Điểm sáng trong phong trào phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới
(QT) - Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng các địa phương xây dựng các làng quê ngày thêm khởi sắc. Thực hiện tốt mô hình “ 3 sạch” Thôn Trúc Kinh, xã Cam An (Cam Lộ) có quy mô dân số khá lớn với 171 hộ dân, 750 nhân khẩu, thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Là vùng thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, rác thải chưa được tập kết đúng nơi quy định nên vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Đây chính là vấn đề mà Hội Phụ nữ địa phương luôn trăn trở. Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2015 Chi hội phụ nữ thôn Trúc Kinh đã thành lập mô hình “ Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, thu hút 112 hội viên tham gia. Theo đó, để thực hiện tiêu chí “đường sáng”, chi hội phụ nữ đã phối hợp với chi bộ, chính quyền thôn vận động mỗi hộ đóng góp 20.000 đồng/ năm để mua các bóng đèn thắp sáng và thay thế những bóng đã bị hỏng. Nhờ vậy, đến nay đã lắp được 28 bóng đèn thắp sáng trên đoạn đường dài gần 5 km của thôn Trúc Kinh, qua đó góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp tại địa phương, trẻ em đi học ban đêm được an toàn hơn. Để thực hiện tiêu chí “Rác sạch”, vào ngày chủ nhật cuối tháng, các hội viên, phụ nữ trong chi hội đã tham gia làm vệ sinh đoạn đường do phụ nữ đảm nhận và các tuyến đường khác. Ngoài ra, từ khi phong trào phát động, ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường chung trong chị em phụ nữ cũng được nâng lên đáng kể. Chi hội cũng đã vận động các hộ gia đình hiến cây, hiến đất mở rộng đường giao thông thôn xóm, các hội viên, phụ nữ đã đóng góp 117 công, 30 triệu đồng để bê tông các tuyến đường trong thôn. Đối với tiêu chí “Nhà hạnh phúc”, Chi hội phụ nữ đã phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ nói riêng và người dân nói chung những kiến thức về xây dựng gia đình, nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe… Phối hợp với công an thôn và tổ hòa giải tuyên truyền, hòa giải thành công 7 hộ có mâu thuẫn gia đình; giáo dục cảm hóa 8 đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, đến nay cả 8 người đều có sự tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, hội đã vận động chị em vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp như: giúp gặt lúa, hỗ trợ vốn vay, nhận đỡ đầu con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn…Đời sống hội viên phụ nữ được cải thiện, tình trạng mâu thuẫn gia đình và trẻ em hư hỏng tại địa phương đã giảm đáng kể.
 |
Hội LHPN tỉnh, huyện Gio Linh cùng nhà tài trợ trao tặng con giống cho phụ nữ nghèo vùng biển - Ảnh: THU HÒA |
Cũng thực hiện mô hình “3 sạch”, Hội LHPN xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng mô hình “Đường hoa yêu thương” tại tổ 2, Chi hội phụ nữ thôn Quảng Xá. Với 46 hội viên tham gia, đến nay chi hội đã tổ chức trồng hoa được trên 0,5 km đường trên địa bàn. Ngoài ra, để các tuyến đường tại địa phương thông thoáng, sạch đẹp, các hội viên, phụ nữ trong Chi hội Quảng Xá đã tự nguyện hiến đất vườn, phá hàng rào cũ, mở rộng đường nông thôn rộng rãi, khang trang, dời hàng chục mét tường rào, cổng đã xây kiên cố để thôn mở rộng đường. Thông qua tiết kiệm bằng hình thức nuôi heo đất, chị em đã đóng góp trên 500 triệu đồng và hàng ngàn ngày công, xây dựng đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa cộng đồng, điện thắp sáng đường quê... Chính những việc làm thiết thực, ý nghĩa của Chi hội phụ nữ thôn Quảng Xá đã góp phần cùng xã Vĩnh Lâm hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, phụ nữ Không chịu khuất phục trước đói nghèo, chị Hoàng Thị Liên, thôn Nam Đông, xã Gio Sơn (Gio Linh) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi để phát triển mô hình làm bún tươi kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhận thấy nhu cầu sử dụng bún tại địa phương cũng như những xã lân cận khá lớn, trong khi đó chưa có cơ sở sản xuất bún tươi tại chỗ, chị Liên đã vay 50 triệu đồng để mua máy và các dụng cụ làm bún với công suất sản xuất đạt 50 kg bún/giờ. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất ra từ 200- 300 kg bún tươi cung cấp cho các chợ đầu mối và các cửa hàng ăn uống trên địa bàn, giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động. Ngoài sản xuất bún, chị đã tận dụng nguồn phụ phẩm từ cơ sở sản xuất bún để chăn nuôi 3 con lợn nái, 30 con lợn thịt nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Đến xã Gio Sơn bây giờ, không khó để chúng tôi tìm gặp những mô hình kinh tế hiệu quả của chị em phụ nữ. Thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo”, thời gian qua, Hội LHPN xã Gio Sơn đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thứcvề chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ sinh kế. Với vốn kinh nghiệm tự có cùng với những kiến thức tiếp thu được từ các lớp tập huấn, các hội viên, phụ nữ địa phương đã áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả, tận dụng các diện tích đất bỏ hoang, ruộng sản xuất lúa không hiệu quả để đưa cây cao su, bơ, hồ tiêu, các loại cây ngắn ngày, rau màu vào sản xuất nhằm cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Gio Sơn cũng đã vận động chị em tập trung xây dựng được 50 mô hình kinh tế tổng hợp vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa trồng trọt, thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/ năm. Đối với các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ nguồn vốn vay cho chị em để đầu tư vào kinh doanh, buôn bán, thương mại dịch vụ. Đi đôi với phát triển kinh tế, hội còn chú trọng vào hoạt động giúp đỡ, đỡ đầu hộ nghèo cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng các mô hình tiết kiệm. Đến nay, tại 5/5 chi hội đều có mô hình tiết kiệm tín dụng với 432 thành viên tham gia, giải quyết cho 450 lượt thành viên vay vốn với lãi suất 0,5%/ tháng. Từ nguồn vốn này hội đã giúp đỡ cho nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Hàng năm hội đã phân công đỡ đầu các hộ phụ nữ đơn thân làm chủ hộ thuộc hộ nghèo về kiến thức, ngày công và được vay các nguồn vốn ưu đãi. Thực hiện tốt tiêu chí “ Không đói nghèo” của cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Phụ nữ xã Gio Sơn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 3,01%, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 24,4 triệu đồng/người/ năm (năm 2016). LỆ NHƯ