứng; giá cả thị trường thiếu ổn định; liên kết trong sản xuất chưa nhiều, tiêu thụ nông sản hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư vào sản xuất. Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, bình quân mỗi xã xây dựng mới 1- 2 cánh đồng lớn hoặc trang trại và 2 - 3 gia trại. Có 800- 1.000 ha lúa và 80- 100 ha cây màu sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Có 30- 40 mô hình kinh tế đạt tiêu chí trang trại, trong đó có trên 70% được cấp giấy chứng nhận, 60 - 70 mô hình đạt tiêu chí gia trại. Theo đó, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đúng quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, liền vùng, liền thửa và gieo cấy cùng 1 loại giống chất lượng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; có hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ; áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu sản xuất. Đối với cây lúa quy mô diện tích từ 30 ha trở lên/mô hình, đối với cây màu quy mô diện tích từ 5 ha trở lên/mô hình. Đối với trang trại trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích tối thiểu 2,1 ha; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với trang trại chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đối với trang trại sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên. Trang trại chuyên ngành như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có tỷ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa của ngành chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm. Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa thì được gọi là trang trại tổng hợp. Phải có đăng ký và được cấp giấy chứng nhận trang trại theo quy định… Theo đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các ngành, địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn, đồng thời tiến hành rà soát, khảo sát hiện trạng để xác định cụ thể cánh đồng lớn, khu vực định hướng quy hoạch trang trại, gia trại ở các địa phương trên cơ sở lợi thế từng vùng để xây dựng quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, có kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp. Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Thực hiện mạnh mẽ việc thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất tiên tiến có năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cao, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ và giống phù hợp với điều kiện từng vùng. Trong đó định hướng vùng đồng bằng phát triển cánh đồng lớn đối với cây lúa và màu, các gia trại chăn nuôi; vùng gò đồi phát triển cây lâm nghiệp theo chứng chỉ FSC, trồng cây ăn quả, trang trại chăn nuôi; vùng ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, các mô hình công nghệ cao trên cát. Tích cực tìm kiếm, du nhập một số cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế, phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện... để phát triển. XUÂN VINH